Hiểu về công nghiệp văn hóa của Nhật Bản qua 'Hồn Anime'

(PLVN) - Thành công rực rỡ của ngành công nghiệp Anime, xuất phát từ nền tảng manga tại Nhật Bản, là một bài học đầy cảm hứng cho Việt Nam trong quá trình xây dựng công nghiệp văn hóa, thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong văn hóa đại chúng.
Ảnh: GTS.

Ảnh: GTS.

Nhân dịp ra mắt cuốn sách đầu tháng 6 vừa qua, The Japan Foundation và Book Hunter đã phối hợp tổ chức cuộc thảo luận chuyên sâu hướng tới những giá trị đích thực của manga-anime trong sự phát triển xã hội, đồng thời cung cấp những yếu tố quan trọng làm nên thành công của manga-anime.

“Hồn Anime” không chỉ là một cuốn sách, mà là một kho tàng quý báu cho những ai đam mê anime, truyền thông và văn hóa đại chúng. Tác phẩm mang đến cái nhìn toàn diện về cách một phần của văn hóa Nhật Bản đã trở thành hiện tượng toàn cầu. Cuốn sách không chỉ thu hút người hâm mộ anime mà còn là nguồn tư liệu quan trọng cho các nhà nghiên cứu văn hóa, truyền thông và quan hệ quốc tế.

Giáo sư Alisa Freedman, chuyên gia nghiên cứu văn học và văn hóa Nhật Bản từ đại học Oregon chia sẻ, anime có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và lan tỏa đến nhiều lĩnh vực văn hóa khác của Nhật Bản như thời trang, trò chơi điện tử, manga, đồ chơi, âm nhạc. Nhờ đó, văn hóa Nhật Bản đã trở thành một siêu quyền lực mới, được biết đến khắp thế giới. Anime không chỉ là một phần của các sự kiện quốc tế như Thế vận hội, mà còn là trung tâm của các hội nghị fan anime trên toàn cầu, thu hút hàng chục ngàn người tham gia.

Những biểu tượng như Hello Kitty đã được bổ nhiệm làm đại sứ du lịch châu Á vào năm 2008 và các nhân vật anime như Super Mario cũng được chọn làm đại sứ cho Thế vận hội Tokyo 2020/2021. Emoji, biểu tượng cảm xúc phổ biến hiện nay, cũng xuất phát từ Nhật Bản từ năm 1999… Anime đã kết nối mọi người trên toàn cầu, từ những cộng đồng yêu thích Doraemon tại Việt Nam đến các fan hâm mộ trên khắp thế giới. Chính phủ Nhật Bản và các nghệ sĩ đã dẫn dắt xu hướng, tạo nên các cộng đồng mới, thay đổi quan niệm về giới tính và bản sắc. Anime không chỉ là văn hóa “thuộc về” Nhật Bản mà còn là văn hóa “quốc tế”, một hình thức “quyền lực mềm” giúp Nhật Bản cải thiện hình ảnh trên trường quốc tế. Trong đại dịch COVID-19, các nhân vật anime và sinh vật kyōkai còn được sử dụng trong các chiến dịch y tế công cộng, chứng tỏ sức ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa này.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dương, chuyên gia nghiên cứu về văn học dân gian và văn hóa đại chúng hiện đang công tác tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thì trước 1986, Việt Nam đã có truyện tranh, nhưng chủ yếu là truyện tranh minh họa tuyên truyền. Năm 1992, NXB Kim Đồng mang Doraemon về Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt lớn. Làn sóng truyện tranh giải trí bắt đầu cuốn hút đông đảo độc giả, chuyển hướng từ tuyên truyền sang giải trí. Sau đó, nhiều bộ truyện tranh giải trí như “Dũng sĩ Hesman” (1993) và “Thần đồng đất Việt” (2002) ra đời. Năm 2004, Việt Nam gia nhập công ước Bern, đẩy mạnh việc tôn trọng bản quyền và xuất hiện các tạp chí truyện tranh như Thần đồng đất Việt fanclub và Truyện tranh trẻ. Từ đó, truyện tranh Việt mở rộng phạm vi sang webtoon và mạng xã hội.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dương, thái độ của công chúng về manga đã thay đổi tích cực. Nếu như những năm 2000 - 2010, manga bị đánh giá tiêu cực thì những năm gần đây, sự đánh giá công tâm hơn đã xuất hiện. Trong các trường đại học, những nghiên cứu về ảnh hưởng của truyện tranh đã có cái nhìn toàn diện và công bằng hơn. Khảo sát của Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dương với hơn 60 người cho thấy: 94,9% độc giả tìm đến manga-anime để giải trí, giảm stress; 74,6% để thưởng thức nghệ thuật và tò mò; 62,7% để mở rộng hiểu biết về học thuật, văn hóa, ngôn ngữ. 82,7% khẳng định manga-anime giúp họ có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống và con người, thay đổi thế giới quan và nhân sinh quan theo hướng tích cực. 52,7% cho rằng manga-anime cảnh báo và kích thích họ tư duy để giải quyết tình huống.

Các họa sĩ và người sáng tạo nội dung truyện tranh hiện nay tại Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ manga-anime về cả cấu trúc nội dung và nét vẽ. Tuy nhiên, các diễn giả và người tham dự cũng nêu lên những khó khăn và yếu tố còn thiếu để Việt Nam thực sự kiến tạo một nền công nghiệp văn hóa giải trí.

Cả Giáo sư Alisa Freedman và Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dương đều nhận định rằng tác phẩm “Hồn Anime” của Ian Condry là cuốn sách quan trọng nhất cho bất cứ ai muốn nghiên cứu anime Nhật Bản và tìm hiểu cách hợp tác sáng tạo các sản phẩm văn hóa đại chúng. “Hồn Anime” là một nghiên cứu nhân học về sự hợp tác và sáng tạo trong thế giới anime. Tác giả Ian Condry đã thực hiện một cuộc điền dã thâm nhập vào các studio và gặp gỡ những người sản xuất Anime lừng danh tại Nhật Bản để tái hiện và xâu chuỗi các thành phần tham gia làm bật lên chủ đề năng lượng tập thể, giúp người đọc hiểu rõ hơn về sức mạnh của hợp tác và sáng tạo trong ngành công nghiệp anime như thế giới manga, cộng đồng fan, các nhà sáng tạo, các studio…

Đọc thêm