Mặc dù đã được Tòa án xác định là “tranh chấp dân sự” và ra Quyết định giải quyết nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) vẫn khởi tố vụ án, khởi tố bị can vì cho rằng đây là vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vài tháng sau đó, vụ án được “đình chỉ điều tra” với lý do “miễn trách nhiệm hình sự với bị can”. Đưa ra lý do như trên có phải là cách mà cơ quan tố tụng huyện Lạc Sơn “né” trách nhiệm trong vụ án oan sai này?
Hình sự “đè” dân sự
Đầu tháng 12/2009, TAND huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đã thụ lý vụ kiện đòi nợ mà nguyên đơn là bà Hoàng Thị Dung (ở thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn), bị đơn là vợ chồng bà Trần Nhật Tuấn (trú tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình). Sau khi tiến hành hòa giải, ngày 21/4/2010 TAND huyện Tân Lạc đã có Quyết định “Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự”. Theo đó, vợ chồng bà Tuấn còn nợ bà Dung tổng cộng 119,7 triệu đồng. Ngoài nợ gốc, vợ chồng bà Tuấn còn phải có trách nhiệm trả bà Dung lãi suất nợ quá hạn trong thời gian chưa thi hành án xong. Đến nay, hai bên đã thỏa thuận thi hành xong và không còn tranh chấp gì.
Tuy nhiên, đến tháng 5/2011 VKSND huyện Lạc Sơn và Cơ quan CSĐT Công an huyện Lạc Sơn đã “hình sự hóa” quan hệ vay tiền trên bằng Quyết định khởi tố bà Trần Nhật Tuấn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hai cơ quan này cho rằng bà Tuấn đã có hành vi thế chấp “sổ đỏ giả” cho bà Dung để vay tiền.
Nhận xét về vụ việc này, Luật sư Dương Kim Sơn (Công ty Luật TGT và Cộng sự) cho rằng: “Việc khởi tố bà Tuấn là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tố tụng bởi quan hệ vay tiền giữa bà Dung và bà Tuấn là một quan hệ dân sự, đã được Tòa án thụ lý và giải quyết xong vào tháng 12/2009. Cơ quan CSĐT không thể “đứng trên” Tòa án, bất chấp Quyết định của Tòa án đang có hiệu lực để chuyển quan hệ vay tiền thành vụ án hình sự được”.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Lâm - Phó Viện Trưởng VKSND huyện Lạc Sơn - thừa nhận việc Công an “dẫm lên chân” Tòa án như trên và cho hay: “Chúng tôi đã đề nghị Cơ quan điều tra (CQĐT) có văn bản đề nghị Tòa xem xét lại Quyết định hòa giải thành”. Tuy nhiên, ông Lâm đã không thể lý giải tại sao Cơ quan CSĐT và VKS không đợi Tòa án hủy “Quyết định hòa giải” thành rồi hãy khởi tố bị can? Tại sao CQĐT lại cứ buộc bà Dung phải là bị hại “bất đắc dĩ” trong vụ án hình sự mặc dù người này đã tự nguyện giải quyết vụ vay nợ tại Tòa Dân sự?
Có lẽ do Quyết định hòa giải thành không thể hủy được và để tiếp tục “chữa cháy” cho việc trót đã khởi tố bà Tuấn nên sau khi tiến hành điều tra và điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT đã “đình chỉ điều tra vụ án” với lý do “miễn trách nhiệm hình sự đối với bà Tuấn”
Việc “miễn trách nhiệm hình sự nói trên” có thể hiểu là bà Tuấn vẫn có tội nhưng Cơ quan CSĐT “xét thấy hành vi này không còn nguy hiểm cho xã hội”. Chính vì vậy, bà Tuấn đã có nhiều đơn thư gửi các cơ quan chức năng đề nghị được minh oan vì mình không có hành vi phạm tội.
“Lăn tăn” nhưng vẫn cố... khởi tố
Được biết, vụ “lừa đảo” trên được khởi tố vào tháng 8/2010 bởi CQĐT hình sự khu vực 5 (Quân khu 3) vì có liên quan đến việc chồng bà Tuấn (làm việc tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tân Lạc) dùng đăng ký xe giả để thế chấp vay tiền. Cơ quan này tiếp tục phát hiện Sổ đỏ mà bà Tuấn đưa cho bà Dung trong quá trình vay tiền là giả nên đình chỉ việc điều tra đối với chồng bà Tuấn và chuyển vụ án đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Lạc Sơn để điều tra theo thẩm quyền. Khi thấy hành vi của bà Tuấn không cấu thành tội phạm, cơ quan này đã đình chỉ vụ án nhưng đã lại bị VKSND huyện Lạc Sơn yêu cầu phục hồi điều tra.
Tỏ ra “sốt sắng” trong vụ án này nhưng VKSND huyện Lạc Sơn cũng không dám ra Cáo trạng nên đã trả hồ sơ, yêu cầu Cơ quan CSĐT làm rõ một số nội dung như: Thời điểm bà Tuấn đưa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) giả cho bà Dung; ý thức chủ quan của bà Tuấn khi đưa Giấy CNQSDĐ giả nhằm mục đích gì?...
Ông Lâm lý giải: “Do còn lăn tăn về hành vi phạm tội của Tuấn nên chúng tôi đã trả hồ sơ cho CQ CSĐT để điều tra bổ sung”. Trả lời này càng làm cho dư luận thêm khó hiểu về động thái “đề nghị phục hồi điều tra và khởi tố bà Tuấn” trước đó của chính VKSND huyện Lạc Sơn.
Kết quả điều tra lại đã khẳng định rõ: “Ý thức chủ quan của Tuấn đưa Giấy CNQSDĐ là vì bà Tuấn thúc ép đòi nợ, do chưa có tiền nên đưa Giấy tờ nhà đất để cầm cố, giãn nợ. Tuấn vẫn trả nợ cho bà Dung mà không có ý thức chiếm đoạt”. Điều này cũng phù hợp với lời khai của bà Tuấn rằng: “Đến thời điểm trả tiền nhưng chưa có tiền nên tôi mới đem bìa đỏ xuống đưa bà Dung để khất nợ, giãn nợ”.
Nội dung trên cùng với Quyết định hòa giải của Tòa càng thể hiện việc bà Tuấn không có ý thức chiếm đoạt tiền của bà Dung nên không thể có tội phạm trong vụ việc này. Tại sao Cơ quan CSĐT và VKSND huyện Lạc Sơn không “mạnh dạn” thừa nhận bà Tuấn “không có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”?
Ngoài việc đề nghị được minh oan, hiện bà Tuấn đã có đơn đề nghị cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của một số Điều tra viên và Kiểm sát viên trong vụ việc này.
Khoa Lâm