Hình tượng rồng trong đời sống của người Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ xưa đến nay, con rồng được xem là linh vật có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng của những phẩm chất cao đẹp, sức vươn lên mạnh mẽ trong suốt hàng nghìn năm văn hiến của dân tộc.
Đồ án lưỡng long chầu nhật thế hồi long (đình An Ngãi Đông ở Hòa Sơn, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) mang các đặc điểm hoàn chỉnh của rồng thời Nguyễn. Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng
Đồ án lưỡng long chầu nhật thế hồi long (đình An Ngãi Đông ở Hòa Sơn, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) mang các đặc điểm hoàn chỉnh của rồng thời Nguyễn. Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng

Rồng đã xuất hiện từ rất sớm trong đời sống tâm linh, tinh thần của người Việt, đó là truyền thuyết về Lạc Long Quân (Rồng) và Âu Cơ (Tiên). Đây là niềm tự hào về dòng giống, cội nguồn - gốc rễ dựng xây nên cơ đồ dân tộc Việt ngày nay.

Trong quan niệm của người Việt, rồng là một loài thần thoại, không có thực trong cuộc sống nên mang rất nhiều đặc tính thoát khỏi những đặc điểm trần tục của những loài khác. Do đó, rồng với người Việt là một loài linh thiêng, cao quý và có quyền lực, có ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Trong đời sống người Việt Nam, rồng có hai đặc tính quan trọng là sức mạnh và quyền năng thiên biến vạn hóa, nên được cho là biểu trưng của sự uy quyền, tối cao, vừa được người dân gửi gắm những mong muốn, hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Rồng đá trong điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ. Ảnh: hoangthanhthanglong.vn

Rồng đá trong điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ. Ảnh: hoangthanhthanglong.vn

Thời phong kiến, rồng là biểu tượng uy quyền, đại diện cho “chân mệnh thiên tử” và gắn với hoàng quyền. Hình tượng rồng vì thế xuất hiện trong tất cả các công trình kiến trúc, trang trí nội thất, đồ dùng, y phục của vua, hoàng gia, thể hiện sự cao quý, tôn nghiêm, bất khả xâm phạm. Đặc biệt, hình tượng rồng được chạm khắc trên ngọc tỷ thể hiện quyền lực tối cao của vua.

Còn với những người dân bình dị, rồng lại rất gần gũi trong đời sống tâm linh, tinh thần, gắn với niềm tin, hy vọng của con người, một biểu hiện của khát vọng vươn lên chinh phục tự nhiên. Quan niệm của người xưa cho là rồng có tài hút được nước và phun ra nước. Vậy nên, rồng trở thành biểu tượng của niềm tin, mong muốn “mưa thuận gió hòa”, mùa màng bội thu, dân cư no đủ.

Trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, hình tượng con rồng luôn tồn tại và biến đổi cùng những thăng trầm của quốc gia, dân tộc. Mỗi triều đại, hình tượng rồng được khắc họa khác nhau, nhưng vẫn thể hiện được sự tự do, phóng khoáng, mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. Có nhiều quan điểm xung quanh nguồn gốc của hình tượng rồng trong văn hóa Việt, song các nhà nghiên cứu đều cùng khẳng định, trong tâm thức của người Việt, rồng vẫn là một biểu tượng cao quý không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tâm linh.

“Múa rồng”, loại hình văn hóa đặc sắc thể hiện khát vọng chinh phục, gửi gắm ước nguyện về sự phát đạt, hanh thông. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

“Múa rồng”, loại hình văn hóa đặc sắc thể hiện khát vọng chinh phục, gửi gắm ước nguyện về sự phát đạt, hanh thông. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

Trong hàng trăm ngàn hiện vật quý đang được lưu giữ tại bảo tàng Lịch sử quốc gia, có rất nhiều hiện vật trang trí hình tượng rồng và được thể hiện trên mọi chất liệu như đá, đồng, gốm…, hay trên các đồ chế tác từ các nguyên liệu quý như vàng, bạc, ngọc… Hình tượng rồng còn được thể hiện ở lĩnh vực văn nghệ dân gian, văn nghệ quần chúng như trò chơi “Rồng rắn lên mây”, tiết mục “Múa rồng” (múa lân sư rồng); hình tượng rồng trong tranh dân gian Đông Hồ, với ước nguyện chinh phục, mang đến sự phát đạt, hanh thông, vận may, hạnh phúc, ấm no…

Trong những không gian tín ngưỡng của người Việt như: chùa chiền, lăng tẩm, miếu thờ…, rồng tuy đứng đầu “tứ linh” (long, ly, quy, phượng), nhưng không được thờ cúng như những linh vật khác, mà rồng luôn trong tư thế nằm chầu, rồng cuốn quanh cột của công trình kiến trúc, rồng nằm uốn lượn trên mái đình. Hình ảnh này chính là biểu tượng cho sự che chở, phục vụ, luôn sẵn sàng bảo vệ.

Quốc phục in họa tiết rồng mà Á hậu Thúy Vân mang đi thi Hoa hậu Quốc tế năm 2015. Ảnh: Dân Việt

Quốc phục in họa tiết rồng mà Á hậu Thúy Vân mang đi thi Hoa hậu Quốc tế năm 2015. Ảnh: Dân Việt

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, hình tượng rồng vẫn rất phổ biến trong trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, điêu khắc, chạm trổ, thời trang bởi ý nghĩa cao quý, mạnh mẽ, mang dấu ấn quyền lực và truyền thống. Rất nhiều nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới đưa hình tượng rồng vào những tác phẩm của mình, đặc biệt là ngành trang sức, thiết kế áo dài. Những tiết mục múa rồng hoành tráng, thể hiện sự vươn lên, đón vận may vẫn được biểu diễn trong các sự kiện trọng đại của quốc gia, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp…

Hình tượng rồng được sử dụng trên đồ trang sức. Ảnh: APJ

Hình tượng rồng được sử dụng trên đồ trang sức. Ảnh: APJ

Và cứ thế, trải qua hàng nghìn năm, hình tượng rồng vẫn gắn bó, hòa hợp một cách gần gũi, biểu tượng phong phú, đa dạng trong đời sống vật chất, tinh thần của người Việt, luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh trên dải đất “chữ S” bên bờ Biển Đông.

Đọc thêm