"Hô biến" đất công, UBND Quận thờ ơ ?

Bằng cách “phù phép” chữ ký của người mù (không biết ký) và người đã chết, mà một lô đất thuộc sở hữu của Nhà nước đã biến thành đất tư. Điều khó hiểu là mặc dù với tư cách là người quản lý, bị mất đất nhưng UBND  chủ quản lại... chẳng có ý kiến gì

Bằng cách “phù phép” chữ ký của người mù (không biết ký) và người đã chết, mà một lô đất thuộc sở hữu của Nhà nước đã biến thành đất tư. Điều khó hiểu là mặc dù với tư cách là người quản lý, bị mất đất nhưng UBND  chủ quản lại... chẳng có ý kiến gì

Con đường có phần đất
đường Lý Phục Man, phường Bình Thuận- nơi có phần đất "bị mất"

Giả chữ ký người mù, người chết để lập hồ sơ

Năm 1990, gia đình bà Nguyễn Thị Chớ, ngụ tại khu phố 5, phường Tân Thuận Đông, quận 7 thuộc diện giải tỏa di dời trong Dự án cảng Bến Nghé, TP.HCM và được bốc thăm nhận nền tái định cư với phần diện tích đất 300m2 tại Lô 48 khu A, phường Bình Thuận, quận 7.

Sau khi bốc thăm, ngày 7/7/1990, UBND huyện Nhà Bè trao quyết định giao đất số 87/QĐGĐ cho chồng bà Chớ là ông Nguyễn Văn Luận ký nhận quyết định. Hơn hai năm sau (ngày 9/5/1992), ông Luận chết nhưng do vợ con ông Luận không đồng ý di dời nên không bàn giao nhà đang ở và chưa nhận nền đất như đã bốc thăm (Lô 48).

Mãi đến năm 2008, UBND phường Tân Thuận Đông tiếp tục mời gia đình bà Chớ đến tiến hành ký biên bản bàn giao mặt bằng nhà và đất tại phường Tân Thuận Đông. Lúc này, theo sự hướng dẫn của UBND phường, bà Chớ và các con tìm đến Lô 48 khu A, phường Bình Thuận, thì được biết phần đất dự kiến đền bù trên đã được sang bán qua nhiều đời chủ và hiện trạng là nhà ở kiên cố…

Qua tìm hiểu sự việc được biết, phần đất trên đã bị sang nhượng bằng văn tự mua bán nhà lập ngày 27/12/1992 giữa ông Luận bà Chớ với ông Trần Kiên Quyết, có chữ ký của bà Chớ và ông Luận hẳn hoi.

Ngoài ra, hồ sơ vụ mua bán này còn có cả Giấy phép xây dựng nhà số 141/GPXD/92 của Phòng Xây dựng huyện Nhà Bè cấp cho ông Nguyễn Văn Luận ngày 7/12/1992. Trong khi bà Chớ mù chữ chỉ biết điểm chỉ (lăn tay) trong mọi giao dịch và ông Luận đã chết trước khi có giấy phép xây dựng và văn tự mua bán nhà.

Bức xúc trước việc làm sai trái của chính quyền và những người có liên quan, bà Chớ và các con khởi kiện đến TAND Quận 7 xin hủy văn tự mua bán nhà giữa vợ chồng bà và ông Trần Kiên Quyết; Đồng thời, yêu cầu cơ quan chức năng giao trả nền đất cho hộ gia đình của bà.

Trong quá trình khiếu nại và Tòa án thụ lý giải quyết vụ kiện, thì UBND Quận 7 kiểm tra phát hiện ra rằng: Tại Công văn số 1329 ngày 4/6/2010, về việc trả lời các kiến nghị của hộ bà Chớ tại buổi làm việc ngày 22/4/2010, trong Dự án mở rộng Cảng Bến Nghé (giai đoạn 3), tại phường Tân Thuận Đông nêu:

“Trường hợp bà Nguyễn Thị Chớ, theo biên bản nội dung buổi làm việc ngày 22/12/2009, giữa Thanh tra Quận 7 và với hộ gia đình bà. Theo đó, hộ bà Chớ xác định trước đây có nhận phiếu bốc thăm nền tái định cư tại đường Lý Phục Man, phường Bình Thuận nhưng chưa nhận và sử dụng nền đất trong khu vực này, nên không thuộc diện đền bù cấu trúc di dời về khu tái định cư”.

Suýt mất tài sản của Nhà nước

Do công văn xác minh trả lời của UBND Quận 7 xác định nền đất của bà Chớ bị xâm hại thuộc Nhà nước quản lý, do đó bà rút giảm phần yêu cầu khởi kiện vì trách nhiệm thu hồi lô đất sẽ thuộc về các cơ quan chức năng.

Chính vì vậy, ngày 28/5/2013, TAND Quận 7 tuyên xử chấp nhận phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Chớ, hủy “văn tự mua bán nhà” lập giữa ông Nguyễn Văn Luận và Nguyễn Thị Chớ với ông Trần Kiên Quyết do UBND xã Tân Thuận Tây xác nhận chữ ký ông Nguyễn Văn Luận vào ngày 7/12/1992 và Phòng Xây dựng Huyện Nhà Bè lập ngày 10/12/1992 đối với căn nhà số 48, khu A, phường Bình Thuận, Quận 7.

Điều đáng nói là sau vụ kiện này, dư luận đặt ra câu hỏi rằng, trong trường hợp này nếu bà Chớ không khởi kiện thì liệu các cơ quan thẩm quyền địa phương có phát hiện sai trái?  

Chưa hết, điều đáng nói nữa là qua diễn biến quá trình tố tụng và tại phiên tòa, đại diện ủy quyền của địa phương tham gia với tư cách đơn vị có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không hề có yêu cầu, động thái gì trong vụ kiện này.

Cụ thể như, Bản án sơ thẩm của Tòa Quận 7 nhận định: UBND quận chưa có yêu cầu gì trong vụ án này… và không yêu cầu Tòa án giải quyết gì, nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết hậu quả của việc hủy “văn tự mua bán nhà”.

Trong khi Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Chớ ngậm ngùi than thở, vì tôn trọng sự thật pháp lý với danh nghĩa là bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn mà thật ra là bảo vệ quyền lợi cho Nhà nước (cụ thể là UBND quận) để nhằm thu hồi lại lô đất là tài sản của Nhà nước nhưng không hiểu sao người đại diện cơ quan chẳng có ý kiến gì?

Và các chứng từ như hợp đồng mua bán, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất ở do ông Quyết đã chuyển dịch tài sản cho người khác vẫn còn tồn tại. Như vậy sẽ còn nhiều rắc rối và nhiều nạn nhân khác do hậu quả chứng nhận mua bán của cấp phường, xã…

Rồi đây không biết UBND quận và các cơ quan thẩm quyền sẽ giải quyết hậu quả ra sao, trong đó có hình thức xử lý kỷ luật trách nhiệm cá nhân mà suýt chút nữa họ đã đánh mất tài sản của Nhà nước.

LS Nguyễn Thanh Lương, phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bến Tre

Đọc thêm