Nhìn xuyên qua hai bức tường?
Đối chiếu cáo trạng với thực tế hiện trường và những hình ảnh, bút lục trong hồ sơ vụ án, sẽ thấy có những điều nếu là người bình thường không thể nào làm được. Trước hết và rõ nhất là hành vi “Hải đi vào chân cầu thang đứng nhìn ra phía trước thấy Vân đi mua trái cây từ phía ngoài đi vào, thấy Vân kéo cửa sắt phía trước xuống (đóng cửa) rồi đi vào bỏ bịch trái cây lên bàn salon”.
Về cấu trúc nhà Bưu cục Cầu Voi là nhà hình ống, cầu thang nằm ở căn phòng phía sau, phía trước có một căn phòng khác. Từ cầu thang cách cửa ra vào đến hai bức tường, chân cầu thang, nằm sâu bên trong bức tường thứ hai, muốn nhìn ra cửa của Bưu cục nơi Vân kéo cửa sắt xuống phải nhìn xuyên qua hai bức tường.
Cũng về tình tiết này, biên bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận “trên bàn gỗ có 2 bịch trái cây” gồm quít, bưởi và bom (táo). Tại bản tường trình, Hải khai “Vân mua trái cây về để trên bàn gồm loại trái cây gì tôi không nhớ”. Nhưng ba tháng sau, lại “nhớ ra” và khai rằng: “Tôi thấy Vân để trên bàn salon 2 bịch trái cây, trong đó có bom, quýt, lê, bưởi”.
Luật sư Hồng Phong đã vạch ra rằng Hải nhớ và khai như vậy là vô lý vì sau khi giết Vân, Hải không có lý do gì để mở hai bịch trái cây ra xem và khai cũng không chính xác (thật sự trong bịch trái cây không có lê).
Một vô lý khác là trong cáo trạng không thể hiện hành vi Hải hiếp dâm Hồng, cũng không có hành động nào đụng chạm đến quần của Hồng, hình ảnh chụp tại hiện trường và biên bản khám nghiệm hiện trường cho thấy quần của Hồng không bị tụt. Thế nhưng trong biên bản hỏi cung bị can ngày 106/2008, Hải khai thấy Hồng mặc “quần trong màu trắng”.
Vì sao Hải lại khai như vậy? Chỉ có một trong hai khả năng: Hải có khả năng nhìn xuyên qua mọi vật từ bê tông, vải đến vải nhựa; hoặc là thực tế Hải không gây án nhưng phải khai cho phù hợp với yêu cầu của ai đó.
Nếu Hải đứng dưới chân cầu thang (phía bên phải) thì không thể nhìn ra phòng trước để thấy Vân đi mua trái cây về và đi vào. Còn nếu Hải đứng phía bên trái, sát tường hay giữa cửa, thì khi Vân đi từ ngoài vào sẽ thấy Hải ngay. |
Khám nghiệm tử thi sơ sài
Theo biên bản giám định ghi, thi thể Hồng “có ít dịch nhầy trong âm đạo” nhưng cơ quan pháp y đã không lấy mẫu, không xét nghiệm nên không biết đó là dịch gì? Dịch âm đạo phụ nữ hay tinh dịch?
Theo quy định về pháp y, đối với trường hợp chết nghi hiếp dâm “bắt buộc phải thu và giao cho người hoặc cơ quan trưng cầu giám định pháp y tử thi các mẫu sau: Mật hoặc nước tiểu để xác định loại bài tiết.Móng tay với chất chứa dưới móng tay, Tăm bông và phết kính chất chứa trong âm đạo để phát hiện tinh dịch nghiên cứu đặc điểm hình thái của các tế bào biểu mô âm đạo”.
Với kỹ thuật ADB hiện nay thì nếu có phân tích AND tinh dịch sẽ bảo đảm xác định đúng 100% người giao cấu không thể nào nhầm lẫn. Nếu đây chính là ADN của Hải thì một triệu lá đơn kêu oan cũng vô nghĩa.
Quy trình giám định pháp y còn lưu ý: “Trong các vụ án tình dục, khi nghi thực hiện giao hợp ở dạng lạc chỗ, lấy tăm bông và phết kính từ niêm mạc miệng và trực tràng ở tử thi cả hai giới, khi nghi các tộiphạm tình dục nên lấy nước rửa tăm bông lau ở da xung quanh các bộ phận sinh dục và hậu môn”.
Rất tiếc giám định viên đã không thực hiện điều này và trong bản giám định tử thi Hồng không thấy nêu chi tiết Hồng có bị xuất phân khi chết hay không. Chính thiếu sót này nên thật sự cô Hồng có bị hiếp dâm hay không? Chết ngạt hay chết do cắt cổ vẫn chưa làm rõ.
Tàng hình dao gây án?
Theo cáo trạng, Hải đã dùng “con dao thái lan dài 28cm, ngang 3 cm” tại bưu điện để cắt cổ hai nạn nhân. Nhưng tại hiện trường không hề có con dao nào – dù khi khám nghiệm hiện trường, có đầy đủ thành phần, đông người, hiện trường vụ án là căn phòng không rộng lắm. Liệu Hải có tài phép nào để làm con dao tàng hình qua mắt CQĐT?
Qua ngày hôm sau các dân phòng trong quá trình dọn dẹp hiện trường thấy một con dao “mới tinh” tại bưu cục. Điều quái lạ là các dân phòng được nhìn thấy, con dao chỉ cách vị trí xác hai nạn nhân chưa đầy nửa mét. CQĐT đã “mặc nhiên” cho rằng đây là con dao của bưu cục và sau này cho rằng chính Hải đã sử dụng con dao này đề cắt cổ hai nạn nhân. Hơn nữa con dao được phát hiện đó thực tế vẫn là một con “dao ảo” (hoàn toàn chỉ do các dân phòng thấy) và đã bị mất, không thu giữ. Sau đó, các dân phòng tự đi mua lại một con dao “giống” như con dao “ảo” này.
Liệu những tình tiết như trên, từ một con dao mơ hồ về nguồn gốc, không có dấu vết tội phạm và không còn tồn tại, các cơ quan tố tụng lại căn cứ vào điều luật nào để có thể “kết luận” rằng đó là con dao của bưu điện và Hải đã dùng con dao đó để giết người? Trong khi một trong những nguyên tắc cơ bản để xác định tang vật là phải “có thật” và “liên quan trực tiếp” đến tình tiết của vụ án?