Hộ khẩu hình… răng lược, người Hà Nội "ghen" người Hòa Bình

 Xuất phát từ sự “bất hòa” giữa Lương Sơn và Chương Mỹ về mốc giới, nên có những ông cụ năm nay ở tuổi thất thập cổ lai hy, con cháu đầy nhà vẫn mang cho mình cái mác “độc thân” để có hộ khẩu là người Hà Nội.

Xuất phát từ sự “bất hòa” giữa Lương Sơn và Chương Mỹ về mốc giới, nên có những ông cụ năm nay ở tuổi thất thập cổ lai hy, con cháu đầy nhà vẫn mang cho mình cái mác “độc thân” để có hộ khẩu là người Hà Nội.

Sống cùng vợ, có con cháu đầy nhà, nhưng ông Quý vẫn là diện “độc thân” để có khẩu là người  Hà Nội
Sống cùng vợ, có con cháu đầy nhà, nhưng ông Quý vẫn là diện “độc thân” để có khẩu là người Hà Nội

Hai vợ chồng, hai hộ khẩu

Từ quốc lộ 6, nhà cụ bà Nguyễn Thị Thanh nằm sâu trong con ngõ. 70 tuổi, bà vẫn nhớ rành rọt địa chỉ của gia đình là ở tiểu khu 5 Lu, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình. Bà Thanh nói, do “ở địa bàn giáp ranh”, nên hiện nay, “khẩu của tôi thì ở Lương Sơn, còn nhà tôi – ông Nguyễn Văn Quý - thì hộ khẩu ở Chương Mỹ, là người Hà Nội”.

Bà Thanh, cũng đề cập đến sự “lằng nhằng” khi thuộc người “Hòa Bình”, khi lại là công dân “Hà Nội”. Theo đó, ngay sau ngôi nhà của mình, con trai bà tên Hải cũng mang hộ khẩu Hòa Bình. Trong khi đó, hai đứa con anh Hải, cháu lớn học lớp 9 thì học ở Lương Sơn, còn cháu nhỏ năm nay lớp 5 thì học ở Xuân Mai!

Trong một nhà, nhưng chồng bà Thanh, ông Quý lại có hộ khẩu Hà Nội. Địa chỉ của ông không phải là tiểu khu 5 Lu, mà là khu Tân Mai, thị trấn Xuân Mai của huyện Chương Mỹ, thuộc Hà Nội. Để được công nhận là công dân Hà Nội, ông Quý nói phải khai thuộc diện “độc thân” để ghép với khẩu con gái. Và con gái ông Quý, sống ngay sau nhà mình, cũng là người Hà Nội. 

“Ngay như tôi đây cũng có “thẻ các cụ”. Cũng tập văn nghệ, cũng biểu diễn, cũng họp hành, vào hội rồi nhưng 70 tuổi mà “không được thọ”, dù đến tuổi mừng thọ nhưng lại không được tổ chức” - bà Thanh chỉ vào cái thẻ Hội viên Hội người cao tuổi Tân Mai, Xuân Mai cấp cho mình và “cật vấn”.

Cách nhà bà Thanh mấy chục bước chân, nơi “gần Hòa Bình hơn Hà Nội” về mặt địa lý, từ năm 2010 đến nay, vợ chồng cụ Võ Công Định chính thức trở thành công dân Hà Nội. Cụ Bọc, vợ ông Định nói, trước năm 2010, hộ khẩu của cả nhà thuộc huyện Lương Sơn nên “là người Hòa Bình chính gốc”. “Nhưng vì sống vùng giáp ranh, bên này Lương Sơn gửi giấy thu thuế, bên Xuân Mai cũng gửi giấy thu thuế nên tôi quyết định đưa về Hà Nội cho gọn”, ông Định nói lý do mình “nhập khẩu” về Hà Nội.

Cũng ngôi nhà đó, cũng mảnh đất đó, không dịch chuyển về mặt địa lý, nhưng khi đã là công dân Hà Nội, địa chỉ của gia đình cụ Định bây giờ là “số nhà 112, tổ 5, Tân Mai, Chương Mỹ”, chứ không phải là địa chỉ tiểu khu 5 Lu, như với người hàng xóm là bà Thanh.

“Ông nhà tôi là người Hà Nội, nhưng bây giờ lương hưu nhận ở Lương Sơn, sinh hoạt Đảng, cựu chiến binh vẫn ở Lương Sơn…”, cụ Bọc, cho biết.

Theo cụ Định, khu dân cư mà ông sinh sống được “bố trí” theo kiểu “hình răng lược”, sát nhau nhưng nhà thì khẩu Hà Nội, khẩu Hòa Bình, lộn nhào hết cả…

Người Hà Nội “ghen” người Hòa Bình

Lãnh đạo huyện Chương Mỹ nói rằng, riêng tại khu vực tranh chấp là xã Nam Phương Tiến (thuộc Hà Nội), qua nắm bắt tình hình, thì nguyện vọng của nhân dân địa phương là muốn được sử dụng ổn định và sinh hoạt về TP. Hà Nội.

Nhưng, đối với những công dân có “nguyện vọng” là người Hà Nội, họ đã có những thiệt thòi. Theo lãnh đạo huyện Chương Mỹ, vì chấp hành chủ trương của Nhà nước nên từ thời điểm xảy ra tranh chấp đến nay, huyện Chương Mỹ thực hiện việc dừng cấp sổ đỏ đối với người dân trong vùng tranh chấp. Trong khi đó, “hàng xóm” Lương Sơn thì vẫn thực hiện cấp sổ đỏ cho công dân, ngay trong vùng tranh chấp.

Trả lời phóng viên, nhiều hộ dân ở vùng tranh chấp, thừa nhận, họ chưa được cấp sổ đỏ, thứ giấy khẳng định chủ quyền hợp pháp về đất đai của công dân.

Theo ông Đinh Công Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, vì chưa cấp sổ đỏ nên người dân ở vùng tranh chấp có nhiều thiệt thòi. Đã có nhiều người dân chất vấn vì sao huyện Lương Sơn cấp sổ đỏ cho dân mà Chương Mỹ lại không cấp? Vì không có sổ đỏ nên bà con gặp khó khăn trong mua, bán đất, khi có nhu cầu thế chấp thì cũng không được, xây dựng nhà cửa thì không được cấp phép…

“Nếu bán đất, tôi và anh thỏa thuận về giá cả. Còn việc xác nhận, liên hệ với chính quyền là do khách hàng. Anh quen với Xuân Mai hơn thì “chạy” lên đó, còn thân với Hòa Bình hơn thì nhờ họ làm giúp giấy tờ mua bán”, ở góc độ công dân, bà Thanh, công dân của huyện Lương Sơn thì nghĩ đơn giản hơn về tình huống pháp lý cụ thể đối với thửa đất mà bà sống hàng chục năm nay, nhưng chưa có… sổ đỏ.

Nói về nguyện vọng, ông Quý cho biết, là công dân Hà Nội hay Hòa Bình cũng được. “Nếu thấy chỗ đất này thuộc về Hà Nội thì cắt, và ấn định Hòa Bình bắt đầu từ vị trí nào thì “anh trung ương” phải cắm cho cái mốc”, ông Quý đề xuất.

Việt Hưng

Đọc thêm