Hồ sơ mật “Nữ hoàng” Cap Arcona – bi kịch một vụ chìm tàu bị lãng quên

(PLO) -Titanic – con tàu bị đắm ngay trong hành trình đầu tiên của mình – là cái tên quá quen thuộc với rất nhiều người. Những bộ phim, những cuốn sách, những cuộc trưng bày – có quá nhiều tư liệu để Titanic ngày càng trở nên nổi tiếng. Nhưng ít ai biết rằng, có một con tàu lớn hơn, xa hoa hơn nhiều so với Titanic, và số phận cũng bi thảm hơn, đó là Cap Arcona. 
 
Vẻ ngoài lộng lẫy của Cap Arcona
Vẻ ngoài lộng lẫy của Cap Arcona

Trên thực tế, thảm họa chìm tàu Cap Arcona mới là thảm họa lớn nhất trong lịch sử ngành hàng hải với số người chết lên đến 7.700 người, trong khi số người chết trong vụ chìm tàu Titanic chỉ là 1.500 người. Câu chuyện về con tàu Cap Arcona là một trong những bí ẩn chưa được làm sáng tỏ từ thời Chiến tranh thế giới II, cho dù cuộc chiến tồi tệ nhất, đẫm máu nhất trong lịch sử thế giới hiện đại đã kết thúc hơn 7 thập kỷ. 

“Nữ hoàng” của Thái Bình Dương

Cap Arcona được hãng Blohm & Voss đóng tại Humburg, Đức vào năm 1927 và là hình mẫu cho các con tàu của hãng White Star của Anh sau này. Cap Arcona được xem là con tàu mỹ lệ nhất thế giới từng được hạ thủy, thế nhưng lại có số phận thiếu may mắn khi vướng phải cuộc chiến tranh tồi tệ nhất trong lịch sử. Khi con tàu chìm dần xuống đáy đại dương vào những giờ khắc cuối cùng của cuộc chiến, số người mà nó mang theo còn lớn hơn gấp 5 lần so với số người đã thiệt mạng cùng con tàu huyền thoại trên màn ảnh Titanic.

Sân tennis trên tàu Cap Arcona

Sân tennis trên tàu Cap Arcona

Mệnh danh là “Nữ hoàng trên Thái Bình Dương”, Cap Arcona là một trong những con tàu lừng danh nhất thế giới thời điểm những năm 1930. Con tàu chạy giữa hai điểm là Đức và miền Nam nước Mỹ, là con tàu lớn nhất và tốc độ nhanh nhất trên hành trình này với 8 động cơ hơi nước lớn và 26 thuyền cứu hộ bên hai mạn tàu. Hành khách từng bước chân lên tàu là những ngôi sao điện ảnh Mỹ, quốc vương của các nước châu Âu, những nhân vật nổi tiếng nhất trong giới thượng lưu. Cap Arcona có lớp vỏ ngoài đen láng bóng, những ống khói màu đỏ trắng cao ngất, công nghệ và thiết kế hiện đại, ẩm thực xa hoa, trang trí nội thất sang trọng và tinh tế. Bên trong tàu thậm chí còn có một sân tennis tiêu chuẩn. Thế nhưng tất cả đã thay đổi khi Chiến tranh thế giới II nổ ra. Con tàu vĩ đại này bị lột sạch những nội thất sang trọng bên trong, sơn màu xám xịt và bị neo lại tại một vùng biển Ba Lan do Đức quốc xã kiểm soát. Tại đây, Cap Arcona được sử dụng vào mục đích diễn tập hải quân.

Nội thất sang trọng của Cap Arcona

 Nội thất sang trọng của Cap Arcona

Sau khi cuộc xâm lược Anh của Đức quốc xã thất bại, trùm phát xít Adolf Hitler yêu cầu thuộc cấp thực hiện một chiến dịch truyền thông chống lại nước Anh, và nhiệm vụ này được giao cho Joseph Goebbels – Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền. Và đây là điểm khởi đầu đưa Cap Arcona vào cỗ máy tuyên truyền chiến tranh của Đức Quốc xã. 

“Thủ vai” Titanic

Cả Adolf Hitler và Joseph Goebbels đều nhận thấy sức mạnh của điện ảnh trong việc hình thành quan điểm của công chúng, đồng thời bất đắc dĩ thừa nhận tác động của những bộ phim bom tấn Mỹ lớn hơn nhiều so với những bộ phim do Đức Quốc xã sản xuất. Hai người quyết sẽ cho ngành điện ảnh Mỹ “biết thế nào là sự vượt trội của điện ảnh Đức”, cùng lúc thực hiện mục tiêu tuyên truyền chống lại nước Anh. 

Để thực hiện chiến dịch này, Mỹ cho thành lập một “Hollywood bên bờ sông Rihne”, khởi động bằng một bộ phim hành động – tình cảm. Hitler và Goebbels nghĩ rằng họ sẽ tìm một phương tiện thật hoàn hảo để phục vụ cho kế hoạch điên rồ của mình: kể lại câu chuyện về con thuyền Titanic bằng phiên bản của Đức quốc xã, sử dụng tên của con tàu Cap Arcona làm tiêu đề phim giống như Titanic. Nhưng dù trong tay Hitler có những đạo diễn nổi tiếng nhất, những diễn viên hàng đầu, việc sản xuất phim vẫn không hề suôn sẻ. Bộ phim liên tục bị chậm tiến độ, trong khi diễn biến cuộc chiến ngày càng xoay theo chiều hướng bất lợi cho Đức. Trước áp lực rất lớn của cấp trên, Goebbles đã phải triệu tập đạo diễn phim tới Berlin, và sau đó người ta phát hiện ông bị hành hình trên giá treo cổ. 

Sau khi thay đạo diễn mới, bộ phim cuối cùng cũng được hoàn thành. Goebbles lúc ấy hết sức tự tin về bộ phim có chi phí đầu tư đắt đỏ nhất ở thời điểm đó. Thế nhưng, trong buổi chiếu để Goebbels kiểm duyệt trước khi trình lên Adoft Hitler và giới thiệu với công chúng, Goebbles bất chợt nhận ra rằng, câu chuyện bi thảm về vị thuyền trưởng và những vị khách vô vọng trên con tàu giống như một sự ẩn dụ cho số phận của chế độ Đức quốc xã. Vì vậy, buổi công chiếu ra mắt bộ phim tại Đức đã bị hủy bỏ. Thế nhưng, việc bị đưa vào phim và “sắm vai” Titanic để phục vụ ý đồ của Đức quốc xã không phải là sự trớ trêu duy nhất mà số phận mang đến cho Cap Arcona. 

Kết cục bi thảm

Mùa đông năm 1945, khi quân Đồng minh tiến sát nước Đức và mặt trận phía Đông của Đức đã gần như sụp đổ, quân Đức phải rút hàng triệu binh lính và dân thường đang bị mắc kẹt tại Ba Lan và những vùng lãnh thổ trước đây Đức đã chiếm được. Để thực hiện việc này, Cap Arcona và một số chiếc tàu cỡ lớn khác đã được điều động cho chiến dịch mang tên Operational Hannibal – một cuộc di tản bằng đường biển lớn nhất trong lịch sử thế giới. Nhiệm vụ của những con tàu là chở người di tản ngang qua biển Baltic, chạy trốn khỏi sự tiến quân nhanh chóng của Hồng quân Liên Xô. Những con tàu bị truy đuổi quyết liệt, và một số chiếc đã bị tàu ngầm của Liên Xô bắn chìm, nhưng Cap Arcona đã di tản thành công hàng chục nghìn người trên những chuyến vượt biển cận kề cái chết. Sau đó, Cap Arcona đã đi tới Vịnh Lubeck gần bờ biển Neustadt phía bắc nước Đức để chờ nhận nhiệm vụ tiếp theo. 

Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, Hitler đã ra một sắc lệnh yêu cầu đóng cửa các trại tập trung của Đức. Heinrich Himmler – một tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Đức lại truyền đạt mệnh lệnh này một cách không rõ ràng, đó là “không được để các tù nhân trong trại tập trung rơi vào tay kẻ thù”. Với một sự chỉ đạo thiếu chính xác như vậy, chỉ huy các trại tập trung thực thi mệnh lệnh theo nhiều cách khác nhau. Một số tàn sát các tù nhân, một số khác dẫn họ chạy xuôi theo hướng tiến quân của quân đồng minh xuống phía Nam, hướng biển Baltic và tới Neustadt. 

Nhiều tù binh đã bỏ mạng trên hành trình này, trong khi hàng chục nghìn người sống sót tiếp tục bị nhồi nhét lên các chuyến tàu hỏa hoặc xà lan xuôi xuống phía nam. Đến tháng năm, số người còn sống sót là khoảng gần 10.000 người. Sự rối loạn này là chỉ dấu cho sự sụp đổ của chế độ Đức quốc xã trong những ngày cuối của Chiến tranh thế giới II. Với cái chết của Hitler và Goebbles, với việc Himmler và nhiều tướng lĩnh khác của Đức quốc xã đều chạy trốn, với lực lượng quân đội Anh vây quanh Neustadt, số phận của những người sống sót thật quá bấp bênh. Dù vậy, các sĩ quan chưa chạy trốn của Đức quốc xã vẫn cố gắng kiểm soát việc thực thi mệnh lệnh đã được đưa ra trước đó. Các tù nhân của các trại tập trung bị dồn lên con tàu Cap Arcona, vốn đã bị lột hết nội thất và các thiết bị đảm bảo an toàn và đang neo đậu cách bờ biển Neustadt 3km. Bị nhồi nhét chật ních dưới các khoang tàu, hàng nghìn người phải chống chọi với đói, khát và mất vệ sinh trầm trọng. Nhưng chuyến chạy trốn ấy vẫn chưa phải là kết cục cuối cùng của Cap Arcona. 

Ngày 3/5/1945, quân đội Anh đuổi kịp Cap Arcona. Thời điểm đó, các sỹ quan hải quân của Đức quốc xã đồng ý đầu hàng, và Anh chấp thuận sẽ trả tự do cho những tù nhân sống sót đang bị giam giữ trên tàu. Nhưng thật trớ trêu, những quả bom của Không quân Hoàng gia Anh – do không nhận định được sự việc đang diễn ra trên mặt đất - đã lao tới vịnh và tấn công Cap Arcona. Con tàu bị chìm trong những giờ khắc cuối cùng của cuộc chiến tranh, mang theo gần 7.700 người xuống đáy đại dương. Kết cục của Cap Arcona gợi nhớ đến bi kịch của chính con tàu nó đã “thủ vai” là Titanic, gây nên thảm họa hàng hải tồi tệ nhất trong lịch sử.../.