Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành (HTPLLN) Nguyễn Thanh Tú, chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có ông Phan Đức Hiếu Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch...đại diện các ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh: Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2021 có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã kịp thời triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, nhằm giúp đỡ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm tiếp cận rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó, nổi bật là các hoạt động: Xây dựng và phát sóng Chương trình hỗ trợ pháp lý góp phần phục hồi hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid–19 trên Đài Truyền hình Quốc hội; tổ chức các hoạt động liên quan đến công tác đối thoại trong Chương trình kinh doanh và pháp luật trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam; phối hợp với Hiệp hội DNNVV Việt Nam xuất bản tài liệu chuyên sâu hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan…
Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều hoạt động còn chưa triển khai theo đúng Kế hoạch nhưng các hoạt động về hoàn thiện thể chế, các hoạt động nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kịp thời được triển khai. Trong đó, đối với Bộ, ngành, Trung ương đều đã ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV giai đoạn 2021-2025. Các địa phương cơ bản đã ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý trong năm 2021.
Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú mong muốn thông qua Hội nghị này sẽ nhận được những thông tin, ý kiến góp ý từ các đại biểu để các hoạt động năm 2022 có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng “đúng” và “trúng” nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo Báo cáo tại Hội nghị, ngay từ đầu năm 2021, Ban Quản lý Chương trình HTPLLN đã xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản hướng dẫn, quản lý, điều hành, giám sát hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động và Quy chế chi tiêu tài chính của Ban Quản lý; các kế hoạch xây dựng, tổ chức hoạt động năm 2021 của Chương trình.
Năm 2021, mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến mọi mặt nhưng Chương trình HTPLLN đã đạt được một số kết quả như: Năm 2021 là năm đầu tiên triển khi các hoạt động của Chương trình HTPLLN giai đoạn 2021-2025, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nên hầu hết các hoạt động được triển khai theo hình thức đấu thầu rộng rãi trên mạng đấu thầu quốc gia. Việc triển khai các hoạt động của Chương trình cơ bản bám sát các mục tiêu, nội dung, tiến độ, kinh phí được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, Chương trình HTPLLN tiếp tục phát huy ứng dụng công nghệ thông tin trong một số hoạt động như: tiến hành phát trực tiếp trên trang Facebook của Chương trình HTPLLN nhằm tiết kiệm kinh phí trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động tọa đàm, bồi dưỡng của Chương trình HTPLLN
Các hội nghị đối thoại trực tuyến, trực tiếp của Chương trình HTPLLN đã tạo được hiệu ứng tích cực, cơ sở pháp lý, chính sách thuận lợi, tiện để quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp xây dựng, ban hành các chương trình, dự án hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên từng lĩnh vực cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng pháp luật và chủ trương chính sách của Nhà nước, đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, Chương trình HTPLLN đã phối hợp với các bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể; Kinh phí cấp cho Chương trình HTPLLN được sử dụng tiết kiệm, đúng định mức.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai Chương trình HTPLLN cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Công tác truyền thông, tuyên truyền các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khuôn khổ Chương trình HTPLLN còn gặp nhiều khó khăn do chưa được đầu tư nguồn lực và kinh phí hợp lý; một số hoạt động chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp…
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình HTPLLN dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Ban Quản lý Chương trình, HTPLLN đề xuất thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó, ưu tiên thực hiện các giải pháp như: Gắn kết các hoạt động của Chương trình HTPLLN với hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương; đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức, phương pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; kết hợp việc xây dựng và nhân rộng mô hình điểm, kịp thời biểu dương, khuyến khích các điển hình tiêu biểu trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…
Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý trên truyền hình, phát thanh cho DNNVV trong thời gian tới, ông Cao Thế Anh, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Trẻ Hà Nội. Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Alo nêu rõ: cần tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý của DNNVV; tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung mang tính thời sự và thiết thực hơn; tận dụng tối đa tính ưu việt của công nghệ 4.0, ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ vào việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; đề xuất cơ chế phối hợp, tham gia thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; đề xuất Ban Quản lý có giải pháp để nguồn kinh phí không bị gián đoạn trong quá trình triển khai.
Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe một số tham luận quan trọng đồng thời trao đổi, thảo luận nội dung Báo cáo về: Kết quả thực hiện hoạt động năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DNNVV giai đoạn 2021-2025; Khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác hỗ trợ cho DNNVV năm 2021 tại Hiệp hội DNNVV Việt Nam và kiến nghị, đề xuất năm 2022; Khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên Truyền hình, phát thanh năm 2021 - Đề xuất, kiến nghị…