Hòa Bình: Bảo đảm điều kiện cho các hoạt động sinh hoạt tôn giáo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với các kiến nghị, đề nghị của các tổ chức, cá nhân tôn giáo. Các chính sách đã phát huy giá trị, đóng góp cho sự ổn định, phát triển trên địa bàn.
Nhà thờ Giáo xứ Hoà Bình nhìn từ trên cao. (Ảnh: PV)
Nhà thờ Giáo xứ Hoà Bình nhìn từ trên cao. (Ảnh: PV)

Niềm vui của những ngày cuối năm

Những ngày này, bà con giáo dân nô nức tới Nhà thờ Giáo xứ Hòa Bình (ở tổ 21, phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình) để cùng đón Noel và Năm mới. Trước cổng Nhà thờ, anh Lê Văn Quang, một giáo dân ở tổ 9, phường Thịnh Quang, TP Hòa Bình cho biết: “Chuẩn bị cho lễ Noel, năm nào chúng tôi cũng lên đây dựng hang đá cho nhà thờ. Mất 2 năm COVID-19 không làm hang đá to, đẹp, năm nay chúng tôi mới làm lại. Dù có mất công một chút nhưng chúng tôi đều rất vui vì mọi người cùng đến chụp ảnh hang đá vui vẻ, nhộn nhịp”. Giáng sinh năm nay của bà con giáo dân càng trở nên vui tươi, ấm áp hơn khi dịch bệnh COVID-19 đã qua đi, hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi, đời sống của bà con đã dần ổn định trở lại.

Ở bên kia dòng sông Đà, tại chùa Phật Quang Hòa Bình (phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình) trong khuôn viên rợp bóng cây xanh, nhiều phật tử cũng tới tụng kinh lễ Phật và sinh hoạt. Theo Đại đức Thích Trí Thịnh, trụ trì chùa Phật Quang, phật tử quy y trên địa bàn TP Hòa Bình có số lượng tương đối đông. Phật tử thường xuyên về chùa để tụng kinh lễ Phật và sinh hoạt khoảng vài trăm người. Vào các ngày lễ trọng như Phật đản, Vu lan… sẽ có đông phật tử hơn.

Anh Lê Văn Quang. (Ảnh: PV)

Anh Lê Văn Quang. (Ảnh: PV)

Ông Bùi Sỹ Động, 78 tuổi, thành viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình khẳng định, chính quyền các cấp luôn tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt tôn giáo tại chùa. Ngoài ra, một số chương trình, hoạt động được tổ chức tại các tổ sinh hoạt cộng đồng chung, giúp bà con thuận lợi bày tỏ đức tin của mình. Theo ông Động, các đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đều có đại diện của cả người theo Công giáo và Phật giáo. Một số hội như Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi cũng có sự tham gia của các tôn giáo này, cho thấy sự trân trọng đối với các tôn giáo.

Đoàn kết tôn giáo, thúc đẩy sự phát triển của địa phương

Theo UBND tỉnh Hòa Bình, tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có tổng số 360 cơ sở tín ngưỡng. Văn hoá tín ngưỡng chủ yếu là tín ngưỡng bản địa như thờ cúng ông bà, tổ tiên, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, sùng bái con người, sùng bái thần linh. Tính đến ngày 30/6/2023, trên địa bàn tỉnh có 3 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo và đạo Tin lành với tổng số 48.000 tín đồ, có mặt 10/10 huyện, TP, 99/151 xã, phường, thị trấn.

Linh mục Nguyễn Trung Thoại, Chính xứ Giáo xứ Hòa Bình, thuộc Giáo phận Hưng Hóa cho biết, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở địa phương được thực hiện theo chính sách tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Nhà nước. “Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng được chúng tôi bám theo các Nghị định của Chính phủ, Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nay là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để triển khai sinh hoạt, rất ổn định. Khi chúng tôi có nhu cầu thành lập các giáo họ thì đều được tỉnh Hòa Bình hoặc các huyện, TP tạo điều kiện”, Linh mục Nguyễn Trung Thoại cho hay.

Trong thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức được 609 lớp bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến cho gần 29 nghìn lượt người. Công tác triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo sự chuyển biến về nhận thức trong chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo. Đồng thời, bảo đảm được an ninh trật tự tại các vùng có đồng bào theo đạo, đấu tranh có hiệu quả các hoạt động của các phần tử xấu lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để chống phá chính quyền, đó chính là hành lang pháp lý cho hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo trong tình hình mới.

Các phật tử tới chùa Phật Quang Hòa Bình tụng kinh lễ phật. (Ảnh: PV)

Các phật tử tới chùa Phật Quang Hòa Bình tụng kinh lễ phật. (Ảnh: PV)

Trong số đồng bào theo các tín ngưỡng, tôn giáo tại tỉnh Hòa Bình, nhiều người đã trở thành gương sáng nhờ giỏi làm ăn kinh tế, làm việc tốt, góp sức vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điển hình là các giáo dân nuôi cá lồng trên sông Đà, phát triển kinh tế, du lịch... có người nuôi tới 2 - 300 tấn cá trên sông. Trong số giáo dân, phật tử có các y, bác sĩ, giảng viên, giáo viên, nhà nghiên cứu… tham gia nhiều ngành nghề trong xã hội, tích cực đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Sự hoà nhập giữa các tôn giáo với đời sống xã hội cho thấy các chính sách tôn giáo, tín ngưỡng, đại đoàn kết dân tộc đã phần nào phát huy giá trị, đóng góp cho sự ổn định, phồn vinh của đất nước.

Luôn tự nhắc bản thân hướng đến sống tốt đời, đẹp đạo, anh Quang cho hay: “Giả dụ mình có những tật xấu gì thì Cha giảng giải tận tình, do vậy chúng tôi luôn tránh xa các tệ nạn xã hội. Cha giảng những gì nên làm và không nên làm, phải hướng thiện. Chúng tôi sống đúng với pháp luật, lại được Nhà nước tạo điều kiện, từ ngày có nhà thờ, giáo dân thấy vui hơn. Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện cho chúng tôi thực hành tôn giáo, không có gì là ngăn cấm cả”.

Đọc thêm