Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn, trong đó đáng chú ý có 4 khó khăn lớn hơn cả.
Trước hết, doanh nghiệp thiếu đơn hàng bởi các đối tác quan trọng của Việt Nam đều đang khó khăn; tăng trưởng suy giảm, lạm phát có xuống nhưng ở mức cao; người dân phải thắt chặt chỉ tiêu, chỉ mua những mặt hàng thiết yếu… Nói chung, chúng ta không có đầu ra cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hay chỉ số xuất siêu trong bối cảnh hiện nay cũng không phải là dấu hiệu tích cực như ngày trước bởi nhập khẩu giảm, kéo theo không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Việc thiếu đơn hàng, thiếu đầu ra của doanh nghiệp ảnh hưởng đến người lao động, họ bị mất việc làm, thậm chí còn bị cắt giảm an sinh xã hội.
Một vấn đề được doanh nghiệp phản ánh là mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn ở mức cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn này. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế có sử dụng số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì mức cho vay trung bình là 10,22% nhưng theo các doanh nghiệp, mức cho vay thực tế còn cao hơn. Bên cạnh lãi suất cao, điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp sau vài năm sức khoẻ bị bào mòn vì đại dịch cũng còn khó khăn.
Không những thế, môi trường đầu tư kinh doanh, các thủ tục hành chính giải quyết cho doanh nghiệp chậm và một bộ phận cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm càng khiến thủ tục đi lòng vòng khiến doanh nghiệp không kịp thời đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sợ bị thanh tra, kiểm tra, sợ bị hình sự hoá các quan hệ kinh tế…
Chia sẻ các giải pháp, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh đến việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, không chỉ đảm bảo thống nhất, đồng bộ mà còn phải an toàn. Trong đó, sắp tới phải có Nghị định triển khai Kết luận 14 của Bộ Chính trị để làm sao đội ngũ cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng phải bảo vệ an toàn cho cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Đối với đầu tư công, qua theo dõi của Ủy ban Kinh tế, chúng ta giải ngân được 14,66% trong 4 tháng đầu năm và 5 tháng đầu năm đã giải ngân được 22,22%. Tuy nhiên, số tuyệt đối rất ấn tượng. So với cùng kỳ năm ngoái, số vốn đầu tư công được giải ngân tăng rất cao, đạt 23 nghìn tỷ đồng, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế quan niệm, đầu tư công phải phát huy vai trò của mình như Thủ tướng Chính phủ đã nói “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để kéo nền kinh tế đi lên, thúc đẩy tăng trưởng, tạo sự lan toả sang các lĩnh vực khác.