Hoàn thiện chính sách để phát triển công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Hệ thống chính sách cho phát triển công nghiệp vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng về ngành này trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tìm ra được “trọng điểm” chính sách phát triển công nghiệp sẽ góp phần để ngành này bắt kịp với độ mở cực lớn của nền kinh tế Việt Nam.
Cần nhiều chính sách ưu đãi để phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp. (Nguồn ảnh: TTXVN).
Cần nhiều chính sách ưu đãi để phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp. (Nguồn ảnh: TTXVN).

Khung chính sách còn thiếu

Theo Bộ Công Thương, hiện nay ngành công nghiệp (CN) còn nhiều hạn chế để có thể phát triển như kỳ vọng. Hạn chế phải nhắc đến đầu tiên là chưa có hành lang pháp lý xác định rõ trọng tâm phát triển các ngành CN trọng điểm trong quá trình công nghiệp hóa.

Hệ thống pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể hóa về việc xác định các ngành CN trọng điểm cũng như chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển các ngành này. Đồng thời cũng chưa có những quy định cụ thể về nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành CN trọng điểm hoặc đã có nhưng còn rời rạc, hiệu lực pháp lý thấp. Ngoài ra, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về cơ chế thúc đẩy, phối hợp chính sách một cách có lộ trình theo hướng phát triển bền vững trong sản xuất CN - đặc biệt là các ngành CN trọng điểm phù hợp với xu hướng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, sản xuất xanh, bền vững.

Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, các giải pháp hỗ trợ về thị trường chưa được quan tâm đúng mức trong quá trình xây dựng chính sách CN; cơ chế, chính sách cho ứng dụng, chuyển giao, cải tiến, đổi mới quy trình công nghệ sản xuất trong các ngành CN. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của bản thân các doanh nghiệp (DN) - đặc biệt là các DN trong các ngành CN trọng điểm còn rất nhiều hạn chế. Chưa kể, trình độ lao động, trình độ quản lý trong các DN nội còn nhiều hạn chế dẫn đến năng suất lao động trong các ngành CN còn thấp, ảnh hưởng nhiều đến năng lực cạnh tranh chung.

Một trong những hạn chế khác được Bộ Công Thương nhắc đến là môi trường kinh doanh. Theo Bộ này, thời gian qua tuy có nhiều cải thiện về môi trường kinh doanh nhưng vẫn còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến tính ổn định trong việc phát triển các ngành CN trọng điểm vốn yêu cầu các chính sách cần mang tính ổn định, dài hạn, tầm nhìn chiến lược.

Kiên trì bảo vệ hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp

Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đặt ra mục tiêu cụ thể: “Kiến tạo được một số đột phá về chính sách, pháp luật để xử lý các “điểm nghẽn” cơ bản trong phát triển các ngành CN trọng điểm theo hướng từ theo chiều rộng sang theo chiều sâu, từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, đồng thời tạo đột phá về quá trình hiện đại hóa trong CN”. Đây có lẽ là điểm “mấu chốt” để Bộ Công Thương đề ra chính sách hỗ trợ tín dụng bằng cách cấp bù lãi suất cho DN CN tại Điều 31 dự thảo Luật CN trọng điểm.

Theo Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính đều có ý kiến về điều khoản này. Trong khi NHNN đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, cân nhắc về việc xây dựng chính sách tín dụng cho DN CN được quy định tại Điều 31 thì Bộ Tài chính đề nghị bỏ hoàn toàn các quy định về việc cấp bù lãi suất thông qua các ngân hàng thương mại (NHTM). Bởi Bộ Tài chính cho rằng, tại Nghị quyết 29/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 không quy định bố trí chi cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện cho vay ưu đãi tín dụng thông qua các NHTM.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, hiện Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CN hỗ trợ có quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN, Bộ Công Thương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách cấp bù chênh lệch lãi suất cho DN CN hỗ trợ và CN chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn đầu tư từ NHTM.

Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương, hiện nay, tại các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, lãi suất tín dụng tương đối thấp giúp cho các DN giảm gánh nặng về chi phí vốn đầu tư. Các DN đầu tư nước ngoài hoạt động trong cùng lĩnh vực CN thường vay vốn từ công ty mẹ hoặc từ ngân hàng nước ngoài với lãi suất chỉ từ 1 - 3%, trong khi đó các DN trong nước hiện nay phải vay với lãi suất từ 8 - 10%. “Sự chênh lệch lớn này đã làm triệt tiêu năng lực cạnh tranh của các DN trong nước” - Bộ Công Thương khẳng định.

Chưa kể, CN là ngành sản xuất có yêu cầu cao về trình độ công nghệ và thâm dụng vốn, vì vậy, các DN rất cần được tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp để đầu tư dài hạn. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần thúc đẩy ngành CN phát triển mạnh mẽ và bứt phá trong giai đoạn tới, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ dài hạn đối với các DN CN (nhất là các DN nhỏ và vừa) trong việc tiếp cận tín dụng.

Đọc thêm