Trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động và dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cộng đồng doanh nghiệp luôn sẵn sàng tận dụng cơ hội để tái cơ cấu, trụ vững và phát triển, đặc biệt sẵn sàng thực hiện các trọng trách, các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Mong muốn được cống hiến cho đất nước
Kể từ sau đại dịch COVID-19, trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm, kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đều cao hơn trung bình toàn cầu hằng năm 2023. Đó chính là nhờ những chính sách quyết liệt, sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự điều chỉnh kịp thời của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ.
Nổi bật, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã nêu rõ quan điểm: Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước…
Những ngày gần đây, người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Tô Lâm và người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục có buổi làm việc với chính quyền các địa phương, trong đó đã giao một số nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương cho các doanh nghiệp lớn. Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trên nhiều diễn đàn, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đã bày tỏ mong muốn sẵn sàng nhận nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.
Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Trương Công Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan cho biết: “Masan đang thực hiện chiến lược “Ra thế giới” (Go Global), không chỉ dừng lại ở việc phục vụ 100 triệu người dân Việt Nam mà phấn đấu mỗi gia đình thế giới ít nhất sử dụng một sản phẩm của Masan”.
|
Ông Trương Công Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan |
Với chiến lược này, Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan tự tin cho biết Masan đặt mục tiêu 10-20% doanh thu từ thị trường toàn cầu trong những năm tới, đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới. Các thương hiệu của Masan sẽ đại diện cho văn hóa ẩm thực Việt Nam trên toàn cầu và Masan luôn sẵn sàng nhận các nhiệm vụ được Chính phủ giao phó.
Ông Đỗ Vinh Quang, Phó Chủ tịch T&T Group cũng cho biết, trải qua hơn 31 năm phát triển, T&T Group đã không ngừng mở rộng quy mô, phát triển hệ sinh thái tập trung vào 7 lĩnh vực ngành nghề, cũng là những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế đất nước.
“Chúng tôi lấy triết lý nhân văn làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động, trong hành trình hơn 31 năm phát triển vì Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, T&T Group không chỉ tập trung phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tiên phong trong các hoạt động vì cộng đồng, an sinh xã hội, mà tập đoàn còn đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc chăm sóc, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại với văn hóa đậm chất T&T Group: đoàn kết, năng động, không ngừng đổi mới, sáng tạo, hội nhập và luôn lấy 6 giá trị cốt lõi “Tâm - Thanh - Thành - Tựu – Thiện – Toàn” làm nền tảng để làm việc và cống hiến cho sự phát triển của đất nước”, Phó Chủ tịch T&T Group nói.
|
Ông Đỗ Vinh Quang, Phó Chủ tịch T&T Group |
Từ định hướng đó, ông Đỗ Vinh Quang cho biết T&T Group đã đầu tư, xây dựng nhiều dự án mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, mà sự hiện diện của các dự án tại địa phương, đã góp phần không nhỏ, tạo động lực để địa phương pháp triển kinh tế. Những nỗ lực đó của T&T Group đã khẳng định được sự ý thức về vai trò của doanh nghiệp dân tộc, cùng hành động vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
“Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy”
Trong khi đó, chia sẻ với Báo Pháp luật Việt Nam về việc làm thế nào để xây dựng được một đội ngũ doanh nghiệp lớn, có vai trò dẫn dắt như tinh thần Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Nhà sáng lập, Chủ tịch WeLead, Thành viên sáng lập Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN nhận định: “Để đạt được các mục tiêu quan trọng trong Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, bên cạnh các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước, theo tôi các DN Việt Nam cần nêu cao tinh thần và thay đổi tư duy”.
|
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Nhà sáng lập, Chủ tịch WeLead, Thành viên sáng lập Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN |
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, trước hết, doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần “phụng sự dân tộc, hưng thịnh quốc gia”. Doanh nhân cần xác định vai trò là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, kết hợp giữa lợi ích DN và lợi ích quốc gia, ưu tiên phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Đồng tình với quan điểm của Nhà sáng lập, Chủ tịch WeLead, nhiều doanh nhân được hỏi cũng cho rằng, để “vươn mình”, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường liên kết trong nước và quốc tế, tận dụng các chính sách ưu đãi từ Chính phủ cũng như các chính sách hỗ trợ về thuế, vốn vay, đào tạo nhân lực và công nghệ để không ngừng phát triển.
Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty Aquaone cho rằng, “Doanh nghiệp dân tộc không đơn thuần là một khái niệm kinh tế, mà còn là trách nhiệm với Tổ quốc”.
|
Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty Aquaone |
Để các doanh nghiệp dân tộc phát triển mạnh mẽ hơn, bà Đỗ Thị Kim Kiên cũng cho rằng Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ mang tính đột phá. Đây là chìa khóa để doanh nghiệp dân tộc không chỉ tồn tại mà còn khẳng định vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế.
Hồng Thúy - Thu Hằng - Mỵ Châu
(Còn tiếp)