Luật sư Nguyễn Hưng Quang cho biết, kỳ vọng rất lớn vào việc xây dựng TTTCQT tại Việt Nam, ở góc độ đầu tư và thương mại quốc tế. Thứ nhất, việc ra đời TTTCQT sẽ làm đa dạng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, giúp cho các dự án, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX, KD) tại Việt Nam có thêm kênh huy động vốn cho việc phát triển. Nếu TTTCQT tổ chức thực hiện thành công sẽ đa dạng hóa thị trường vốn ở Việt Nam.
Thứ hai, khung tài chính này cũng tạo cơ hội để doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể đầu tư ra nước ngoài. Đây cũng là một trong các xu thế hiện nay trong việc đa dạng hóa các địa điểm đầu tư, tạo lập được nhiều thị trường cho DN Việt Nam, tạo điều kiện để DN Việt Nam tiếp cận, thâu tóm các DN nước ngoài, đem các công nghệ, năng lực sản xuất từ nước ngoài vào hoạt động SX, KD trong nước. TTTCQT có cơ chế thông thoáng để DN Việt Nam thực hiện được các mục tiêu này thay vì phải thực hiện các thủ tục hành chính thông thường, các điều kiện ngặt nghèo theo pháp luật Việt Nam.
Kỳ vọng nữa là, khi chúng ta đã hình thành được một hoặc hai TTTCQT tại Việt Nam thì sẽ lan tỏa, tác động tới hệ thống pháp luật, phương pháp quản trị công trong hoạt động SX, KD tại Việt Nam để có những cải thiện phù hợp, tạo điều kiện thông thoáng cho các hoạt động đầu tư SX, KD, bảo hộ đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư trong nước.
Xây dựng TTTCQT: Bảo đảm tính hiệu quả, hiện đại…
- Chắc hẳn LS cũng đang rất quan tâm và theo dõi các thông tin, ý kiến đóng góp xung quanh dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng TTTCQT tại Việt Nam. Cụ thể, đâu là những vấn đề LS quan tâm nhất? Để xây dựng một TTTCQT hiện đại, ưu việt, chất lượng cao theo định hướng mà chúng ta đã đặt ra, LS “hiến kế” xây dựng Trung tâm như thế nào cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam?
- Nếu tiếp cận xây dựng TTTCQT, chúng ta phải xác định có hai hình thức cơ bản: Thứ nhất, đó là một nền kinh tế có hệ thống pháp luật quốc gia, bộ máy hành chính, năng lực SX, KD để thu hút các giao dịch, hoạt động tài chính quốc tế. Hoặc một nền kinh tế có hoạt động giao thương quốc tế rộng khắp, hiệu quả và an toàn để dòng vốn tài chính khi thông qua nền kinh tế đó được thuận lợi, an toàn khi đến các nền kinh tế khác. Điển hình của mô hình này có thể kể đến Hồng Kông hay Singapore... Theo quan sát của tôi, những TTTCQT này cũng được hình thành từ nền kinh tế sản xuất công nghiệp, thương mại quốc tế hiệu quả cách đây 40 - 50 năm.
Thứ hai, TTTCQT sẽ là những thiết chế độc lập trong hệ thống quốc gia. Thiết chế này không chỉ bao gồm cơ sở vật chất hiện đại như TTTCQT của các quốc gia khác (bao gồm tiện ích hoạt động, điện, năng lượng xanh, đường truyền…) mà phải có một lực lượng lao động bảo đảm các điều kiện hoạt động tài chính quốc tế (VD: Ít nhất họ phải có năng lực làm việc bằng tiếng Anh và kiến thức về tài chính). Những thiết chế còn đòi hỏi phải được xây dựng bằng một hệ thống pháp luật và chính sách thông thoáng, hiệu lực, hiệu quả đáp ứng cho sự hoạt động của TTTCQT.
Đặc biệt, để có được “sức hút” với nhà đầu tư, những người sử dụng dịch vụ, hoặc có những giao dịch tài chính…, TTTCQT đòi hỏi phải được quản lý hiệu quả, bảo đảm an toàn về đầu tư, tín dụng, khung pháp luật thông thoáng cho các giao dịch về tài chính… Những thiết chế này không chỉ nằm trong TTTCQT mà còn bao gồm toàn bộ hệ thống các cơ quan nhà nước. Trong trường hợp Việt Nam, để hình thành và vận hành TTTCQT theo mô hình này thì nhiều quy định pháp luật của Việt Nam phải thay đổi để TTTCQT mới hoạt động hiệu quả. Nếu không, TTTCQT sẽ trở thành một “ốc đảo”, dù có được trang bị cơ sở vật chất hiện đại nhưng cũng không thể hoạt động hiệu quả.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải thiết chế ra những cơ chế để giải quyết các tranh chấp, làm sao bảo đảm tính hiệu quả, tính hiện đại. Trong dự thảo Nghị quyết cũng đã đề cập đến cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp với xu thế chung, như: Giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hòa giải, trọng tài… đây là các phương pháp giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp thay thế (ADR). Chúng ta phải nhận thức rằng, các phương thức giải quyết tranh chấp ADR muốn được hiện đại, đáp ứng nhu cầu của thị trường tài chính thì các thiết chế bổ trợ cho nó cũng phải “hiện đại”, VD: thiết chế Tòa án và thi hành án phải bảo đảm sao các thỏa thuận hòa giải thành, phán quyết trọng tài trở nên có hiệu lực bằng những thủ tục công nhận và cho thi hành được thuận tiện, thi hành án nhanh chóng.
Từ nội dung này, tôi muốn đề cập thêm đến hệ thống tư pháp của Việt Nam. Các thủ tục, quy định về mặt tố tụng dân sự cũng cần phải có sự thay đổi tương ứng. Bộ máy hoạt động của cơ quan Tòa án cần tính đến cơ chế vận hành tương ứng khi có những tranh chấp xảy ra. Chúng ta cần phải rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động tố tụng và các cơ quan tố tụng, cơ quan thi hành án…
Như đã nêu ở trên, để các TTTCQT phát triển bền vững thì công tác đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực cho TTTCQT cần phải được chuẩn bị kỹ càng để người lao động Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về công việc của TTTCQT theo thực tiễn kinh doanh tài chính quốc tế. Các cơ sở đào tạo của Việt Nam phải có những chuyên ngành đào tạo, chương trình đào tạo cụ thể, phục vụ cho hoạt động của TTTCQT.
Trong giai đoạn trước mắt khi TTTCQT mới đi vào vận hành, quy định pháp luật phải cho phép các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động tại TTTCQT được sử dụng lao động nước ngoài không hạn chế, cơ chế xuất nhập cảnh, điều kiện về tạm trú dài hạn, thậm chí điều kiện nhập quốc tịch, mua nhà cho chuyên gia, người lao động có tay nghề tại các TTTCQT phải thông thoáng để có thể nhập khẩu được lực lượng lao động có trình độ sang làm việc tại các TTTCQT ở Việt Nam. Có như vậy, Việt Nam mới thu hút nguồn nhân lực có chất lượng đến làm việc.
Hài hòa với hệ thống pháp luật quốc gia
- Được xác định là “khu hành chính đặc thù” với những chính sách ưu đãi riêng biệt, nên những lĩnh vực tài chính triển khai tại TTTCQT sẽ tuân thủ khung pháp lý đặc thù do Quốc hội và Chính phủ quy định riêng cho Trung tâm. Quan điểm của LS về vấn đề này như thế nào? Theo LS, khung pháp lý đó nên xây dựng dựa trên những cơ sở và kinh nghiệm nào?
- Theo tôi, khung pháp lý của TTTCQT được quy định trong dự thảo Nghị quyết hiện nay khá cởi mở và đã có những đột phá nhất định so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, tôi cũng rất băn khoăn khi khung pháp lý thông thoáng như vậy, cũng cần đánh giá mức độ hài hòa với hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, để bảo đảm rằng những giao dịch tài chính này khi được triển khai ra bên ngoài TTTCQT, vào lãnh thổ Việt Nam phải bảo đảm được hiệu lực, hiệu quả. Điều này có hàm ý là hệ thống các quy định pháp lý của TTTCQT cũng phải có những vấn đề hài hòa với hệ thống pháp luật Việt Nam. Như tôi đã nêu, chúng ta cần phải đánh giá kỹ về tác động của các quy định pháp lý của TTTCQT vào hệ thống pháp luật Việt Nam.
Qua nghiên cứu sơ bộ, tôi thấy một số TTTCQT hoạt động có hiệu quả hiện nay như Anh, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc)… thường xuất phát từ các hệ thống thông luật (common law). Hệ thống common law được đánh giá có nhiều điểm thuận lợi cho hoạt động về tài chính, thương mại. Với hệ thống dân luật, chúng ta cần phải tính toán, nghiên cứu những nội dung, đặc điểm nào có thể du nhập, hài hòa được từ hệ thống thông luật để bảo đảm không phá vỡ cấu trúc, tính hệ thống của hệ thống dân luật. Đây là một trong những thách thức rất lớn. Theo tôi, chúng ta cần nghiên cứu các mô hình TTTCQT tương tự như mô hình chúng ta định xây dựng ở các nước theo truyền thống dân luật.
Cuối cùng, để TTTCQT của Việt Nam có đủ sức cạnh tranh với TTTCQT của các nước trong khu vực và thế giới, chúng ta phải nghiên cứu thêm các bài học thành công hay thất bại từ các TTTCQT tại các quốc gia có nền kinh tế mới nổi hoặc ở khu vực châu Á như: Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…. Đặc biệt, khi học tập họ, chúng ta phải xây dựng được những điểm đặc thù riêng biệt, nổi trội hay nói cách khác là phải có chiến lược khác biệt hóa thì ta mới có thể cạnh tranh với các TTTCQT khác, chứ ta mà giống họ thì không thể cạnh tranh được với họ vì họ đã phát triển trước ta.
Theo quan sát của tôi, xu hướng cấp ưu đãi tài chính (như ưu đãi thuế) không còn là xu hướng ở nhiều nước và không phải là quan tâm của nhiều tập đoàn tài chính. Các tập đoàn tài chính, tập đoàn đa quốc gia quan tâm nhiều đến thị trường vốn, khả năng sinh lời, bảo đảm sự an toàn về tài sản và cuối cùng là đặc điểm địa lý, thuận lợi giao thương...
Trân trọng cảm ơn LS về cuộc trò chuyện!
“Nếu chúng ta không có sự “khác biệt” trong việc xây dựng TTTCQT thì khó lòng có thể thu hút dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, thông qua TTTCQT. Điều kiện cần cho TTTCQT tại Việt Nam là phải có chiến lược “khác biệt hóa”…, còn các ưu đãi cũng chỉ là điều kiện đủ mà thôi!”.