Tọa đàm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung

(PLVN) - Ngày 14/4/2025, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm “Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới” tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tọa đàm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung

Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý chủ trì Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp và phòng chuyên môn phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) một số tỉnh lân cận TP. Hồ Chí Minh (Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Đồng Tháp, Tiền Giang, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương); một sở ban ngành và Phòng Tư pháp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Khai mạc tại Tọa đàm, Phó Cục trưởng Phan Hồng Nguyên chia sẻ: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2012 đã được đưa vào danh mục Luật, Pháp lệnh giai đoạn 2026-2030; đồng thời vừa qua Cục đã tham mưu và đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp luật của Quốc hội năm 2026.

Tọa đàm được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các địa biểu tham dự với kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn quản lý sẽ đóng góp những ý kiến, đề xuất cụ thể giúp xác định những vấn đề pháp lý cần hoàn thiện trong Luật, nhằm tạo hàng lang pháp lý thuận lợi cho công tác PBGDPL đáp ứng được yêu cầu của Đảng và Nhà nước, phù hợp với thực tiễn trong thời gian tới.

Theo thông tin từ vị chủ trì Tọa đàm: Năm 2023, Bộ Tư pháp đã tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật PBGDPL; tiếp tục theo dõi, đánh giá việc triển khai luật và đến nay qua hơn 12 năm thực hiện trên thực tế, bên cạnh những chuyển biến tích cực, một số quy định trong Luật đã bộc lộ vướng mắc, bất cập. Chẳng hạn như chưa phân định rõ ràng trách nhiệm, thẩm quyền PBGDPL chuyên ngành của các cơ quan ở trung ương và địa phương cũng như giữa chính quyền địa phương các cấp. Một số quy định trong luật cũng không còn phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương; chưa thống nhất với các quy định trong lĩnh vực giáo dục, tài chính.

"Việc hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác PBGDPL chưa được quy định rõ trong luật, do đó chưa tạo được cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, quản lý và triển khai hoạt động này bảo đảm hiệu quả, tổng thể, đồng bộ. Tiêu chuẩn, điều kiện, chế độ, chính sách dành cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật cần nghiên cứu, đánh giá và sửa đổi phù hợp để động viên, thu hút được sự tham gia của lực lượng này. Công tác PBGDPL cho các nhóm đặc thù và việc xã hội hóa đã được quy định trong luật nhưng chưa khả thi, cần có chính sách, giải pháp có tính “đột phá”…" ông Nguyên cho biết.

Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý cũng cho biết: Thời gian qua Đảng đã có một số chủ trương, yêu cầu mới về công tác PBGDPL cần thể chế hóa kịp thời. Công tác PBGDPL được yêu cầu đổi mới để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Đặc biệt đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh về việc xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật trong cán bộ, Nhân dân.

Công tác tổ chức thi hành pháp luật cũng cần đổi mới tư duy, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thi hành pháp luật. Nhất là trong bối cảnh thực hiện tinh gọn bộ máy, sắp xếp, sáp nhập, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp (không còn cấp huyện) đòi hỏi cần có sự điều chỉnh, định vị lại trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với công tác PBGDPL cho phù hợp, bảo đảm rõ vai, rõ việc, rõ trách nhiệm và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt đề với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm”.

Trên cơ sở những gợi ý và định hướng thảo luận, Tọa đàm đã lắng nghe một số tham luận và ý kiến góp ý từ các đại biểu tham dự.

Về vấn đề xác định trách nhiệm trong tham gia công tác PBGDPL, nhiều đại biểu nhất trí cho rằng để nâng cao hiệu quả PBGDPL, Luật PBGDPL cần bổ sung các quy định giúp ràng buộc trách nhiệm cao hơn đối với các đối tượng như: đảng viên, chủ sử dụng lao động, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, luật sư, luật gia...

Theo đó, các đối tượng này phải có nghĩa vụ triển khai các hoạt động PBGDPL định kỳ hoặc bố trí thời gian phù hợp tham gia vào các hoạt động cụ thể. Luật PBGDPL sửa đổi cũng cần khắc phục triệt để quan niệm coi công tác PBGDPL là trách nhiệm chính của ngành tư pháp. Theo đó, Luật cần phân định rõ trách nhiệm, vai trò của từng cơ quan, ban, ngành trong hệ thống chính trị khi thực hiện các hoạt động PBGDPL và xác định rõ trách nhiệm đối với kết quả đạt được từ các hoạt động này; phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về PBGDPL và trách nhiệm thực hiện PBGDPL cho người dân, doanh nghiệp…

Từ thực tiễn tại một số địa phương, nhiều ý kiến cho rằng để xây dựng và sử dụng đội ngũ báo cáo viên pháp luật và tuyên truyền viên pháp luật một cách hiệu quả thì Luật PBGDPL sửa đổi cần bổ sung một số quy định như phụ cấp định kỳ; cơ chế đánh giá, kiểm tra chất lượng đội ngũ này theo định kỳ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bổ sung tiêu chí về kỹ năng sử dụng các phương thức truyền hiện đại; rút ngắn trình tự, thủ tục công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật...

Về hình thức PBGDPL, có ý kiến chỉ ra một số hình thức được quy định trong Luật PBGDPL, nhất là các hình thức truyền thống đã không còn phù hợp, hiệu quả trên thực tế. Việc triển khai các hình thức mới ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn và bị động khi chưa có quy định pháp luật để bố trí vị trí, việc làm phù hợp giúp phụ trách công tác này.

Về thiết chế Hội đồng phối hợp PBGDPL, để phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 02 cấp sau khi bỏ cấp huyện, một số ý kiến gợi ý cần thành lập lại mô hình Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp xã để hỗ trợ quản lý, huy động sự tham gia của các nguồn lực trong hệ thống chính trị một cách hiệu quả. Đồng thời, Luật PBGDPL cũng cần có những quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể theo nguyên tắc “có đi có lại” cho những chủ thể nhiệt tình tham gia vào công tác PBGDPL để giúp chính sách xã hội hóa công tác PBGDPL thực sự hiệu quả và mang tính bền vững.

Một số ý kiến tại Tọa đàm cũng cho rằng nhiều quy định trong Luật PBGDPL về PBGDPL cho các đối tượng đặc thù như người lao động, nạn nhân bạo lực gia đình; giáo dục pháp luật chưa bao quát hết nhu cầu thông tin pháp luật trong thực tế của các đối tượng thụ hưởng; đồng thời nhiều quy định cần có sự rà soát, nghiên cứu, cập nhật để phù hợp với các quy định trong những luật có liên quan mới được ban hành như Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…

Kết luận tại Tọa đàm, Phó Cục trưởng Phan Hồng Nguyên cho rằng các ý kiến phát biểu đã chỉ ra được nhiều vướng mắc, bất cập trong Luật PBGDPL và được tổng hợp đầy đủ để báo cáo cơ quan có thẩm quyền… Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục tổ chức các Tọa đàm theo các khu vực để đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ, huy động trí tuệ, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thực tiễn, nhất là ý kiến của cấp cơ sở, người dân, doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất sửa đổi Luật bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất, dễ tiếp cận.

Đọc thêm