Hoàn thiện dự thảo Luật chuyển giao công nghệ sửa đổi: Chuyển giao thế nào để chống được chuyển giá?

(PLO) - Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi, bổ sung đang được Quốc hội đưa ra thảo luận, lấy ý kiến đại biểu. Liên quan đến một nội dung trong Dự thảo này, chuyển giao công nghệ thế nào để chống được chuyển giá và dự án chuyển giao khoa học công nghệ nào cần thẩm định cũng thu hút sự quan tâm của không ít đại biểu Quốc hội và các chuyên gia pháp luật, kinh tế.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo định nghĩa, công nghệ là cách để biến nguồn lực thành sản phẩm. Việt Nam là quốc gia có sẵn nhiều nguồn lực nhưng không có đủ công nghệ tốt để biến thành sản phẩm có chất lượng cao. Do đó, mục đích lớn nhất của Luật Chuyển giao công nghệ được xác định là làm sao cho chúng ta có nhiều hơn các công nghệ để tận dụng tốt hơn các nguồn lực, thông qua việc Nhà nước “bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển nhanh và bền vững kinh tế-xã hội của đất nước”, như quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Chuyển giao công nghệ 2006.

Không tính phí khi chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp trong tập đoàn: Cân nhắc kỹ

Đoạn 2 khoản 1.2 Điều 1 Dự thảo quy định, không được tính phí chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam nếu doanh nghiệp tại Việt Nam có 100% vốn của tập đoàn. Quy định này được cho rằng sẽ giúp chống hành vi chuyển giá thông qua hợp đồng chuyển giao công nghệ. Theo phản ánh của nhiều chuyên gia, hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia là một trong những cơ hội tốt để thực hiện hành vi chuyển giá. Do đó, việc bổ sung các biện pháp chống chuyển giá khi thực hiện hợp đồng này là hợp lý.

Tuy nhiên, biện pháp “không được tính phí chuyển giao công nghệ” đưa ra tại đoạn 2 khoản 1.2 Điều 1 Dự thảo cũng cần cân nhắc. Theo các chuyên gia pháp luật, về bản chất, dù công ty mẹ ở nước ngoài có sở hữu 100% vốn của công ty con ở Việt Nam thì đây vẫn là hai pháp nhân độc lập, có tài sản độc lập, với quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý độc lập. Giao dịch chuyển giao công nghệ từ công ty mẹ sang công ty con cũng là điều bình thường. Nếu giao dịch này được khai báo đúng giá trị thì không có vấn đề gì. Như vậy, quy định như trong Dự thảo sẽ là không công bằng đối với các trường hợp khai báo đúng giá trị. 

Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế bất cập này có thể thay thế bằng các biện pháp kiểm tra, thẩm định, áp giá trong quá trình thanh tra, kiểm tra thuế để chống chuyển giá.

Dự án chuyển giao công nghệ nào cần thẩm tra?

Khoản 2 Điều 12 cũng quy định chỉ những dự án có công nghệ hạn chế chuyển giao mới phải được kiểm tra giám sát việc chuyển giao công nghệ trong quá trình triển khai thực hiện. Thực tế cho thấy trong các dự án đầu tư công nghệ chuyển giao bao giờ cũng đi kèm theo thiết bị. Nếu công nghệ thuộc danh mục khuyến khích chuyển giao nhưng kèm theo là các thiết bị không tiên tiến, không phù hợp, không đồng bộ, nếu không được thẩm định thẩm tra thì liệu hiệu quả đầu tư của các dự án sẽ diễn ra như thế nào? 

Trong thực tế hiện nay, để có được chủ trương đầu tư, không ít nhà đầu tư có hiện tượng thổi phồng công nghệ. Ví dụ, cứ cho rằng công nghệ là của châu Âu, của Mỹ, công nghệ tiên tiến, công nghệ hiện đại, nhưng do mượn ưu thế về công nghệ thuộc danh mục khuyến khích chuyển giao nên dễ bị bỏ qua không phải thẩm định hoặc lấp liếm công nghệ, nếu như công nghệ tiềm ẩn các yếu tố gây tổn hại đến môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng gây tác động tiêu cực đến an toàn vệ sinh, chưa kể thiết bị không phù hợp thậm chí còn là thiết bị lạc hậu, thải loại.

Quy định hiện hành cũng chỉ quy định giải trình để thẩm định kiểm tra giám sát đối với dự án đầu tư có ứng dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao. Đây là những lỗ hổng trong hoạt động quản lý công nghệ. Thời gian qua cho thấy, vì không có sự kiểm soát và quản lý công nghệ không có phân công phân cấp thẩm định giám sát công nghệ, nhất là nhóm công nghệ khuyến khích chuyển giao, nên đã tạo ra những lỗ hổng trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư của các dự án đầu tư. Chính những lỗ hổng của pháp luật về quản lý công nghệ này nên thực tế đã phát sinh những thảm họa về môi trường mà hiện nay chúng ta đang phải gánh chịu và nỗ lực khắc phục, điển hình như các dự án boxit ở Tây Nguyên, Formosa ở Hà Tĩnh, mở rộng Nhà máy gang, thép Thái Nguyên, Nhà máy nhiệt điện Nam Định, Nhà máy đạm Ninh Bình v.v... Do công tác thẩm định giám sát công nghệ của các dự án đầu tư chưa được quan tâm đưa vào luật một cách cụ thể nên việc đưa công nghệ kèm theo thiết bị lạc hậu trong thời gian qua đã để lại hậu quả là các dự án đầu tư tiêu tốn biết bao nhiêu tiền của, đội vốn, hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, mất vốn đến lúc lại kêu gọi Chính phủ cứu trợ. 

Mặt khác, trong các dự án đầu tư thì đa phần có nhiều công nghệ có thể bao gồm nhiều công nghệ thuộc nhiều ngành, lĩnh vực trong một dự án, trong đó công nghệ chính là những công nghệ tạo ra các sản phẩm theo mục tiêu của dự án và các công nghệ phụ trợ đi kèm như những công nghệ xử lý phế thải, nước thải, khí thải v.v... Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến công nghệ chính, có thể là công nghệ thuộc khuyến khích chuyển giao, mà không quan tâm đến các công nghệ phụ trợ đi kèm thì sẽ gây ra rất nhiều vấn đề phức tạp, công nghệ phụ trợ lại thường là những công nghệ lạc hậu. Chính những công nghệ phụ trợ đi kèm đóng vai trò rất quan trọng đến dự án, có đảm bảo đáp ứng được quy định về môi trường hay không? Do đó, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, nếu Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi lần này chỉ quy định việc tổ chức thẩm định công nghệ đối với các dự án đầu tư sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và Luật Đầu tư năm 2014 thì vẫn chưa thể khắc phục được những lỗ hổng trong công tác quản lý công nghệ. 

Đọc thêm