Truyền thông Chính sách

Hoàn thiện pháp luật liên quan đến hoạt động giám định tư pháp

(PLVN) -Ngày 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Luật Giám định tư pháp (GĐTP) và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, Phó Trưởng Ban Nội chính TW Nguyễn Văn Yên đồng chủ trì Hội nghị. Tham gia điều hành còn có Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Lê Xuân Hồng.
 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, Phó Trưởng Ban Nội chính TW Nguyễn Văn Yên đồng chủ trì Hội nghị. Tham gia điều hành còn có Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Lê Xuân Hồng, ảnh Thu Nga
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, Phó Trưởng Ban Nội chính TW Nguyễn Văn Yên đồng chủ trì Hội nghị. Tham gia điều hành còn có Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Lê Xuân Hồng, ảnh Thu Nga

Cần bảo đảm kinh phí cho hoạt động GĐTP

Báo cáo tổng kết do Cục trưởng Lê Xuân Hồng trình bày đã nêu rõ những kết quả đạt được sau thời gian thi hành Luật Giám định tư pháp năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021) và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp được ban hành kèm theo Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ trên các lĩnh vực: từ công tác xây dựng ban hành văn bản chi tiết; củng cố kiện toàn tổ chức giám định tưu pháp, đội ngũ giám định viên đến tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định và kinh phí hoạt động đến thực hiện hoạt động giám định.

Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Lê Xuân Hồng báo cáo tổng kết thi hành Luật GĐTP và Đề án 250

Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Lê Xuân Hồng báo cáo tổng kết thi hành Luật GĐTP và Đề án 250

Theo ông Xuân Hồng, kết quả của hoạt động giám định tư pháp trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết đúng đắn các vụ án (nhất là các vụ án phục vụ cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng). Tuy nhiên, hoạt động giám định tư pháp cũng còn có những tồn hạn chế, đặt ra yêu cầu phải khẩn trương đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp một cách tổng thể, đồng bộ hơn.

Chỉ rõ các nguyên nhân của những hạn chế, Bộ Tư pháp đề nghị Quốc hội, UBTVQH chỉ đạo việc thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương yêu cầu về hoàn thiện pháp luật về GĐTP, nhất là về cơ chế tài chính, ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động của tổ chức GĐTP chuyên trách, các cơ quan nhà nước thực hiện giám định, chi phí giám định; chính sách thu hút, ưu đãi người, tổ chức làm GĐTP.

Đề xuất Chính phủ giao Bộ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan lập đề nghị xây dựng dự án Luật Giám định Tư pháp sửa đổi, báo cáo Chính phủ trình UBTVQH, Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, đề nghị Chính phủ sửa Quyết định 01/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ bồi dưỡng GĐTP.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác GĐTP

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác GĐTP

Khẳng định tầm quan trọng của công tác giám định tư pháp; kết luận giám định, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, tăng cường trách nhiệm, phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với công tác GĐTP nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật GĐTP và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các Bộ, ngành liên quan cần quan tâm, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài cho đội ngũ làm công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, những tồn tại, hạn chế ở địa phương cần được tháo gỡ trực tiếp tại địa phương; còn những khó khăn vướng mắc ở trung ương thì Bộ Tư pháp sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan, Bộ, ngành nhằm tiếp tục nghiên cứu khắc phục.

Đề xuất mở rộng phạm vi xã hội hóa hoạt động GĐTP

Chỉ rõ những kết quả cũng như khó khăn vướng mắc trong triển khai hoạt động GĐTP trong Công an nhân dân, đại diện Bộ Công an cho rằng, cần nâng cao nhận thức của các ngành các cấp các tổ chức cá nhân liên quan về vai trò của hoạt động GĐTP; thực hiện tốt chính sách đãi ngộ cho đội ngũ GĐTP; quan tâm đầu tư nguồn lực, đảm bảo cơ sở vật chất trang thiết bị, đội ngũ giám định viên, và xây dựng quy chế phối hợp trong hoạt động GĐTP để giải quyết những khó khăn vướng mắc hiện nay.

Trong khi đó, đại diện VKSNDTC thì đề xuất tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo đối với công tác GĐTP; tăng cường thanh tra kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động này. Cùng với việc rà soát hoàn thiện, sửa đổi cơ chế chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động GĐTP thì cũng cần tăng cường các biện pháp khuyến khích xã hội hóa; mở rộng phạm vi xã hội hóa hoạt động GĐTP theo hướng cho phép thành lập Văn phòng GĐTP ở một số lĩnh vực, chuyên ngành GĐTP thực sự có nhu cầu lớn, thường xuyên.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đánh giá cao những hiến kế của các đại biểu tham dự

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đánh giá cao những hiến kế của các đại biểu tham dự

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đánh giá cao những tham luận, ý kiến đóng góp của các đại biểu. Các ý kiến đóng góp đã làm rõ hơn những kết quả đạt được, nhận diện tồn tại hạn chế khó khăn trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là về thể chế, về việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, chậm thay đổi, sửa đổi về chế độ chính sách.

Các đại biểu cũng đã hiến kế nhiều giải pháp trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, hoàn thiện báo cáo tổng kết và sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám định thời gian tới. Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ ngành địa phương quan tâm phối hợp với Bộ Tư pháp trong đề xuất xây dựng Luật GĐTP.

Đọc thêm