Hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử

(PLVN) - Xử lý các vi phạm trong thương mại điện tử ở Việt Nam đang là vấn đề khá “nóng” và gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan thực thi, nhất là trong bối cảnh chính sách vẫn chưa hoàn thiện để theo kịp đà phát triển. 
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh

Xung quanh vấn đề này, PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT). 

Sự phát triển nhanh chóng của các loại hình thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những vấn đề gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong các hoạt động kiểm soát hàng gian lận thương mại trên không gian mạng. Tổng cục QLTT có biện pháp gì để xử lý hoạt động này? 

- Phải thừa nhận rằng, xử lý các vi phạm trên không gian mạng đang là vấn đề rất khó để kiểm soát nhất là trong bối cảnh hiện nay, buôn bán kinh doanh trên mạng đang rất dễ dàng, chưa có gì ràng buộc các cơ sở kinh doanh trên internet về trách nhiệm pháp lý. Do đó, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo Tổng cục QLTT cần có một chiến dịch đủ mạnh với TMĐT. Trên cơ sở đó, Tổng cục cũng đã có kế hoạch cụ thể cho cao điểm kiểm tra tình hình kinh doanh TMĐT.

Ông có thể cho biết cụ thể kế hoạch như thế nào?

- Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, kiểm soát từ thời điểm này đến hết năm 2020. Địa bàn trọng điểm được xác định gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Lĩnh vực trọng điểm được xác định gồm các mặt hàng trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, rượu, quần áo, giày dép. 

Đối tượng trực tiếp trong chiến dịch này là các thương nhân, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu website, ứng dụng TMĐT bán hàng hoặc kinh doanh trên website, ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT và các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT có dấu hiệu lợi dụng hoạt động để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Mục tiêu của chiến dịch lớn này là chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý triệt để tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT đến hết năm 2020. Đồng thời cũng sẽ xem xét, xử lý chuyển giao hồ sơ vụ việc cho cơ quan chức năng tiến hành tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, có tính chất, quy mô, số lượng lớn, mang tính đường dây, ổ nhóm, tái phạm nhiều lần.

Chiến dịch lớn và kéo dài này có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh buôn bán của các cơ sở, công ty, sàn TMĐT? Giải pháp là gì, thưa ông?

- Tổng cục đã quán triệt quan điểm đến từng bộ phận liên quan rằng, việc thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với các thương nhân, tổ chức sử dụng website, ứng dụng TMĐT để kinh doanh phải tuân thủ đúng quy định của của pháp luật. Phải đảm bảo quá trình thực hiện không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của các cá nhân, tổ chức; Đặc biệt lưu ý việc xử lý vi phạm phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người tiêu dùng. 

Một trong những vấn đề gây khó khăn cho cơ quan thực thi hiện nay là chính sách pháp luật quy định về TMĐT chưa theo kịp sự phát triển của thị trường. Tổng cục sẽ làm gì để thúc đẩy quá trình thay đổi chính sách?

- Hiện nay, các chính sách pháp luật liên quan đến TMĐT đã không còn “phủ” đủ tốc độ phát triển của thị trường TMĐT. Tổng cục cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cần phát hiện, tổng hợp những vấn đề, bất cập còn tồn tại; Chủ động đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, pháp luật cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong TMĐT.

Với vai trò của mình, Tổng cục sẽ tập hợp những bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước. Trước mắt, cần phải ràng buộc trách nhiệm của chủ sàn với các mặt hàng bày bán trên các website, ứng dụng TMĐT vì như hiện nay chủ sàn ít trách nhiệm quá. Chúng tôi cũng hiểu không gian trên mạng là vô hạn, các chủ sàn cũng khó có thể đủ sức để kiểm soát vì số lượng quá lớn, nhưng dù thế cũng phải có biện pháp để hạn chế thấp nhất những rủi ro xuất hiện trên các sàn giao dịch. 

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đọc thêm