Hoàn thiện pháp lý, kiểm soát xung đột lợi ích trong hành nghề luật sư

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong bối cảnh Nghị quyết 66-NQ/TW nhấn mạnh nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế, việc sớm thể chế hóa mô hình luật sư công trở thành yêu cầu cấp thiết. Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy định chặt chẽ để kiểm soát xung đột lợi ích trong hành nghề luật sư, nhất là với đội ngũ viên chức được hành nghề theo Nghị quyết 66-NQ/TW.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

-Nghị quyết 66-NQ/TW đặt ra yêu cầu nâng cao khả năng tiếp cận pháp lý cho người dân. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư công được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết. Theo ông, vì sao cần sớm thể chế hóa mô hình luật sư công và thực tiễn cho thấy mô hình này có thể đóng vai trò ra sao trong việc bảo đảm quyền lợi pháp lý cho người yếu thế?

Theo Điều 30 Luật Trợ giúp pháp lý 2017, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý gồm: người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội trong vụ án hình sự mà không có khả năng mời luật sư... Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng luật sư tự nguyện tham gia trợ giúp pháp lý còn hạn chế, không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân.

Trong khi đó, Điều 14 và Điều 16 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” và “có quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm”. Để hiện thực hóa những quyền này, phải có cơ chế pháp lý hiệu quả và đội ngũ luật sư công là một trong những công cụ cần thiết.

Luật sư công là những người hành nghề chuyên nghiệp, hoạt động dưới sự quản lý của Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong các vụ việc dân sự, hành chính, hình sự... đặc biệt là những đối tượng yếu thế. Mô hình tương tự đã được áp dụng hiệu quả tại nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Nhật Bản... với tên gọi Public Defender, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng, phòng, chống oan sai và tăng cường niềm tin vào tư pháp.

Luật sư công không chỉ tham gia tố tụng, mà còn có thể đóng vai trò phổ biến pháp luật tại cơ sở, hỗ trợ pháp lý tại các trại giam, trường học, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa - nơi người dân khó tiếp cận dịch vụ pháp lý tư nhân.

Đã đến lúc Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng mô hình luật sư công thông qua thí điểm tại các trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước hoặc sáp nhập vào hệ thống pháp lý công. Việc thể chế hóa mô hình này có thể được thực hiện thông qua sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý, bổ sung quy định về tổ chức và hoạt động của luật sư công với cơ chế tài chính, nhân sự và giám sát phù hợp.

Đây không chỉ là bước tiến về kỹ thuật pháp lý mà còn là cam kết của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người và tiếp cận công lý cho mọi công dân, bất kể địa vị hay hoàn cảnh kinh tế.

-Theo ông, những điều kiện nào cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ luật sư công trong tương lai?

Trong bối cảnh cải cách tư pháp đang bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện, việc thành lập đội ngũ luật sư công - những người làm nghề luật nhưng phục vụ trực tiếp vì lợi ích công - đang trở nên cấp thiết. Mô hình này không chỉ nhằm nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người yếu thế, mà còn góp phần bảo vệ quyền con người, phòng ngừa oan sai và củng cố niềm tin của xã hội vào công lý.

Hiến pháp 2013 khẳng định: “Công dân có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, tính mạng, sức khỏe, tài sản và được pháp luật bảo hộ về quyền lợi hợp pháp” (Điều 20, 32). Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi quyền này vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người bị tạm giam, tạm giữ... Những người yếu thế này thường không đủ điều kiện thuê luật sư tư, trong khi hệ thống trợ giúp pháp lý hiện hành dù đã có tiến bộ, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ về phạm vi, chất lượng và hiệu quả.

Theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng thuộc diện được quy định. Tuy nhiên, hoạt động trợ giúp hiện nay chủ yếu dựa vào lực lượng cộng tác viên, đội ngũ luật sư tư nhân hoặc công chức pháp lý kiêm nhiệm, dẫn đến tình trạng năng lực chuyên môn không đồng đều và thiếu ổn định. Trong bối cảnh đó, việc phát triển mô hình luật sư công chuyên trách, có biên chế và được Nhà nước chi trả lương, là một yêu cầu tất yếu. Họ sẽ đại diện pháp lý cho các đối tượng yếu thế trong các vụ việc dân sự, hình sự, hành chính - tương tự như mô hình

Public Defender ở nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, hoặc mô hình “bảo vệ pháp lý công” tại Thái Lan.

Theo tôi, để mô hình này phát triển hiệu quả, cần: Bổ sung quy định pháp luật cụ thể về luật sư công trong Luật Luật sư, Luật Trợ giúp pháp lý, hoặc xây dựng một đạo luật riêng; bố trí ngân sách nhà nước ổn định, tạo cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao; đào tạo chuyên sâu, có chế độ đãi ngộ tương xứng với nhiệm vụ xã hội; thí điểm mô hình tại một số địa phương trước khi nhân rộng trên toàn quốc.

Có thể nói, luật sư công sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi pháp lý của công dân, là biểu tượng cho công bằng và bình đẳng trước pháp luật. Đây không chỉ là yêu cầu từ thực tiễn tư pháp, mà còn là thước đo về văn minh pháp quyền của một quốc gia.

-Nghị quyết 66/NQ-TW vừa ban hành cho phép viên chức được hành nghề luật sư. Theo ông, cần đặt ra những điều kiện gì để bảo đảm chất lượng đội ngũ này?

Nghị quyết 66 đã mở ra một bước ngoặt quan trọng khi cho phép viên chức được hành nghề luật sư. Đây là chủ trương nhằm tận dụng nguồn lực chất lượng cao trong hệ thống công lập, đặc biệt là những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn pháp lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, để chủ trương này phát huy hiệu quả, đồng thời không ảnh hưởng đến chất lượng hành nghề luật sư và đạo đức công vụ, cần thiết phải đặt ra những điều kiện và giới hạn pháp lý rõ ràng.

Việc cho phép viên chức hành nghề luật sư đã có cơ sở pháp lý, nhưng cần được cụ thể hóa bằng các điều kiện sau:

Thứ nhất, cam kết không xung đột lợi ích, chỉ hành nghề ngoài giờ hành chính, không nhận vụ việc có liên quan đến cơ quan đang công tác - theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 (Điều 29, Điều 33).

Thứ hai, tuân thủ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành, tránh lạm dụng danh nghĩa công chức, viên chức để tạo uy tín cá nhân khi hành nghề.

Thứ ba, có sự giám sát từ tổ chức chủ quản và Đoàn luật sư địa phương, bảo đảm minh bạch trong thu nhập, hành vi nghề nghiệp và chuẩn mực đạo đức xã hội.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư để quy định rõ mô hình “luật sư kiêm viên chức” hoặc hình thành đội ngũ “luật sư công” phục vụ nhu cầu trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền lợi người yếu thế trong xã hội.

Việc cho phép viên chức hành nghề luật sư không chỉ là một chính sách cải cách, mà còn là phép thử về khả năng kiểm soát xung đột lợi ích, đạo đức công vụ và chất lượng nghề nghiệp. Việc sớm hoàn thiện các khung pháp lý liên quan sẽ là nền tảng vững chắc để chủ trương này không trở thành “con dao hai lưỡi”, mà thực sự thúc đẩy sự phát triển bền vững và chuyên nghiệp của nghề luật sư Việt Nam.

-Theo ông, cần làm gì để khắc phục tình trạng “chân trong, chân ngoài” trong hoạt động hành nghề luật sư trong bối cảnh này?

Có thể nói, việc viên chức được hành nghề luật sư là bước tiến tích cực nhằm tận dụng nguồn nhân lực pháp lý hiện có. Tuy nhiên, nếu không có hàng rào pháp lý đủ chặt, chủ trương này có thể vô tình làm gia tăng hiện tượng “chân trong, chân ngoài” - nơi mà ranh giới giữa công vụ và tư lợi bị xóa nhòa, dẫn đến xung đột lợi ích, cạnh tranh không lành mạnh và suy giảm niềm tin vào nền công lý.

Theo quy định tại Điều 14 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), người đang là cán bộ, công chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp... không được hành nghề luật sư. Tuy nhiên, pháp luật không cấm viên chức - đối tượng có địa vị pháp lý khác với công chức - nếu đáp ứng điều kiện, có thể hành nghề luật sư sau khi được cấp thẻ hành nghề luật sư.

Tuy vậy, việc vừa là viên chức trong cơ quan nhà nước, vừa hành nghề luật sư dễ dẫn đến vi phạm nguyên tắc độc lập, khách quan - một giá trị cốt lõi trong hành nghề luật. Đặc biệt, theo Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, viên chức có trách nhiệm “tránh, hoặc báo cáo khi có khả năng phát sinh xung đột lợi ích trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ”. Theo tôi, để khắc phục nguy cơ này cần:

Thứ nhất, rà soát, sửa đổi Luật Luật sư và Luật Viên chức, làm rõ giới hạn hành nghề của viên chức, quy định những công việc không được thực hiện trong quá trình hành nghề để ngăn chặn mâu thuẫn lợi ích;

Thứ hai, ban hành bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp riêng cho viên chức hành nghề luật sư, do Liên đoàn Luật sư Việt Nam chủ trì;

Thứ ba, tăng cường cơ chế thanh tra, giám sát độc lập từ cơ quan quản lý hành chính và Đoàn luật sư;

Thứ tư, thí điểm mô hình “luật sư công” - nơi các viên chức pháp lý chuyên trách được đào tạo để phục vụ công ích, không tham gia hành nghề tư nhằm hạn chế xảy ra những vi phạm trong hành nghề.

Việc bảo đảm tính liêm chính, khách quan và chuyên nghiệp trong hành nghề luật sư là nền tảng cho một nền tư pháp vững mạnh. Do đó, chống tình trạng “chân trong, chân ngoài” không chỉ là yêu cầu pháp lý, mà còn là cam kết của Nhà nước và Liên đoàn Luật sư đối với công lý và lợi ích xã hội.

Đọc thêm