Theo khoản 3 Điều 24 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể. Vụ án dân sự có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể. Theo quy định tại khoản 6 Điều 6 Thông tư 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí THADS, cơ quan THADS không thu phí đối với trường hợp bản án, quyết định của Tòa án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này trong thực tiễn còn một số vướng mắc.
Đa số quan điểm cho rằng nên thu phí đối với một số trường hợp Tòa án xác định không có giá ngạch như trường hợp đòi nhà cho thuê, đòi nhà cho ở nhờ,Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu và các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận … bởi vì đối với một số trường hợp Tòa án xác định không có giá ngạch (như trường hợp trên) thì pháp luật quy định miễn thu phí thi hành án như hiện nay hoặc là sẽ quy định thu phí như những trường hợp khác cũng sẽ nảy sinh những bất cập trong thực tế. Việc thu một khoản phí để bù đắp một phần chi phí đầu tư, quản lý của cơ quan THADS là cần thiết. Hơn nữa, việc quy định các trường hợp này thuộc diện miễn phí thi hành án như hiện nay là không hợp lý, không đúng với bản chất của việc miễn “một nghĩa vụ”. Cơ sở cho việc quy định miễn một nghĩa vụ nào đó thường phải căn cứ vào tình trạng nhân thân của đối tượng chứ không căn cứ theo hình thức, thủ tục bên ngoài.
Trong các trường hợp này cơ quan thi hành án cũng đã thực hiện việc cung cấp dịch vụ và người được thi hành án cũng đã được thụ hưởng những lợi ích nhất định từ dịch vụ này. Do đó, nên quy định thu một khoản phí chung cho các trường hợp Tòa án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử, như trường hợp đòi nhà cho thuê, đòi nhà cho ở nhờ… là hợp lý.
Mặt khác, thủ tục xét miễn giảm phí thi hành án cũng cần phải được rút gọn hơn. Theo quy định về thủ tục xét miễn giảm phí thi hành án, thì bất cứ trường hợp miễn giảm nào đương sự cũng phải làm đơn đề nghị được miễn giảm phí thi hành án và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Trên thực tế, hầu hết các trường hợp được miễn giảm phí thi hành án cũng đều là những trường hợp được xét miễn giảm án phí ở giai đoạn xét xử. Ở giai đoạn xét xử họ đã phải làm các thủ tục như làm đơn xin xác nhận đối tượng khó khăn về kinh tế, có công với Cách mạng, người neo đơn…. Đến giai đoạn thi hành án họ phải làm lại các thủ tục trên ít nhất là một lần nữa.
Đa số quan điểm cho rằng, đối với một số thủ tục nếu về bản chất không có gì khác nhau, thì việc tạo ra một cơ chế liên thông giữa các cơ quan với nhau mà không gây ra thiệt hại cho các bên liên quan, hơn nữa còn có lợi cho người dân là cần thiết. Do đó có thể giản tiện thủ tục này bằng cách quy định đối với những trường hợp đã thuộc diện được tòa án miễn giảm án phí thì cơ quan THADS có thể xem xét miễn giảm phí thi hành án cho họ mà không cần phải tiến hành các thủ tục xin xác nhận về hoàn cảnh neo đơn, tàn tật ốm đau kéo dài…. Điều này cũng sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục THADS và rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án
Đối với trường hợp mà khoản tiền thi hành án được nhận thành nhiều đợt thì chỉ cần người được thi hành án làm đơn đề nghị xét miễn giảm phí thi hành án một lần. Đối với các lần chi trả tiếp theo, cơ quan THADS chủ động thực hiện xét miễn giảm phí theo đối tượng được miễn giảm để thuận lợi cho người dân và rút ngắn thời gian thi hành án.