Nghiên cứu mở rộng phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự
Trong công tác THADS, việc ủy thác tư pháp và thi hành các bản án, quyết định của Toà án, trọng tài nước ngoài tại Việt Nam là các lĩnh vực có liên quan nhiều đến hợp tác với nước ngoài và có yếu tố liên quan đến nước ngoài.
Tuy nhiên, Luật THADS năm 2014 chỉ có duy nhất 1 điều (Điều 181) đề cập đến hợp tác quốc tế trong lĩnh vực THADS: “Việc yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án, việc tiếp nhận và xử lý ủy thác tư pháp về thi hành án của nước ngoài trong quá trình thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp.
Cơ quan THADS có yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án phải lập hồ sơ ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp”.
Việc không quy định cụ thể về tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án mà viện dẫn đến Luật Tương trợ tư pháp nếu phát sinh yêu cầu về tương trợ tư pháp đã gây khó khăn cho các cơ quan THADS, chấp hành viên trong thực thi nhiệm vụ trong trường hợp phát sinh nội dung THADS có liên quan đến yếu tố nước ngoài.
Vì vậy, thời gian tới Bộ Tư pháp cần có những nghiên cứu để bổ sung các nội dung liên quan đến THADS có yếu tố nước ngoài hoặc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực THADS để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động THADS có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.
Cụ thể, cần sửa đổi, bổ sung Luật THADS, Luật Tương trợ tư pháp, các nội dung liên quan đến THADS có yếu tố nước ngoài theo hướng mở rộng phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự, đảm bảo nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết với các nước.
Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan thi hành án có thể ủy thác tư pháp cho nước ngoài thực hiện các việc liên quan đến xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án; đồng thời, tạo cơ chế theo dõi, đánh giá, tổng kết toàn diện và thường xuyên đối với công tác thực hiện tương trợ tư pháp cho nước ngoài tại Việt Nam.
Bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu tài sản
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta đang hoàn thiện là nền kinh tế gắn chặt với các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, việc thực thi và bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu tài sản là một yếu tố quan trọng mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư và có tính chất quyết định để nâng cao mức tín nhiệm của mỗi nền kinh tế.
Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập quốc tế, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến THADS như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đấu giá, Luật Phá sản, Luật Đăng ký tài sản, Nghị định về giao dịch bảo đảm…
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cần tiếp tục phối hợp với TANDTC hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến thực thi Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Luật Phá sản 2014 để đẩy nhanh việc giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục, quy trình và rút ngắn thời gian.
Cùng với việc hoàn thiện thể chế, các cơ quan THADS cần tiếp tục tổ chức nghiên cứu và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ trong hoạt động THADS, thi hành án hành chính, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Đặc biệt, tiếp tục bám sát Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
Trong đó, tập trung rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng (bao gồm thời gian thụ lý, xét xử và THADS) từ 400 ngày xuống 300 ngày trong năm 2017 và dưới 200 ngày đến năm 2020; rút ngắn thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp từ 60 tháng xuống dưới 30 tháng trong năm 2017 và dưới 24 tháng đến năm 2020.
Đồng thời chú trọng phát triển các kênh tiếp nhận kiến nghị, phản ánh; tăng cường cơ chế đối thoại có hiệu quả giữa cơ quan THADS với người dân, doanh nghiệp nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời các nhu cầu, nguyện vọng, vướng mắc liên quan phát triển kinh tế.