Báo cáo tại Hội nghị cho biết, trong năm 2020, các nhiệm vụ trọng tâm của Cục về cơ bản được triển khai đồng bộ, đã hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm, một số nhiệm vụ đang triển khai đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hiệu quả và theo đúng kế hoạch.
Cụ thể, công tác xây dựng văn bản, đề án trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm đáp ứng yêu cầu đặt ra; đặc biệt, dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã được hoàn thiện trình Chính phủ theo đúng tiến độ.Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm được tăng cường, công tác tập huấn, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật được triển khai đồng bộ.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm tiếp tục là điểm sáng với việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Công tác đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm được duy trì ổn định, tỷ lệ đăng ký theo phương thức trực tuyến tăng, chiếm 73% tổng số phiếu yêu cầu...
Tuy nhiên, công tác của Cục vẫn còn một số tồn tại như: một số công việc triển khai chậm so với kế hoạch; việc nâng cao tỷ lệ đăng ký trực tuyến chưa đạt được kết quả đặt ra...
Ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của đơn vị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu trong năm 2021, Cục cần bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp. Đặc biệt, năm 2021 là năm kỷ niệm 20 năm thành lập Cục, đánh dấu giai đoạn phát triển mới, Thứ trưởng kỳ vọng Cục sẽ tạo được nhiều dấu ấn đậm nét hơn trong các hoạt động. Theo Thứ trưởng, công tác đăng ký biện pháp bảo đảm là lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong công tác này; khảo sát, xây dựng dự án Luật về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ để có thể xử lý toàn diện các vấn đề còn tồn tại. Cùng với đó, Thứ trưởng cũng đề nghị các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản phải thận trọng, làm hết trách nhiệm, nghiên cứu đề xuất các giải pháp để giải quyết dứt điểm vấn đề giả mạo giấy tờ trong đăng ký giao dịch bảo đảm.