Hoàn thiện thể chế về đăng ký tài sản: Công cụ bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản

(PLO) - Hôm qua (30/3), Bộ Tư pháp và Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG), thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo kinh nghiệm quốc tế về đăng ký tài sản và đề xuất hoàn thiện chính sách cho Việt Nam. Hội thảo có sự tham dự của đại diện nhiều bộ, ngành cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Phạm Tuấn Ngọc khẳng định, thiết chế đăng ký tài sản có vai trò quan trọng trong việc công khai, minh bạch hóa tài sản, góp phần bảo đảm quyền sở hữu, quyền tài sản của chủ sở hữu tài sản và người có quyền liên quan. Tuy nhiên, các quy định về đăng ký tài sản hiện còn chưa tập trung, thống nhất mà nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Ngoài ra, mô hình tổ chức, nguyên tắc vận hành trong hoạt động đăng ký tài sản còn chịu chi phối của tư duy hành chính, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường; thiếu cơ sở pháp lý về đăng ký đối với một số loại quyền khác không phải là quyền sở hữu đối với tài sản như quyền hưởng dụng, quyền bề mặt. 

Vì vậy, việc nghiên cứu, đề xuất chính sách hoàn thiện khuôn khổ thể chế về đăng ký tài sản là vô cùng cần thiết. Từ đó, hướng tới sự đổi mới, hiện đại hóa công tác đăng ký để công tác này thực sự là công cụ quan trọng, hữu hiệu giúp Nhà nước quản lý, điều tiết chính sách, kiến tạo sự phát triển. 

Giám đốc Dự án GIG David Anderson nhấn mạnh, việc hoàn thiện chính sách về đăng ký tài sản đặc biệt quan trọng, bởi việc đăng ký tài sản sẽ tạo cú hích cho sự phát triển kinh tế. USAID Việt Nam cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản nhằm góp phần bảo đảm hơn nữa quyền của người dân trong quá trình tham gia các giao dịch. 

Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Nguyễn Chi Lan cho rằng, để pháp luật về đăng ký tài sản được điều chỉnh thống nhất, có tính hệ thống, Việt Nam có thể có ba lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất là điều chỉnh các đạo luật liên quan đến đăng ký tài sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Sở hữu trí tuệ… Lựa chọn thứ hai là xây dựng Luật Đăng ký tài sản, trong đó quy định thống nhất về đối tượng tài sản đăng ký, nội dung đăng ký, giá trị pháp lý của việc đăng ký, trình tự, thủ tục đăng ký, thẩm quyền đăng ký. Lựa chọn thứ ba là xây dựng Luật Đăng ký tài sản, trong đó quy định thống nhất về đối tượng tài sản đăng ký, nội dung đăng ký, giá trị pháp lý của việc đăng ký; còn các Luật chuyên ngành quy định về trình tự, thủ tục đăng ký, thẩm quyền đăng ký.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bà Lan cho biết, đối tượng đăng ký trong pháp luật các nước là các quyền liên quan đến tài sản. Dù là bất động sản hay động sản thì đối tượng đăng ký của hệ thống đăng ký tài sản chính là quyền sở hữu đối với tài sản, các giao dịch liên quan đến việc chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và các quyền khác không phải quyền sở hữu (ví dụ như quyền thế chấp, quyền thuê, hạn chế quyền theo bản án của tòa án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác...). 

Còn đại diện đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc xây dựng Luật Đăng ký tài sản phải dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn và định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh nước ta đang tích cực cải cách thủ tục hành chính thì hoạt động đăng ký tài sản cũng thể hiện một nỗ lực trong việc giảm bớt giấy tờ, công khai, minh bạch hóa tài sản. Do đó, có thể nhìn nhận dưới góc độ cải cách hành chính để đánh giá, đưa ra hướng xây dựng Luật này.

Ngoài ra, Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến trao đổi liên quan tới hệ thống pháp luật hiện hành, đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật về đăng ký tài sản, hệ thống cơ quan đăng ký, nguyên tắc đăng ký, giá trị pháp lý của việc đăng ký…, nhất là trong giai đoạn công nghệ 4.0 với chế độ công khai, chia sẻ miễn phí về tài sản, quyền về tài sản. 

Đọc thêm