Hoạt động công chứng, chứng thực đang bị giả mạo một cách tinh vi

(PLO) -Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công chứng , chứng thực trong những năm gần đây thì tình trạng giả mạo trong hoạt động này cũng ngày một tăng cao. Rất nhiều vụ việc đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Thế nhưng vẫn còn khá nhiều điểm nghẽn khiến việc phòng chống giả mạo gặp khó khăn.
Đại diện một văn phòng công chứng đưa ra giấy tờ giả, chia sẻ kinh nghiệm phân biệt thật và giả
Đại diện một văn phòng công chứng đưa ra giấy tờ giả, chia sẻ kinh nghiệm phân biệt thật và giả

Tinh vi các thủ đoạn giả mạo

Sở Tư pháp TP HCM vừa tổ chức Hội nghị các giải pháp phòng ngừa, xử lý tình trạng giả mạo trong hoạt động công chứng, chứng thực với sự tham gia của UBND TP HCM. Cục Công tác phía Nam Bộ Tư pháp, Công an TP HCM, Văn phòng đăng kí đất đai TP HCM, TAND TP HCM cùng với đại diện nhiều văn phòng công chứng, đơn vị chứng thực quận, huyện trên địa bàn TP.

Theo thông tin từ Sở Tư pháp TP HCM, chỉ tính tiêng trong năm 2017, các đơn vị công chứng, chứng thực trên địa bàn TP đã tiếp nhận 1 triệu vụ việc công chứng, tăng 10,1% so với năm 2016, giải quyết trên 2 triệu hồ sơ với tổng số phí là 405 tỉ 719 triệu tăng 22 % so với năm 2016. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của hoạt động công chứng thì số vụ việc giả mạo trong hoạt động này cũng tăng mạnh. Trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP HCM đã phát hiện 44 trường hợp giả mạo, các phòng tư pháp quận, huyện và UBND phường, xã đã phát hiện 176 vụ việc giả mạo giấy tờ và người yêu cầu chứng thực. Tuy nhiên,trên thực tế, số vụ giả mạo còn lớn hơn nhiều lần. Đại diện Văn phòng Công chứng Hoàng Xuân cho biết, những người làm công chứng hầu như không tuần nào, ngày nào là không phát hiện những vụ giả mạo giấy tờ.  

Các thủ đoạn giả mạo có thể chia làm 2 loại phổ biến: Giả mạo chủ thể tham gia giao dịch và giả mạo giấy tờ, mà các văn phòng công chứng thường gọi là “người thật, giấy tờ giả”, “người giả, giấy tờ thật”. Theo sự chia sẻ từ phía Phòng Công chứng số 7, có trường hợp bọn lừa đảo tinh vi đến mức tiếp cận với giấy tờ đất thật, chụp lại và in màu ra, làm giả như thật, sau đó đánh tráo lấy được giấy tờ thật của chủ nhà, làm giả giấy tờ tùy thân của chủ nhà để bán nhà theo thủ đoạn “người giả giấy tờ thật”. Theo kinh nghiệm từ Văn phòng Công chứng Gia Định, hầu hết các giấy tờ làm giả đều được sử dụng phương pháp in phun màu, các đối tượng làm giả không xuất hiện mà chủ yếu là người sử dụng giấy tờ làm giả đem đến giao dịch, khi phát hiện giấy tờ giả thì họ bỏ lại nên không xác định được danh tính đó có phải là người đứng tên trên giấy tờ giả hay không. 

Kiến nghị từ các văn phòng công chứng, hành vi giả mạo giấy tờ phạm vào tội lừa đảo, thường có tổ chức, rất tinh vi, ứng dụng sự phát triển của khoa học kĩ thuật khiến việc giả mạo càng khó nhận biết hơn. Thế nhưng, khi sự cố xảy ra, công chứng viên lại bị khởi kiện, chịu trách nhiệm bồi thường thì có gì đó… chưa thỏa đáng (!). 

Cần có cả kỹ năng " giữ chân" kẻ có hành vi giả mạo

Từ nhiều chia sẻ của các đơn vị đều cho thấy thực trạng còn tồn tại khiến chưa thể xử lý triệt để hành vi giả mạo giấy tờ, đó là thiếu cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, chưa mạnh tay trong xử lý hành vi giả mạo cũng như sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan. Hiện các đơn vị công chứng, chứng thực đều chia sẻ rất cần có một cơ sở dữ liệu đầy đủ, dễ dàng truy cập trong tất cả các lĩnh vực như đất đai, giáo dục,  hay các tổ chức cấp văn bằng, chứng chỉ, các phôi giấy… dễ dàng truy cập, lấy thông tin để nhận diện thật, giả của các giấy tờ.      

Theo chia sẻ của Phòng Công chứng số 7, khi phát hiện hành vi giả mạo, đơn vị này lập biên bản tạm giữ toàn bộ giấy tờ và tiến hành xác minh tại các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, quá trình này còn chậm trễ, khó khăn bởi sự thiếu hợp tác của các cơ quan có giấy tờ cần xác minh. Cạnh đó, nhiều cơ quan điều tra còn có quan điểm cho rằng, khi tổ chức hành nghề công chứng đã phát hiện ra vi phạm nên chưa có hậu quả xảy ra, do vậy không thể khởi tố vụ án, bị can để truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhiều vụ việc được các đơn vị công chứng phát hiện và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đã lâu, nhưng đến nay vẫn đang nằm ở giai đoạn điều tra. 

Về phần mình,  ông Phùng Văn Hải, Phó Chánh Tòa Dân sự TAND TP HCM nêu ra một vấn đề “vướng” trong phối hợp. Đó là khi xảy ra tranh chấp, tòa án thụ lý giải quyết và có thông báo thụ lý gửi cho văn phòng công chứng thì việc trả lời cũng như cung cấp thông tin, hồ sơ gửi cho tòa án thường chậm, có trường hợp còn xin vắng mặt trong tất cả giai đoạn tố tụng. Điều này chứng tỏ sự phối hợp chưa chặt chẽ, “gây khó” cho sự xét xử công minh của Tòa án.   

Nhận định về thực trạng giả mạo trong hoạt động công chứng, chứng thực, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM cho rằng, còn tình trạng cạnh tranh bằng mọi giá trong hoạt động công chứng, dẫn đến sự chủ quan, thiếu kĩ lưỡng của công chứng viên. Nếu một tổ chức hành nghề công chứng hoạt động nghiêm túc, đúng quy trình thì khó mà bị “qua mặt” được. Đối với người phụ trách văn phòng công chứng, ông Hạnh đề nghị nên thường xuyên cập nhật kĩ năng nhận biết giả mạo, thậm chí cả kĩ năng giữ chân kẻ có hành vi giả mạo. Đồng thời, các đơn vị công chứng nên xây dựng mối quan hệ tốt với địa phương để phối hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả khi xảy ra sự cố. Hàng năm, Sở Tư pháp đã tổ chức nhiều buổi tập huấn nhằm nâng cao kĩ năng phát hiện giả mạo của công chứng viên. Sở sẵn sàng đứng ra làm cầu nối cho mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị công chứng, chứng thực với các đơn vị khác.

Thời gian tới, Sở Tư pháp TP HCM sẽ có những kiến nghị gửi đến Bộ Tư pháp và UBND TP nhằm có những giải pháp căn cơ nhằm phòng chống giả mạo trong hoạt động công chứng, chứng thực.

Đọc thêm