Hoạt động nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại: Sửa luật để tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học

(PLVN) - Tại Việt Nam, các cơ sở nuôi thương mại có đăng ký hiện đang được phép nuôi thương mại ít nhất 39 loài bị đe dọa trên toàn cầu. Tuy nhiên, rất nhiều cá thể động vật hoang dã (ĐVHD) được nuôi tại các cơ sở có nguồn gốc từ tự nhiên và được hợp pháp hóa tại các cơ sở rồi bán ra thị trường. Đây là một mối đe doạ lớn đối với đa dạng sinh học của Việt Nam và các quốc gia lân cận. Do đó, việc sửa luật và ban hành Danh mục các loài được phép gây nuôi sinh sản vì mục đích thương mại sẽ là giải pháp nhanh chóng và hữu hiệu giúp loại bỏ tình trạng này.
Việt Nam nằm trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới. (Nguồn: moitruong.net)

Những cá thể rùa núi viền chết trong môi trường nuôi nhốt

Theo thông tin từ Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), loài rùa núi viền có tên khoa học là Manouria impressa thuộc chi Manouria, là một chi rùa trong họ rùa cạn hay họ rùa núi -

Testudinidae, là một trong số các loài rùa cạn đẹp nhất, vì chúng có mai và da màu nâu vàng, xung quanh viền mai có những gai hình răng cưa nhọn và hơi cong lên. Rùa núi viền tuy hiện nay chưa được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật, nhưng đang còn số lượng rất ít trong tự nhiên (loài rùa núi viền được đưa vào danh sách những loài động vật bị đe dọa của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) năm 2000).

Theo các quy định hiện hành của pháp luật, loài này vẫn được phép kinh doanh nếu bảo đảm nguồn gốc hợp pháp và điều này là chưa đủ để bảo vệ được rùa núi viền. Bởi, rùa núi viền không sống tốt trong điều kiện nuôi nhốt. Chúng rất nhạy cảm với môi trường và có chế độ ăn đặc biệt, dễ bị căng thẳng nên hầu hết các cá thể đều sẽ chết trong môi trường nuôi nhốt trong vài tháng thậm chí là ở các trung tâm cứu hộ và loài này cũng không sinh sản trong môi trường nuôi nhốt.

Thực tế hiện nay cho thấy, vì theo các quy định hiện hành của pháp luật, rùa núi viền được phép kinh doanh nếu bảo đảm nguồn gốc hợp pháp nên tại một số địa phương, các cơ quan chức năng đã và đang cấp phép cho một số cơ sở nuôi thương mại “nhân giống và kinh doanh” loài này. Tuy nhiên, với những đặc tính trên, theo ENV, hầu hết các cá thể rùa núi viền được buôn bán trên thị trường đều có nguồn gốc từ tự nhiên, các giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của chúng từ cơ sở nuôi (nếu có) nhiều khả năng là giả mạo.

Do đó, cơ quan chức năng cần tịch thu ngay khi phát hiện rùa núi viền; tham vấn ý kiến các chuyên gia tại Trung tâm Bảo tồn Rùa -Vườn Quốc gia Cúc Phương, Trung tâm cứu hộ ĐVHD Hà Nội hoặc Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật để bảo quản và xử lý các cá thể đã thu giữ. Ở góc độ pháp luật cần sớm xem xét thêm rùa núi viền vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ để nâng cấp mức độ bảo vệ loài này và không cấp phép cho các cơ sở đăng ký nuôi thương mại loài này, theo ENV.

Câu chuyện về rùa núi viền chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy, với cơ chế pháp lý hiện tại, lực lượng kiểm lâm gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định các cá thể ĐVHD tại các cơ sở có nguồn gốc hợp pháp hay bất hợp pháp (từ tự nhiên). Do đó, việc ban hành “Danh mục các loài được phép gây nuôi sinh sản vì mục đích thương mại” sẽ là giải pháp nhanh chóng và hữu hiệu giúp loại bỏ tình trạng sử dụng các cơ sở được cấp phép để “nhập lậu”, tiến hành các hoạt động buôn bán bất hợp pháp các loài bị đe dọa trên toàn cầu và các loài nguy cấp khác.

Rùa núi viền thuộc nhóm động vật bị đe dọa có nguy cơ tuyệt chủng. (Ảnh: KBTNHB)

Sửa luật để bảo vệ đa dạng sinh học

Trong hệ thống pháp luật liên quan đến ĐVHD, Nghị định 06/2019/NĐ-CP ban hành ngày 22/01/2019 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định các cơ sở chỉ được nuôi những loài ĐVHD “có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát” được liệt kê trong “Danh mục các loài có khả năng gây nuôi sinh sản vì mục đích thương mại”.

Cũng cần nói thêm rằng, việc yêu cầu chủ cơ sở nuôi chỉ được đăng ký nuôi những loài ĐVHD được Cơ quan Khoa học CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp) Việt Nam xác nhận không phải là một quy định mới. Nghị định 82/2006/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 98/2011/NĐ-CP) đã quy định việc nuôi thương mại một loài chỉ có thể được thực hiện nếu có xác nhận bằng văn bản của Cơ quan Khoa học CITES Việt Nam về việc loài đó có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát (trong trường hợp nuôi sinh sản), hoặc hoạt động nuôi sinh trưởng không ảnh hưởng tới công tác bảo tồn loài đó trong tự nhiên. Nghị định 06 sau đó đã kế thừa và củng cố quy định này.

Tuy nhiên, Nghị định 84/2021/ NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 06 đã loại bỏ quy định này. Theo quan điểm của ENV, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 06 lần tới đây là cơ hội hiếm hoi để khôi phục quy định vô cùng quan trọng này. Bởi, việc ban hành danh mục các loài được phép gây nuôi sinh sản vì mục đích thương mại sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, giúp cơ quan chức năng tại các tỉnh thành quản lý hiệu quả hơn khoảng 7.500 cơ sở nuôi thương mại ĐVHD hiện đang hoạt động ở Việt Nam. Quy định này cũng sẽ hạn chế được tình trạng nhập lậu và hợp pháp hóa ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp tại các cơ sở, đặc biệt là đối với các loài nguy cấp, bên cạnh đó tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, giúp các cơ quan chức năng có thể kiểm tra, giám sát hiệu quả những cơ sở nuôi ĐVHD.

“Việc sửa đổi Nghị định 06 lần tiếp theo cần kế thừa các quy định về việc ban hành danh mục các loài được phép gây nuôi sinh sản vì mục đích thương mại và ban hành đồng thời danh mục này trong Nghị định mới. Việc ban hành danh mục loài ĐVHD được phép nuôi thương mại có thể tăng cường hiệu quả quản lý nuôi ĐVHD ở Việt Nam, thúc đẩy công tác bảo tồn ĐVHD, đồng thời giúp các cơ sở nuôi hoạt động hợp pháp, có lợi nhuận mà không gây tổn hại đến đa dạng sinh học của đất nước”, theo ENV.

Việc ban hành danh mục các loài được phép gây nuôi sinh sản vì mục đích thương mại sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng. (Nguồn: VGP)

“Gậy pháp lý” hỗ trợ lực lượng kiểm lâm và chủ nuôi

Sở dĩ gọi việc ban hành Danh mục ĐVHD được phép nuôi thương mại là “gậy pháp lý” giúp lực lượng kiểm lâm, bởi thay vì phải yêu cầu Cơ quan Khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản mỗi khi một cơ sở đăng ký nuôi loài ĐVHD mới thuộc các lớp thú, chim, bò sát, lưỡng cư, cơ quan kiểm lâm chỉ cần đối chiếu và bảo đảm loài dự kiến đăng ký nằm trong Danh mục các loài có khả năng gây nuôi sinh sản vì mục đích thương mại. Về phần mình, Cơ quan Khoa học CITES Việt Nam chỉ cần tư vấn công bố Danh mục loài ĐVHD được phép nuôi thương mại và cập nhật khi cần thiết mà không phải phản hồi đối với từng yêu cầu cấp phép từ địa phương.

Thực tế đã và đang cho thấy, các cơ sở nuôi thương mại có đăng ký hiện đang được phép nuôi thương mại ít nhất 39 loài bị đe dọa trên toàn cầu. Tuy nhiên, rất nhiều cá thể ĐVHD được nuôi tại các cơ sở có nguồn gốc từ tự nhiên và được hợp pháp hóa tại các cơ sở rồi bán ra thị trường. Đây là một mối đe doạ lớn đối với đa dạng sinh học của Việt Nam và các quốc gia lân cận.

Do đó, việc ban hành Danh mục các loài được phép gây nuôi sinh sản vì mục đích thương mại không những là giải pháp nhanh chóng và hữu hiệu giúp loại bỏ tình trạng sử dụng các cơ sở được cấp phép để “nhập lậu”, tiến hành các hoạt động buôn bán bất hợp pháp các loài bị đe dọa trên toàn cầu và các loài nguy cấp khác, mà còn giúp cho quá trình kiểm tra các cơ sở nuôi cũng khả thi và hiệu quả hơn vì chỉ cần bảo đảm các cá thể ĐVHD được nuôi tại các cơ sở đều nằm trong danh mục này.

Hiện nay, phần lớn các chủ cơ sở nuôi đều không biết rõ loài ĐVHD nào được phép nuôi thương mại. Do đó, nếu các chủ cơ sở đã đầu tư cho hoạt động nuôi một loài mà sau này không được Cơ quan Khoa học CITES Việt Nam xác nhận do ảnh hưởng bất lợi của hoạt động nuôi đến quần thể loài đó trong tự nhiên họ hoàn toàn có thể mất khoản vốn đầu tư hoặc cơ quan chức năng không thể có giải pháp xử lý thích hợp các trường hợp này. Vì lẽ đó, Danh mục các loài được phép gây nuôi sinh sản vì mục đích thương mạisẽ loại bỏ được rủi ro này. Các chủ cơ sở có thể dựa vào danh mục này để làm căn cứ lựa chọn những loài ĐVHD phù hợp để tập trung đầu tư nuôi. Ngoài ra, đồng thời với việc ban hành Danh mục này, các cơ quan Nhà nước cũng có thể đơn giản hóa quy trình đăng ký cũng như ban hành hướng dẫn phương pháp nuôi đối với các loài được liệt kê trong Danh mục.

Có thể nói, việc ban hành Danh mục các loài được phép gây nuôi sinh sản vì mục đích thương mại sẽ loại bỏ tình trạng các đối tượng sử dụng vỏ bọc hợp pháp để “hợp thức hóa” ĐVHD bị khai thác trái phép từ tự nhiên. Cùng với đó, nếu Danh mục các loài được phép gây nuôi sinh sản vì mục đích thương mại được ban hành, các cơ sở nuôi ĐVHD tuân thủ theo đúng pháp luật sẽ có cơ hội phát triển mạnh.

Đọc thêm