Nhìn từ ngành dầu khí
Tại buổi tọa đàm “Hoạt động quan hệ cổ đông (IR) DN ngành Dầu khí” hôm 5/3, ông Lê Công Điền - Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, hoạt động kinh doanh của các DN ngành Dầu khí được đánh giá là khả quan - thông qua một số kết quả, như: doanh thu thuần cả năm 2018 so với năm trước tăng 16,3%, lợi nhuận sau thuế tăng 17,6%, chỉ tiêu sinh lời ROA tăng nhẹ (1,22%), chỉ tiêu sinh lời ROE tăng 3,98%, tổng tài sản của nhóm ngành khai khoáng, dầu khí tại thời điểm cuối năm 2018 tăng 2% so với năm 2017…
Dựa trên thống kê của UBCKNN về tình hình công bố thông tin của 21 DN ngành Dầu khí niêm yết trên cả 2 Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM và Hà Nội cho thấy hoạt động báo cáo và công bố thông tin đã được phần lớn các DN ngành Dầu khí chú trọng và thực hiện theo đúng quy định.
Về phía Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), ông Đinh Văn Sơn – Thành viên Hội đồng thành viên cho biết, đầu năm 2018 vừa qua, PVN đã cổ phần hóa thành công 3 DN lớn là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oii) và Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) gây tiếng vang lớn trên thị trường cũng như nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước.
Cũng theo ông Sơn, từ năm 2012 đến nay, PVN đã đưa vào vận hành bộ chỉ số PVN Index, chỉ số chứng khoán ngành bao gồm rất nhiều cổ phiếu của các DN dầu khí hàng đầu, như PVGas, PVS, PVD, DPM, PVI… và trong thời gian tới cũng sẽ có sự tham gia của các cổ phiếu dầu khí lớn khác như PVOil, PVPower, BSR…
“Thông qua hoạt động vận hành bộ chỉ số ngành, PVN Index, mối quan hệ giữa PVN, các DN dầu khí và NĐT, tổ chức lớn quốc tế sẽ được cải thiện hơn, nhất là trong bối cảnh nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2020-2022, tỷ trọng giải ngân của các quỹ ngoại sẽ gia tăng mạnh không chỉ vào các cổ phiếu đầu ngành, các nhóm ngành ngân hàng, bảo hiểm, dược phẩm, tiêu dùng và cả các cố phiếu của DN ngành Dầu khí…”- Ông Sơn khẳng định.
Đại diện PVN cho biết, hiện có một số DN trong ngành khá chú trọng vào các hoạt động IR, tổ chức các sự kiện kết nối nâng cao vị thế DN cũng như giải đáp kịp thời các câu hỏi thắc mắc từ phía các NĐT như: Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí Phú Mỹ (PVFCCo), Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí Cà Mau (PVCFC), hay 3 DN vừa cổ phần hóa là PVOil, BSR và PVPower.
Tuy nhiên, ông Sơn thừa nhận nhiều đơn vị vẫn chưa thực sự làm tốt công tác IR, hoạt động IR mà các DN dầu khí hiện nay nhìn chung chưa được thực hiện một cách chuyên nghiệp, cách thức triển khai hoạt động chưa đồng đều nhất quán. “Đây cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên...” - Ông Sơn chia sẻ.
Được nhắc đến là một trong số DN làm tốt công tác IR, đại diện PVPower, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Tổng giám đốc chia sẻ rằng DN chưa áp dụng nhiều về mặt lý thuyết. Tất cả những gì PV Power làm là thực hiện đúng công tác IR của UBCKNN và sự minh bạch xuyên suốt với NĐT, cổ đông và các thành viên thị trường …
Phải có sự đầu tư đúng mức
Thực tế, theo ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, nhiều DN gặp khó khăn trong việc tổ chức công tác IR. Cụ thể, phần lớn IR được tổ chức chưa chuyên nghiệp, hầu hết hoạt động IR là bị động, chủ yếu là công bố thông tin theo luật định; hoạt động IR chỉ diễn ra tại Đại hội cổ đông, còn thiếu vắng các hoạt động với NĐT giữa 2 kỳ đại hội; Ban Giám đốc quá bận rộn và không thể dành nhiều thời gian cho IR; thông tin trên trang Web có mục IR, nhưng vẫn chưa cập nhật thường xuyên.
Ngoài ra, DN gặp khó khăn khi tiếp NĐT nước ngoài do thiếu người vừa hiểu DN vừa có khả giao tiếp bằng ngoại ngữ; văn hóa đối thoại và cách hành xử công bằng trong việc cung cấp thông tin tới cổ đông, NĐT chưa được coi trọng.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc LeBros chỉ ra nguyên nhân quan trọng của tình trạng trên là các DN chưa hiểu rõ bản chất của công tác IS. Theo ông Vinh, IR là hoạt động PR chiến lược gắn liền với quản trị, tích hợp hoạt động tài chính, truyền thông, tiếp thị, phù hợp với các Luật đầu tư, DN, chứng khoán, tài chính, nhằm đảm bảo quan hệ hiệu quả, bền vững, đa chiều giữa DN, cổ đông, NĐT, nhà tài trợ, trung gian tài chính, giúp cho cộng đồng đầu tư đánh giá đúng về giá trị DN.
6 mảng chính của hoạt động IR là Thuyết minh với NĐT, quản trị thông tin với cổ đông, quản trị thông tin qua các công ty môi giới, tổ chức các hội nghị cổ đông, báo cáo thường niên và cung cấp thông tin qua báo chí. Các keyword để xây dựng truyền thông bền vững là chính trực, minh bạch và nhân văn. Đây là nền tảng tạo ra niềm tin cho các DN niêm yết.
“Nhìn ở một góc độ, thì IR là một phần của PR, với đối tượng là cổ đông, NĐT tiềm năng. Yếu tố then chốt và quan trọng nhất của công tác IR là niềm tin. Có niềm tin, NĐT sẽ đồng hành cùng DN kể cả lúc khó khăn…” - Ông Vinh nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Dragon Capital cũng cho rằng: “Mua lòng tin không được, xây dựng lòng tin rất khó, giữ lòng tin còn khó hơn. Theo ông, trách nhiệm IR không chỉ là trách nhiệm của nhân viên IR mà đòi hỏi cả ban giám đốc và HĐQT phải có sự đầu tư đúng mức”. “Quản trị phải hướng tới đại chúng, nếu không được hỗ trợ đúng mức, sức ép sẽ rất lớn” - Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Dragon Capital nhấn mạnh.
Khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển IR, đại diện Dragon Capital nhấn mạnh cam kết phát triển IR sẽ giúp xây dựng lòng tin, giúp thu hút các NĐT, các nguồn vốn tốt và dài hạn; cải thiện và tăng tính thanh khoản; phản ánh đúng, xác định đúng giá trị thực của công ty, ngăn ngừa rủi ro và kiểm soát tốt khủng hoảng.
“Thay đổi tư duy, xây dựng và thúc đẩy văn hóa minh bạch, đối thoại cởi mở là một thách thức lớn đối với các nhà quản lý trong quá trình chuyển đổi”, ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital khẳng định.