Hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng đi vào chiều sâu

(PLVN) -Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong những hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta, giúp người nghèo, đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế tiếp cận pháp luật và công lý. Sau một chặng đường “phủ sóng” rộng khắp, hoạt động này hiện nay đã đi vào chiều sâu theo hướng trọng tâm là thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng.

Xã hội hóa mạnh hoạt động TGPL

Quán triệt chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ chủ trì xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật TGPL từ năm 2006. Luật 2006 đã tạo cơ chế từng bước thực hiện xã hội hóa hoạt động TGPL, huy động các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện TGPL và hỗ trợ phát triển các hoạt động TGPL. 

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động TGPL, Luật TGPL năm 2017 do Bộ Tư pháp giúp Chính phủ chủ trì xây dựng, đã được Quốc hội khóa XIV thông qua. Trong đó, tạo cơ chế đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động TGPL, huy động tối đa những người có kiến thức thực tiễn, đã có kinh nghiệm pháp luật và có điều kiện tham gia hoạt động TGPL; quy định cụ thể các loại công việc, hình thức TGPL mà mỗi chủ thể tham gia TGPL được thực hiện; quy định rõ tiêu chí đối với các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động TGPL…

Về thể chế, các văn bản hướng dẫn công tác TGPL cũng được xây dựng khá đầy đủ với 1 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 8 Thông tư liên tịch, 8 Thông tư của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp cũng đã chủ động trình Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 – 2025 nhằm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa và đổi mới cơ chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực TGPL.

Theo Luật 2017, diện người được TGPL mở rộng từ 6 lên 14 nhóm (ước tính chiếm khoảng 45% dân số cả nước) đã thể hiện đúng bản chất của TGPL là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, lấy người được TGPL làm trung tâm, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân và bảo đảm nguyên tắc tranh tụng theo Nghị quyết số 49-NQ/TW. Đồng thời, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng về vị trí, vai trò của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi trong các vụ việc tố tụng cũng như hỗ trợ tích cực cho công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, bảo đảm giải quyết vụ án khách quan, công bằng, đúng pháp luật, góp phần thực hiện cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng trong Chiến lược cải cách tư pháp  

Hệ thống tổ chức, nhân sự làm công tác TGPL được tổ chức rộng khắp các vùng miền trong cả nước và ngày càng được kiện toàn theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Luật TGPL 2017, Đề án đổi mới công tác TGPL đã tạo bước chuyển biến quan trọng nhằm phát triển bền vững, nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL làm trung tâm, công tác TGPL ngày càng đi vào chiều sâu. 

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã rà soát, đánh giá hiệu quả và tổ chức lại các chi nhánh, câu lạc bộ TGPL. Cả nước hiện có 63 Trung tâm TGPL nhà nước với 145 Chi nhánh và 645 trợ giúp viên pháp lý, 725 luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm, 195 tổ chức tham gia TGPL.

Chú trọng các vụ việc tham gia tố tụng

Đáng chú ý, hoạt động TGPL ngày càng được đổi mới theo hướng tập trung vào hoạt động tố tụng. Số lượng các vụ việc tham gia tố tụng ngày càng tăng, nhiều luận cứ bảo chữa, bảo vệ quyền và lợi ích của người thực hiện TGPL đã được ghi nhận tại các bản án và có nhiều trường hợp mức phạt Tòa tuyên thấp hơn so với mức phạt khi khởi tố hoặc được chuyển khung hình phạt nhẹ hơn… Cụ thể, số vụ việ tham gia tố tụng năm 2016 là 7.807 vụ việc; năm 2017 được 10.058 vụ việc (tăng 28,8% so với năm 2016). Năm 2018 là 11.860 vụ việc (tăng 17,9% so với năm 2017 và tăng 51,9% so với năm 2016). Nhờ vậy, đã giải quyết kịp thời, có chất lượng cho nhu cầu TGPL của người thuộc diện được TGPL trên toàn quốc. 

Tuy nhiên, hoạt động TGPL đang đối mặt với một số rào cản. Trong đó phải kể đến việc tiếp cận và sử dụng TGPL của người dân còn hạn chế do trình độ dân trí còn thấp, nhiều người không biết chữ và không nghe hoặc nói được tiếng Việt ở một số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa; phương thức truyền thông về TGPL có chỗ chưa phù hợp nên người dân chưa biết đến TGPL; mạng lưới tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL ở một số địa phương còn mỏng. Ngoài ra, kinh phí hoạt động của một số Trung tâm TGPL nhà nước còn ít và thiếu các trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động TGPL; sự phối hợp giữa tổ chức thực hiện TGPL và một số cơ quan, tổ chức chưa thật hiệu quả hoặc ở chừng mực nhất định…

Bởi thế, bên cạnh các giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng, các giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận của người được TGPL thì rất cần chú trọng các giải pháp bảo đảm điều kiện nâng cao chất lượng TGPL. Theo đó, cần nghiên cứu, xây dựng hoặc sửa đổi một số quy định để bảo đảm chế độ, chính sách cho người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL như cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc TGPL; chế độ khen thưởng cho người/tổ chức thực hiện TGPL làm được nhiều vụ việc hiệu quả… 

Đọc thêm