Học cách tự phòng bệnh Ung thư đường tiêu hóa

(PLO) -  Ths.BS Phạm Văn Nhân - Giảng viên Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ điều trị khoa ngoại tổng hợp bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho biết mỗi người có thể bảo vệ hệ tiêu hoá của mình bằng những việc hết sức đơn giản.
BS Nhân tư vấn về ung thư đường tiêu hoá
BS Nhân tư vấn về ung thư đường tiêu hoá

Tuy nhiên, phẫu thuật là biện pháp ưu tiên hàng đầu, thực hiện càng sớm càng đạt kết quả thành công cao đối với bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa (UTĐTH). Trong phẫu thuật, có thể mổ hở hoặc mổ nội soi. Hiện nay mổ nội soi được thực hiện phổ biến, mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân như: Ít gây tổn thương, nhanh bình phục.

Đối với các khối u ở giai đoạn quá trễ có thể bắt buộc phải mổ hở. Sau khi cắt bỏ khối u, nạo sạch hạch ác tính, bác sĩ sẽ thiết lập lại lưu thông đường tiêu hoá đã được cắt bỏ (nối ruột, dạ dày, đại tràng…). Kế tiếp là hoá trị và xạ trị được sử dụng điều trị hỗ trợ. Ngày trước hoá trị và xạ trị chỉ áp dụng sau khi phẫu thuật còn bây giờ có thể áp dụng cả trước và sau phẫu thuật. Xạ trị và hoá trị còn áp dụng điều trị cho những bệnh nhân ở giai đoạn trễ không thể mổ triệt để được và điều trị ung thư tái phát, di căn.
Ngoài ra còn có các phương pháp điều trị nội khoa nâng đỡ. Tức là tập trung điều trị biến chứng, điều chỉnh các rối loạn chức năng các cơ quan, sử dụng thuốc và các chế phẩm sinh học nhằm tăng cường sức đề kháng cơ thể.
Ngày nay với tiến bộ của ngành sinh học phân tử, y học đang dần phổ biến phương pháp “nhắm trúng đích”. Phương pháp này hiểu khái quát rằng việc dùng thuốc đặc trị để điều chỉnh các nguyên nhân sinh ung ở mức độ phân tử, có nhiều triển vọng, tuy nhiên hiện chỉ mới áp dụng được cho một số loại ung thư với số lượng còn hạn chế. Biến chứng thường gặp ở bệnh nhân UTĐTH là tắc nghẽn đường tiêu hoá, xuất huyết tiêu hoá hay thủng đường tiêu hóa. Tỉ lệ di căn của loại ung thư này khá cao.
Theo BS Nhân, có nhiều yếu tố nguy cơ gây UTĐTH nhưng có thể nhận thấy nhóm yếu tố do chủ quan chiếm đa số. Lạm dụng thuốc lá, rượu bia, ăn thực phẩm nhiễm độc, sống ở khu vực ô nhiễm là những điều mà con người có thể hạn chế được.
Để phòng ngừa bệnh, BS Nhân khuyên mọi người nên “ăn chín uống sôi”, thạn chế tối đa thực phẩm nhiễm độc, thực phẩm có các chất phụ gia cũng như thức ăn lên men, thức ăn để qua nhiều ngày: “Cải tạo môi trường sống xung quanh trong sạch, dùng nước sạch sẽ góp phần ngừa ung thư đường tiêu hoá. Để dễ hiểu, mọi người hãy chiếu theo các yếu tố nguy cơ rồi loại bỏ”, BS Nhân nói.
Điều cần thiết nữa là mỗi người nên kiểm tra sức khoẻ định kì, nhất là người hay mắc các bệnh về đường tiêu hoá. Hiện nay với tiến bộ của y học, chỉ mất vài giờ đồng hồ có thể phát hiện bị ung thư hay không qua các xét nghiệm nhanh. Còn khi đã được xác định bị ung thư, BS Nhân khuyên người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị, áp dụng điều trị kết hợp đa phương pháp.
Ngoài ra mỗi người có thể bảo vệ hệ tiêu hoá của mình bằng những việc hết sức đơn giản như: Ăn uống đúng giờ, ăn thực phẩm tươi, không lạm dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm. Phương pháp được đề cập nhiều trong thời gian qua là tầm soát ung thư. Tuy nhiên theo BS Nhân, cũng còn khó trong thực hiện bởi không phải ai cũng có điều kiện, thời gian và đủ nhận thức để đi tầm soát. Do đó chiến lược tầm soát nên được bắt đầu từ các bác sĩ tuyến cơ sở, đánh giá nguy cơ từng cá nhân cụ thể.

Đọc thêm