Vợ chồng lập di chúc chung có đảm bảo công bằng?

(PLO) - Chế định di chúc chung của vợ, chồng trong Bộ luật Dân sự được kiến tạo trên cơ sở truyền thống coi trọng đạo nghĩa vợ chồng trong đời sống và luật pháp ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi áp dụng vào cuộc sống, chế định này đã bộc lộ nhiều sự phức tạp, phiền toái...
Vợ chồng lập di chúc chung có đảm bảo công bằng?
“Phá vỡ” nhiều nguyên tắc cơ bản của di chúc
Điều 646 BLDS 2005 quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Như vậy, di chúc thể hiện ý chí của cá nhân, của một chủ thể trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, minh mẫn, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép khi lập di chúc. 
Thế nhưng, có vẻ như nguyên tắc trên đã bị “phá vỡ” khi tại Điều 663 BLDS 2005 quy định: “Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”. Khi vợ, chồng cùng lập di chúc chung thì ý chí cá nhân thể hiện trong di chúc có thể sẽ không còn trung thực và khách quan nữa. Chưa kể di chúc chung của vợ, chồng không đảm bảo được đầy đủ các quy định của BLDS về mặt hình thức. 
Nếu vợ, chồng cùng nhau lập di chúc miệng thì di chúc đó sẽ khó có thể phản ánh đầy đủ, trung thực và khách quan nhất ý chí của mỗi người vì việc lập di chúc miệng có thể dẫn đến việc một bên tự quyết định nội dung di chúc theo ý muốn chủ quan của mình.
Hơn nữa, khi lập di chúc miệng, hai người không thể cùng đồng thời phát biểu ý chí của mình. Điều này là không khách quan và vi phạm nguyên tắc về lập di chúc, ý chí của người để lại di chúc không được thể hiện một cách trực tiếp.
Đối với di chúc viết không có người làm chứng, khi lập di chúc thì người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc. Về mặt logic thì hai vợ chồng không thể cùng một lúc viết cùng một nội dung trên tờ di chúc mà phải từng người viết rồi ký tên hoặc điểm chỉ vào bản di chúc đó.
Tôi cho rằng, nếu một người viết rồi người còn lại chỉ việc ký tên/ điểm chỉ thì sẽ không khách quan, không đảm bảo thủ tục lập di chúc viết tay, dễ giả mạo chữ ký, không đảm bảo nguyên tắc di chúc viết tay phải được viết trực tiếp bằng chữ viết tay. 
Bên cạnh đó, bất cập nữa là di chúc chung không thể định đoạt được tài sản riêng của vợ, chồng. Nếu vợ, chồng vừa có tài sản chung, vừa có tài sản riêng mà họ lại muốn định đoạt trong cùng một di chúc thì sẽ phải xử lý như thế nào? Hiệu lực của di chúc chung được xác định như thế nào, phần di chúc định đoạt tài sản riêng có phải là một di chúc riêng? Sau khi một bên vợ hoặc chồng chết thì phần di chúc liên quan đến tài sản riêng có hiệu lực hay chưa? 
Di chúc chung - lợi bất cập hại?
Mỗi cá nhân có thể có nhiều tài sản, bao gồm cả tài sản chung và tài sản riêng. Nếu xác định di chúc chung vợ, chồng chỉ có hiệu lực vào thời điểm “người sau cùng chết” hoặc thời điểm “vợ, chồng cùng chết” thì việc chia thừa kế sẽ rất phức tạp, vì sẽ xảy ra ít nhất hai lần chia thừa kế: lần thứ nhất là chia thừa kế khối tài sản riêng, lần thứ hai là chia thừa kế với khối tài sản chung, gây phiền toái cho người thừa kế và khó khăn cho tòa án khi giải quyết tranh chấp.
Với di chúc chung của vợ, chồng thì quyền sửa đổi, bổ sung di chúc bị hạn chế bởi Điều 664 BLDS quy định: “Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của bên kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”.
Việc phụ thuộc ý chí của một bên như vậy đã xâm phạm quyền tự do định đoạt tài sản của người lập di chúc, xâm phạm tới những lợi ích chính đáng của cá nhân khi cấm họ đưa ra những quyết định cá nhân nhằm bảo đảm lợi ích cho mình.
Pháp luật quy định di chúc chung chỉ có hiệu lực khi vợ, chồng đều đã qua đời đã khiến quyền lợi của người được hưởng thừa kế bị “treo gác” một cách vô lý. Hiện nay thời hiệu khởi kiện thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Nếu hết 10 năm mà người kia vẫn còn sống thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đối với phần di sản của người chết trước cũng không còn.
Trong trường hợp đó, nếu nội dung của di chúc chung vi phạm pháp luật, có dấu hiệu lừa dối, giả mạo… mà người thừa kế không biết để khởi kiện kịp thời (do chưa công bố), đến khi người sau cùng chết mà thời hiệu khởi kiện không còn thì quyền lợi của người thừa kế sẽ được pháp luật bảo vệ như thế nào cũng chưa được quy định rõ.
Nên bổ sung quy định về các trường hợp cấm lập 
di chúc chung 
Di chúc vốn là một loại giao dịch pháp lý đơn phương và không mang tính chất đền bù. Tuy nhiên, việc cho phép vợ, chồng lập di chúc chung để thừa kế lẫn nhau đã biến loại giao dịch này thành giao dịch pháp lý song phương mà mang tính chất có đền bù, làm thay đổi bản chất pháp lý của di chúc. BLDS 2005 cần quy định cấm vợ, chồng lập di chúc chung thừa kế lẫn nhau trong trường hợp phát hiện vợ, chồng thông đồng lập di chúc giả tạo để che đậy những hành vi trái pháp luật; hoặc các bên lừa dối, giả mạo di chúc để trục lợi… Đồng thời cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về hình thức của di chúc chung vợ, chồng chứ không thể áp dụng giống như di chúc của cá nhân.

Đọc thêm