Người lớn cũng bị hóc dị vật
Bệnh nhân Đ.V.T (47 tuổi, Nghĩa Hưng, Nam Định) đến khám tại phòng khám Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai ngày trong tình trạng ho kéo dài, đau ngực bên phải. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị giãn phế quản, theo dõi dị vật đáy phế quản phải. Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân được tiến hành nội soi phế quản gây mê gắp ra dị vật là một hạt hồng xiêm và có nhiều dịch mủ đục phía dưới chỗ tắc.
Sau khi lấy dị vật ra khỏi đường thở, bệnh nhân hết ho, cảm thấy dễ chịu và dễ thở. |
Trước đó, ngày 22/02/2017, Trung tâm Hô hấp cũng phát hiện và gắp thành công một viên thuốc con nhộng còn nguyên vỏ nhôm từ phế quản gốc bên phải của một bệnh nhân nam 67 tuổi đến từ xã Vũ Phúc, TP. Thái Bình.
Theo hồ sơ bệnh án, ngày 22/02/2017, bệnh nhân H.V.H (67 tuổi, TP. Thái Bình) được nhập viện trong tình trạng ho kéo dài, đã đi khám và điều trị một số nơi nhưng không đỡ. Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp và dựa vào kết quả phim chụp, các bác sĩ của Trung tâm Hô hấp phát hiện có một dị vật ở phế quản gốc bên phải. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định nội soi gây mê lấy dị vật.
Sau khoảng 20 phút, các bác sĩ đã gắp được một viên thuốc comazil (là một loại thuốc chữa cảm cúm) còn nguyên vỏ nhôm từ phế quản gốc bên phải của bệnh nhân.
Theo PGS.TS.BS. Vũ Văn Giáp - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, đây là một trường hợp khá hy hữu bởi dị vật mà các bác sĩ lấy ra được là một viên thuốc con nhộng còn nguyên vỏ nhôm bên ngoài rất sắc nhọn nên có nguy cơ gây tổn thương và viêm phế quản, viêm phổi rất cao.
Hạt hồng xiêm lấy ra từ phế quản bệnh nhân. |
Theo người nhà bệnh nhân kể, trước đây khoảng 1 tháng, bệnh nhân bị ho nên đã tự ra hiệu thuốc mua thuốc về uống. Được cô “dược sĩ” bán cho khoảng 20 viên mỗi liều cho riêng vào 1 túi nên khi uống bệnh nhân đã cho cả vốc thuốc đó vào miệng mà quên không kiểm tra thuốc đã bóc vỏ hay chưa.
Sau khi uống, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng của hội chứng xâm nhập: ho sặc sụa, khó thở..., sau đó vài ngày có sốt nhẹ. Bệnh nhân đã đi khám ở một vài phòng khám nhưng không phát hiện ra nguyên nhân.
“Thật may mắn khi ông nhà tôi gặp được các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã tìm thấy và lấy được viên “thuốc ho” nhưng đã làm ông ấy ho cả tháng nay. Ngay sau khi lấy được dị vật, ông nhà tôi đã hết ho hoàn toàn, cảm thấy dễ chịu và không còn khó thở nữa”, bà V.T. H. - vợ bệnh nhân phấn khởi cho biết.
Lời khuyên của thầy thuốc
Từ hai trường hợp bệnh nhân trên, GS.TS. Ngô Quý Châu - Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: Người dân không nên tự ý mua thuốc về uống và chỉ uống thuốc theo đơn có hướng dẫn của bác sĩ;
Khi uống thuốc, bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn và kiểm tra đơn thuốc xem đã uống đúng liều lượng, đúng thời gian, đúng loại thuốc và cách sử dụng...Đặc biệt, người bệnh cần uống từ từ để chắc chắn đã bóc hết vỏ nhựa, vỏ nhôm để tránh những trường hợp đáng tiếc như trên.
Với những bệnh nhân bị sặc hoặc hóc dị vật, cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra và xử lý kịp thời, tránh các biến chứng có thể xảy ra như: rách, xước đường thở, đường tiêu hóa, gây nhiễm trùng, áp-xe…
Đối với những trường hợp hóc dị vật là những vật sắc nhọn, đã được nuốt sâu vào trong phế quản, các bác sĩ cũng khuyến cáo không được sử dụng thủ thuật Heimlich hoặc gây nôn vì sẽ gây tổn thương thêm (chỉ áp dụng đối với trường hợp hóc dị vật là những vật tròn, nhỏ, không sắc cạnh và chưa đi sâu vào trong phế quản).