Trong tháng 3 – 4/2013, liên tục 3 học sinh tại tỉnh Hà Tĩnh, địa phương nổi tiếng hiếu học, tự tử. Đáng nói là trong khi nguyên nhân của những cái chết đau lòng trên được cho là xuất phát từ cách ứng xử chưa đúng mực của giáo viên nơi các em theo học, thì lãnh đạo Sở GD& ĐT tỉnh này lại cố tình lảng tránh...
|
Cây cầu nơi em Trang tự vẫn. |
Những cái chết đau lòng
Khoảng 16h ngày 12/4, em Lê Văn V. (SN 1998, trú xóm 6, xã Thạch Châu, Lộc Hà, là học sinh lớp 9 trường THCS Mỹ Châu) đã nhảy cầu Hộ Độ (huyện Lộc Hà) tự vẫn. Nguyên nhân được một số học sinh kể lại, mấy ngày trước V. đi học, do vi phạm kỉ luật nên bị cô giáo ghi tên vào sổ đầu bài, sau đó em này tự ý lên tẩy xóa.
Một số thông tin từ nhiều học sinh cho biết, khi phát hiện thầy chủ nhiệm đã phạt V trực nhật 1 tuần, yêu cầu trực tiếp gặp giáo viên bộ môn hôm trước xin lỗi và nhờ sửa lại nội dung trong sổ, V. uất ức dẫn đến đi nhảy cầu.
Trước đó, khoảng 18h ngày 6/3, em Đinh Anh Tuấn, lớp 7D Trường THCS Cẩm Thạch (xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên) được phát hiện treo cổ chết ngay bên cửa sổ nhà mình. Gia đình đã làm đơn tố cáo rằng sáng 6/3, trong giờ ra chơi Tuấn làm đổ nước, bị cô Nhân phát hiện bắt lau sạch. Dù em đã lau rồi nhưng cùng lúc đó, cô Phó hiệu trưởng tên Huyền đi ngang qua thấy liền lấy giáo án đánh vào đầu và bắt em cởi áo ra lau.
Khi tan trường, cô Hiệu phó tiếp tục gọi em lại và tát vào mặt 3 cái. Từ những hành động và lời nói của cô này, Tuấn tìm đến cái chết. Vụ việc được 22 học sinh viết tường trình, ký tên xác nhận có việc cô Huyền bắt Tuấn cởi áo lau nhà và tát vào mặt. Còn cô Lê Thị Huyền – Phó hiệu trưởng (người bị tố cáo) cho rằng “chỉ cầm tờ rơi quảng cáo của ngân hàng quơ quơ” chứ không hề động đến người Tuấn?!.
Cũng trong tháng 3, vào 19h ngày 5/3, tại cầu Cửa Sót nối xã Thạch Đỉnh (Thạch Hà) với xã Hộ Độ (Lộc Hà), em Phạm Thị Huyền Trang (SN 1997, trú xóm 1, xã Thạch Bàn là HS lớp 11A1, trường THPT Nguyễn Trung Thiên) đã nhảy cầu tự vẫn.
Nguyên nhân được cho là do trước đó mấy ngày, Trang giữ chìa khóa phòng nhưng bị mất 19 chiếc ghế (loại ghế nhỏ ngồi chào cờ) nên thầy chủ nhiệm đã trách, bắt Trang làm kiểm điểm, bắt phụ huynh phải ký vào. Sau khi tâm sự với bạn bè về chuyện trên, Trang khóc và sau đó nhảy cầu.
Né tránh và vô cảm?
Điều đau lòng là cả Tuấn và Trang, V. đều là những HS có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã vươn lên học rất giỏi. Những cái chết xảy ra cách nhau không xa, khiến dư luận xôn xao và cần một lời giải thích từ ngành giáo dục của Hà Tĩnh.
Trao đổi với PLVN, ông Đặng Quốc Hiền - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên - cho rằng: "Để có một phương pháp xử trí những sự việc như trên là cả một vấn đề của nghiệp vụ sư phạm. Theo tôi, giáo dục học sinh mắc lỗi không nhất thiết phải phạt em đó làm cái này, cái kia. Chúng ta có thể có những phương pháp khác nhẹ nhàng hơn thấu đáo hơn, làm sao để các em hiểu và sửa chữa.
Và điều tối kỵ nhất đó là xúc phạm tới nhân phẩm, danh dự, thân thể của các em. Bởi tuổi của các em còn nhỏ, rất bồng bột, suy nghĩ chưa chín chắn chỉ cần một câu nói hay một hành động không vừa lòng của thầy cô có thể dẫn đến sự việc đáng tiếc.
Còn việc xử xý lỗi của các em thì điều đó phụ thuộc vào bản chất của sự việc như thế nào, nặng hay nhẹ, tính tình của em HS đó thế nào mà người giáo viên xử lý. Theo tôi để làm được điều này cũng là cả một “nghệ thuật”, phụ thuộc phần lớn vào khả năng của người giáo viên. Trước nhất là phải hiểu được tâm lý của HS bởi lứa tuổi phổ thông rất nhạy cảm, rồi phải nhìn vấn đề từ nhiều phía…".
Ông Lê Hữu Quyền - Hiệu trưởng Trường THCS Huy Nam Yên, Hà Tĩnh (ngôi trường được nhiều phụ huynh cho là có nhiều giáo viên tận tâm với nghề, với những phương pháp dạy hiệu quả, sáng tạo) chia sẻ: Là người quản lý ngôi trường vừa được sát nhập từ 3 trường của 3 xã, đóng trên 3 địa điểm khác nhau, tôi luôn tâm đắc và đề ra một phương pháp cho tập thể giáo viên nhà trường rằng: phương pháp giáo dục tốt nhất đối với các em HS đó chính là “tình yêu thương”.
Chiều 3/4, chúng tôi đến Sở GD&ĐT Hà Tĩnh liên hệ lãnh đạo để tìm hiểu một số phương pháp giáo dục thì được thông tin là tất cả đang bận họp. Điều “lạ” là mặc dù trong phòng làm việc của Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Trường “không có ai, cửa khóa bên ngoài” nhưng quạt vẫn quay, đèn vẫn sáng.
Ngày tiếp theo, chúng tôi tiếp tục tìm gặp ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở này thì ông Dũng cho biết bận không thể làm việc; chúng tôi được cán bộ văn phòng thông tin lại rằng một vị Phó Giám đốc đang đi công tác ở Hà Nội còn một Phó Giám đốc thì không phụ trách vấn đề trên.
Những ngày tiếp theo, chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông Dũng nhưng lạ thay vị này vẫn "điệp khúc" bận, bận rồi “im lặng”. Đến ngày 11/4, chúng tôi nỗ lực liên hệ thì được ông thông tin “đang đi công tác”, chúng tôi xin hẹn lịch gặp thì không được trả lời.
Với thái độ né tránh của lãnh đạo Sở mà nổi bật là ông Giám đốc Sở GD&ĐT, một người dân ngao ngán nói “quả là vô cảm, liệu tình trạng các em tìm đến cái chết có được chấm dứt?”.
PLVN tiếp tục thông tin về sự việc này.
Thầy Lê Hữu Quyền - Hiệu trưởng Trường THCS Huy Nam Yên, Hà Tĩnh: Trước một lỗi lầm của HS không nên quát mắng, tìm cách phạt, mà nên tìm một cách giải thích để các em hiều lỗi của mình. Nhiều em mắc lỗi nhưng sau khi được thầy cô yêu thương, chăm sóc, chỉ bảo sau đó lại trở thành những em học sinh chăm ngoan học giỏi. Mới đây trong trường tôi cũng có những em không học, lo chơi bời, vi phạm nội quy nhà trường, có em bỏ đi vào tận Vũng Tàu. Nhưng rồi với tình yêu thương học trò giáo viên chủ nhiệm của các em đã đưa các em trở lại trường thành những em chăm học, sau đó phụ huynh đã đến cảm ơn các thầy. Giáo dục các em là điều cần thiết nhưng nếu trong phương pháp thiếu “tình yêu thương học trò” thì khó có hiệu quả được. Có những người giáo viên sau khi về hưu, các em học trò từng được coi là “nghịch tặc” bị thầy “trị” nhưng vẫn không thể quên được thầy, quý mến thầy suốt đời, đó mới là thành công. Hạnh phúc của người làm giáo dục chính là sau lôi lầm của HS giúp các em nhận ra lỗi lầm, sửa chữa và trưởng thành… |
Phan Quyên