Ngày 13/12, Bộ GD&ĐT ban hành công văn về việc “Hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch COVID-19”.
Đối với hoạt động đánh giá định kỳ, Bộ GD&ĐT hướng dẫn chỉ thực hiện khi học sinh đã được học nội dung chương trình các môn học/hoạt động giáo dục tương ứng; đã được giáo viên tổ chức thực hiện đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập và được tổng hợp kết quả đánh giá tại các thời điểm theo quy định (giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học).
Các nhà trường có thể tổ chức đánh giá định kỳ linh hoạt vào các thời điểm phù hợp với từng đối tượng và điều kiện tổ chức dạy học thực tế tại địa phương.
Theo đó, đối với lớp 1, lớp 2, việc tổ chức bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp. Điều này nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh và tăng trách nhiệm quản lý của các cấp. Trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19, cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế và đảm bảo an toàn trong phòng dịch.
Cụ thể, nhà trường cần lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ; tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện. Các trường chia nhỏ số học sinh/lớp để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung “cốt lõi” trước khi thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với môn Toán, môn Tiếng Việt để đánh giá học sinh cuối học kỳ I và cuối năm học.
Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ, học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về Phòng GD&ĐT để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện.
Ở trường hợp này, theo quy định trong Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT về Quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến, thì người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông sẽ quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.
Đối với các lớp 3, lớp 4, lớp 5, bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I và cuối năm học được tổ chức linh hoạt bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và phù hợp với tình hình phòng dịch COVID-19 tại địa phương vào thời điểm tổ chức đánh giá.
Các nhà trường thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc. Riêng lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra định kỳ vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II đối với môn Toán, môn Tiếng Việt.
Bộ GD&ĐT yêu cầu việc tổ chức bài kiểm tra định kỳ phải được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đánh giá đúng chất lượng học tập của người học. Nội dung đề kiểm tra phù hợp với yêu cầu cần đạt về nội dung học tập và các thành phần năng lực của môn học.
Câu hỏi, bài tập kiểm tra phải được thiết kế đảm bảo các mức theo quy định, tập trung vào nội dung học tập “cốt lõi” theo công văn “Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học năm học 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-19” mà Bộ GD&ĐT đã ban hành ngày 10/9/2021.
Đối với hình thức dạy học trực tuyến (hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến), trong quá trình giảng dạy, giáo viên chú trọng việc giao nhiệm vụ học tập cho học sinh; thực hiện linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật đánh giá thường xuyên theo quy định. Thầy cô tăng cường khuyến khích, động viên, hướng dẫn, hỗ trợ học trò tự học, tự hoàn thành nhiệm vụ học tập, hoàn thành phiếu học tập, thu thập thông tin phản hồi qua các buổi học trực tuyến để đánh giá học sinh.
Nhà trường, giáo viên hướng dẫn để cha mẹ học sinh tham gia vào quá trình đánh giá người học. Trong đó, phụ huynh cần khuyến khích, hỗ trợ học sinh tự học, luyện tập, thực hành, vận dụng và trải nghiệm kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống để hình thành các phẩm chất, năng lực theo yêu cầu cần đạt của từng môn học, hoạt động giáo dục. Cha mẹ quan sát các biểu hiện theo yêu cầu cần đạt của một số phẩm chất, năng lực ở học sinh thông qua trò chuyện, tương tác và giao nhiệm vụ cho học sinh ở nhà, để phản hồi thông tin, trao đổi cùng giáo viên trong quá trình đánh giá.