Những đứa trẻ bị lãng quên
Đinh Vũ Tùng Lâm, học sinh đạt Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2021 từng chia sẻ câu chuyện cuộc đời của mình. Cụ thể, từ nhỏ, em đã không may mắn như bạn bè đồng trang lứa, Tùng Lâm mắc căn bệnh tự kỷ, tăng động. Không những gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, em còn luôn nghịch ngợm, phá phách trong lớp. Bản thân Lâm cũng khiến cho bạn bè xa lánh, thầy cô và gia đình “đau đầu” mỗi khi em đến trường. Nếu như không được bố mẹ, thầy cô quan tâm, có lẽ, cuộc đời em đã rẽ sang một hướng đi “tối tăm” hơn.
Tác giả cuốn sách “Đánh thức ban mai”, chị Nguyễn Việt Hà đã từng chia sẻ trong một buổi giao lưu, chị đã gặp rất nhiều em học sinh tự kỷ bị thầy cô, bạn bè đồng trang lứa “tẩy chay”. Chị kể lại một câu chuyện đau lòng, có một lần, chị đi dạy một bé mầm non bị tự kỷ. Cả ngày, chị chỉ thấy em nhỏ ngồi thu lu một góc, không dám nói chuyện với bất kỳ ai và luôn lo lắng, hoảng sợ. Sau này, khi đến trường em nhỏ để tìm hiểu, chị mới biết, hóa ra, bé thường xuyên bị bạn bè “tẩy chay”, cô giáo nhốt lại đánh mắng, thậm chí cả bác bảo vệ cũng đánh em.
Không những bị mọi người xa lánh, nhiều đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ, tăng động còn là đối tượng bị người lớn bạo hành tại trường học, trung tâm giáo dục tư nhân. Điều này đã làm cho trẻ rơi vào lo âu, ám ảnh hoặc trầm cảm nặng. Như vào năm 2023 đã có một vụ việc bé trai 9 tuổi ở Hà Nội mắc bệnh tự kỷ thể tăng động bị cô giáo ở lớp can thiệp đặc biệt đánh đến mức thâm đen, bầm tím cơ thể. Được biết, bé trai vốn là một học sinh hiếu động, dễ mất tập trung trên lớp, nên gia đình đưa em đi khám, sau đó tìm lớp can thiệp sớm để giúp em có tinh thần, tâm lý tốt hơn. Nhưng cuối cùng, các cô giáo thường xuyên bạo hành em, dẫn đến bé trai trở nên hoảng loạn, sợ hãi và thường xuyên trốn vào tủ quần áo.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội vài năm trước, cho số liệu, Hà Nội có 1.021 trẻ tự kỷ đang học cấp tiểu học. Trong số trẻ khuyết tật học đường, trẻ tự kỷ chiếm 30%. Số trẻ bị tự kỷ đang tăng lên hàng năm. Tháng 1 năm 2019, Tổng cục Thống kê công bố Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu người tự kỷ, tỉ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ước tính là 1% số trẻ em sinh ra. Còn trong một kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, tình trạng rối loạn tâm thần ở trẻ nhỏ, vị thành niên như: Tự kỷ, tăng động, lo âu, trầm cảm, hoang tưởng… đang gia tăng đáng báo động ở Hà Nội, số trẻ em và vị thành niên thuộc diện khảo sát có vấn đề về sức khỏe tâm thần chiếm từ 10 - 15%.
Những đứa trẻ không may mắn bị mắc căn bệnh tự kỷ hoặc tăng động thường có cơ thể bình thường, tương đối khỏe mạnh. Tuy nhiên, các em gặp khó khăn trong vấn đề giao tiếp hoặc kiềm chế cảm xúc của bản thân, khả năng tiếp thu một số môn học cũng kém hơn. Đây là một căn bệnh bẩm sinh, rất khó chữa khỏi hoàn toàn và ảnh hưởng mạnh đến tâm lý, tinh thần.
Lấy ví dụ với các trường hợp nhẹ, học sinh bị tự kỷ vẫn có thể học tập như bình thường, nhưng thi thoảng các em có những hành động mất kiểm soát cảm xúc của bản thân. Với một số trường hợp khác, trẻ sẽ không muốn giao tiếp với mọi người, thường xuyên xa lánh, trốn tránh sự quan tâm của thầy cô, bạn bè. Trong trường hợp nặng, các em không thể đi học và phải đến những lớp can thiệp sớm. Nguyên nhân của bệnh tự kỷ, tăng động hiện nay vẫn chưa thể lý giải được. Chỉ biết rằng, số lượng trẻ em mắc phải ngày càng có xu hướng tăng lên, để lại rất nhiều tổn thương về cả tinh thần, thể chất.
Những đứa trẻ sinh ra đã không may mắn mắc những căn bệnh về tinh thần thường rất dễ bị tổn thương. Bản thân các em không hề cố ý trở nên khác biệt, thậm chí nhiều em cũng khao khát được giống như bạn bè đồng trang lứa. Cho nên, những đứa trẻ bị tự kỷ, tăng động,… rất cần sự cảm thông, sẻ chia của mọi người.
Đặc biệt, là ở trường học, vì các em dành 8 tiếng tại trường mỗi ngày. Nhiều nơi, trẻ tự kỷ hoặc tăng động, bị coi là những “người điên”. Các em thường xuyên bị bạn bè, thậm chí một số thầy cô xa lánh, tệ hơn chịu bạo hành vì không giống mọi người. Một số trường học thẳng thừng từ chối nhận những học sinh mắc những chứng bệnh rối loạn tâm thần như vậy, dù các em có thể tiếp thu kiến thức và giao tiếp cơ bản được với mọi người. Điều này thường đẩy những đứa trẻ bị tăng động, tự kỷ đến bờ vực bị trầm cảm nặng, sợ giao tiếp, hoặc ghét bản thân, tự làm tổn thương chính mình.
So với những học sinh bị trầm cảm do bạo lực học đường, áp lực thi cử, thì những em mắc bệnh tự kỷ khó chữa hơn và dễ bị “lãng quên”. Không có một phòng tư vấn tâm lý và rất ít thầy, cô giáo có thể hỗ trợ các em hòa nhập với cộng đồng, phát triển khả năng cá nhân.
Trở thành điểm tựa tinh thần cho những học sinh “đặc biệt”
Tại Hội thảo “Chăm sóc Sức khỏe tâm thần trong trường học: Từ chính sách đến thực tiễn” đã diễn ra ở Hà Nội vào năm 2022, cho biết, ở Việt Nam, chỉ 30% trường học là có phòng tham vấn tâm lý đạt chuẩn. Đó đã là một thiệt thòi cho học sinh gặp vấn đề về tinh thần, trong đó có cả những trẻ bị tự kỷ, tăng động ở dạng nhẹ. Bởi các em là đối tượng rất dễ mất kiểm soát cảm xúc, cần được hỗ trợ để hòa nhập với cộng đồng.
|
Trẻ mắc bệnh tự kỷ hoặc tăng động cũng cần được chăm sóc về mặt tinh thần. (Một lớp học của trẻ tự kỷ). (Nguồn: Lê Thị Thùy Dung). |
Tại Hội nghị Tâm thần học toàn quốc diễn ra vào tháng 8 năm 2023, cho thấy trẻ em gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đáng chú ý, những căn bệnh về tinh thần hiện nay đang ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập, làm việc của tất cả mọi người. Cho nên, nếu mỗi đứa trẻ có sức khỏe tinh thần tốt, các em sẽ phát huy được hết tiềm năng như trường hợp Đinh Vũ Tùng Lâm, học sinh đạt Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2021.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh (nguyên Trưởng khoa tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM) từng có một chia sẻ trong chuyên đề giáo dục trẻ đặc biệt cho giáo viên ở TP HCM, cho biết việc để những trẻ tự kỷ, tăng động ở mức nhẹ (có thể giao tiếp, học tập) đến trường là điều nên làm để các em hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, cũng cần có cách dạy, hỗ trợ, đánh giá riêng dành cho những em học sinh “đặc biệt” này.
Cô Lê Thị Thùy Dung (Thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục đặc biệt), hiện đang làm quản lý và giảng dạy tại một trung tâm về can thiệp sớm ở Hà Nội, có 10 năm kinh nghiệm làm việc với những trẻ mắc chứng bệnh tự kỷ cho biết: “Các em bị rối loạn phổ tự kỷ, hoặc tăng động không hề muốn như vậy nhưng vì gặp khó khăn trong việc làm chủ hành vi, cũng như các giác quan của mình, nhiều em thường tự làm đau bản thân bằng cách đập đầu vào cửa hoặc cắn tay của mình”. Cô chia sẻ nếu có phương pháp dạy và tích cực trò chuyện, rèn luyện cho trẻ, trẻ tự kỷ sẽ đóng góp tài năng cho xã hội. Vì vậy, cô mong nhà trường và gia đình đừng bao giờ từ bỏ hy vọng về những đứa trẻ không may mắn này.
Cô Dung cũng cho biết thêm, có rất nhiều học sinh của cô đã lớn lên mạnh khỏe, thành công trong sự nghiệp nhờ sự quan tâm, chia sẻ của mọi người. Như hiện tại, cô có một cựu học sinh đã đỗ vào Học viện Âm nhạc (Hà Nội) và giành được những giải thưởng quan trọng. Ngay ở nơi cô làm việc, có những học sinh mắc bệnh tự kỷ đang làm trợ giảng, hỗ trợ những em nhỏ khác.
Cô giáo Nguyễn Phương Linh (đã đổi tên) đang giảng dạy ở một trường THCS ở Long Biên (Hà Nội) cho biết, tại trường của cô, cũng có một số học sinh “đặc biệt” như vậy. Cô chia sẻ, một học sinh 13 tuổi tại lớp cô đang dạy, nhờ được nhà trường, giáo viên quan tâm, nên hiện tại đã đạt rất nhiều giải thưởng Toán học quốc tế: “Đó là một nam sinh ngoan ngoãn, thông minh, nhưng không may mắc căn bệnh tự kỷ. Nhiều lúc lên lớp, vì cảm xúc không ổn định, em nhất định không muốn học một môn nào đó, chúng tôi không ép, mà để em thoải mái với lựa chọn của chính mình”.
Thực tế, những đứa trẻ mắc chứng bệnh tự kỷ, tăng động cũng có thể trở nên tích cực hoặc tiêu cực tùy vào sự hỗ trợ của nhà trường và gia đình. Nếu như các em được cha mẹ can thiệp kịp thời, nhà trường hỗ trợ, thầy cô động viên tinh thần, có những buổi tham vấn tâm lý đúng cách, thì những học sinh này sẽ đóng góp tài năng của mình cho cộng đồng như bao người khác. Ngược lại, khi bị hắt hủi, xa lánh, các em dần trở nên tiêu cực, thậm chí càng tách biệt vào căn bệnh trầm cảm, lo âu và dễ dàng trở thành những con người không biết tới niềm vui, niềm hạnh phúc theo lẽ thường của một con người bình thường, giản dị.