Việt Nam “tụt hạng” thông thạo tiếng Anh
Tổ chức EF Education First vừa qua đã công bố bản báo cáo năm 2020 về chỉ số thông thạo tiếng Anh - EF English Proficiency Index (EF EPI), phân tích dữ liệu từ hơn 2,2 triệu người ở 100 quốc gia và vùng lãnh thổ không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ. Hà Lan vẫn giữ được ví trí đứng đầu trong bảng kết quả, Đan Mạch và Phần Lan ở vị trí số 2 và số 3.
Các phát hiện đáng chú ý của báo cáo EF EPI 2020 gồm: Việt Nam xếp hạng 65 của năm nay trên tổng số 100 quốc gia và xếp thứ 13 trên 24 quốc gia trong khu vực Châu Á. Việt Nam xếp hạng cao hơn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia (74), Campuchia (84), Thái Lan (89) và Myanmar (93).
Báo cáo cũng chỉ ra hiệu ứng mạng của tiếng Anh chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện tại. Càng nhiều người sử dụng tiếng Anh thì ngôn ngữ này trở nên hữu ích cho các cá nhân, doanh nghiệp và quốc gia trong việc tiếp cận các nguồn lực và cơ hội. Kết quả của Việt Nam cho thấy nam giới có điểm bài kiểm tra cao hơn so với nữ.
Trước đó, khi phân tích phổ điểm môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, PGS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, nhận định ở những địa phương mà cả nhà trường và gia đình có sự quan tâm, đầu tư thì kết quả có khác biệt.
Ví dụ năm nay, TP. HCM tiếp tục dẫn đầu về môn ngoại ngữ với điểm trung bình gần 5,9 điểm, cao hơn năm ngoái; tiếp đến là Hà Nội và các tỉnh, thành khác như Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nam Định và Hải Phòng.
Ở chiều ngược lại, 15 địa phương có kết quả thi tiếng Anh trung bình dưới 4 điểm. Những địa phương ở nhóm thấp nhất năm nay cũng không gây bất ngờ, gồm các tỉnh miền núi phía bắc và Tây Nguyên, cụ thể là Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Tuyên Quang, Hậu Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông…
Báo cáo của Bộ GD-ĐT về việc dạy học ngoại ngữ thời gian qua cho thấy việc triển khai chương trình ngoại ngữ mới ở giáo dục phổ thông còn nhiều khó khăn do đặc thù của các vùng miền, địa phương. Số lượng học sinh được học theo chương trình ngoại ngữ mới theo đúng thời lượng còn thấp, việc nâng cao chất lượng và số lượng giáo viên đạt chuẩn tại tất cả các địa phương còn hạn chế. Ngoài ra, việc triển khai các hoạt động khảo thí ngoại ngữ còn chưa đồng bộ...
Làm gì để xóa “rào cản”?
Thực tế, hàng năm, sau kỳ thi THPT, phổ điểm môn Tiếng Anh vẫn luôn đội sổ về phổ điểm, trong khi chúng ta có hẳn Đề án Ngoại ngữ quốc gia đã được phê duyệt đến năm 2025. Kỳ thi vừa qua, số lượng học sinh đạt điểm môn này dưới 5 là 63,13% và điểm trung bình môn tiếng Anh là 4,58 thấp nhất trong các môn thi THPT năm nay.
Lý giải về điều này, theo thông tin từ Đề án Ngoại ngữ quốc gia, TS. Vũ Thị Thanh Nhã - Trưởng Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, một nguyên nhân dẫn đến thực tế này là Chương trình môn tiếng Anh hệ 10 năm chưa được triển khai đại trà trên cả nước, nhiều địa phương chưa đủ điều kiện triển khai chương trình này.
Bên cạnh đó, đề thi có những câu hỏi khó nhằm mục tiêu phân loại thí sinh, giúp công tác tuyển sinh vào Đại học nên còn khá khó so với mặt bằng chung học sinh cả nước, đặc biệt với học sinh khu vực nông thôn, miền núi.
Ngoài ra, còn xảy ra thực tế là học sinh chỉ đạt mục tiêu không bị điểm liệt môn Tiếng Anh nên việc học lệch, chỉ tập trung học môn học sẽ xét tuyển đại học. Trong khi ngoại ngữ không giống như những môn khoa học khác, để cải thiện năng lực cần một quá trình lâu dài và bền bỉ.
Nhiều giáo viên cũng cho rằng, bấy lâu nay chúng ta tự đặt chuẩn chứ không theo chuẩn quốc tế. Giáo viên được đào tạo trong trường sư phạm theo chuẩn của Việt Nam. Tốt nghiệp sư phạm, giáo viên dạy ở trường phổ thông cũng theo chuẩn đánh giá của Việt Nam. Hơn nữa, ngoại ngữ là một môn kỹ năng chứ không phải chuyên về kiến thức. Nếu không thực hành thường xuyên, không có môi trường rèn luyện, kỹ năng sẽ ngày càng bị mai một.
Những giáo sinh mới ra trường có thể có kỹ năng nghe, nói rất tốt nhưng sau vài năm giảng dạy các kỹ năng này bị mai một do chương trình phổ thông không có môi trường rèn luyện các kỹ năng này. Chương trình dạy chủ yếu là đọc hiểu và ngữ pháp. Điều này cũng có thể lý giải vì sao các chứng chỉ quốc tế như TOEIC, TOEFL chỉ được công nhận giá trị trong khoảng thời gian hai năm.
Bởi thế, lâu nay, trong khi chờ đợi các giải pháp của Bộ GD-ĐT để nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh, phụ huynh có điều kiện tìm giải pháp lo cho con em mình đi học thêm ở các Trung tâm Ngoại ngữ.
Học sinh tốt nghiệp THPT có thể đạt trình độ tiếng Anh chuẩn quốc tế chỉ là những con số rất nhỏ, khi ngoài môi trường tiếng Anh, cần nỗ lực của mỗi học sinh. Trong khi đó, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để cho con theo học các trung tâm quốc tế. Và vì thế bao năm qua, tiếng Anh vẫn luôn là rào cản với không chỉ các bạn trẻ khi hội nhập toàn cầu...
Cần khoảng 50.000 giáo viên mới giỏi tiếng Anh thật sự
Theo ông Nguyễn Tuấn Hải - nhà sáng lập Eton Grammar School - ngay từ khi mới xuất hiện, Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã cho thấy nhiều hạn chế với mục tiêu xa rời thực tế. Để làm một cuộc cải cách lớn trong lĩnh vực đào tạo tiếng Anh cho học sinh phổ thông, theo ông Hải, cần khoảng 50.000 giáo viên mới giỏi tiếng Anh thật sự, trẻ và có phát âm tốt. Đội ngũ này được chuẩn bị trong khoảng 5 năm và phân bố trên toàn quốc.
Sau đó, số lượng giáo viên chuẩn tiếp tục được nhân lên theo thời gian. Thêm nữa, Đề án rất cần một bản kế hoạch chi tiết cho việc sử dụng Internet vào việc phổ cập Anh ngữ để xóa bỏ các rào cản và khó khăn về địa lý trong lĩnh vực này.
Đó chính là cách làm tiết kiệm tiền nhất hiện nay, đồng thời tạo ra được sự công bằng trong giáo dục. Học sinh ở các tỉnh, vùng địa lý khó khăn vẫn có thể tiếp cận được tiếng Anh thông qua sự hỗ trợ tận lực và tận tâm của các cơ quan giáo dục.