Đó là lời chúc và cũng là mong muốn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm và làm việc với Học viện Tư pháp sáng 29/6.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại buổi làm việc với Học viện Tư pháp |
Tháp tùng Chủ tịch nước tới thăm Học viện còn có các đồng chí trong Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, Văn phòng Chủ tịch nước và các lãnh đạo Bộ Tư pháp.
Tự hào 12 năm vì sự nghiệp tư pháp
Báo cáo với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và đoàn công tác những kết quả đạt được trong 12 năm xây dựng và trưởng thành, Giám đốc Học viện Tư pháp Phan Chí Hiếu đã không giấu vẻ tự hào khi đề cập tới phản hồi của các cơ quan sử dụng cán bộ về học viên đã tốt nghiệp Học viện.
Đó là, “theo đánh giá chung của các cơ quan sử dụng cán bộ, các học viên tốt nghiệp được bổ nhiệm chức danh tư pháp đã phát huy tốt kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp tích lũy từ quá trình đào tạo, tác nghiệp khá chính quy, bài bản, có phương pháp làm việc khoa học, rút ngắn thời gian làm quen với công việc, tự tin hơn trong nhiệm vụ được giao”.
Một lần nữa, sự công nhận này được tái khẳng định khi đánh giá độc lập của đơn vị tư vấn Invest Consult Group trong Dự án phát triển tư pháp và sự tham gia từ cơ sở (JUDGE) của Cơ quan phát triển quốc tế Canađa (CIDA) đã cho thấy “kiến thức và kỹ năng của học viên (thẩm phán) có sự thay đổi rõ rệt sau khi tham gia khóa học, đặc biệt kỹ năng xét xử và phương pháp làm việc, thể hiện trên thang điểm chấm từ 2,32 lên 4,29 và từ 2,91 lên 4,13”.
Từ năm 1998 đến nay, thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao, Học viện Tư pháp đã liên tục mở các lớp đào Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên, tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp, góp phần từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ sung nguồn nhân lực cho các cơ quan tư pháp.
Trong gần 12 năm qua, Học viện đã đào tạo được tổng số 20.972 học viên nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp. Đặc biệt, thông qua hoạt động đào tạo của mình, Học viện Tư pháp cũng đã được các nước bạn biết tới. Tháng 10 năm nay, Học viện sẽ tiếp tục tiến hành đào tạo cho nước bạn Lào 25 Chấp hành viên,tiếp sau 4 Thẩm phán, 20 Công chứng viên đã hoàn thành chương trình.
Không sớm hài lòng với kết quả này, toàn thể ban lãnh đạo và cán bộ, giảng viên Học viện Tư pháp đã bày tỏ với Chủ tịch nước mong muốn vượt qua được các khó khăn để đưa Học viện sớm trở thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp với đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm chức giàu kiến thức, giỏi kinh nghiệm thực tiễn, có phương pháp sư phạm.
Chú trọng chính sách cán bộ để giữ người, nâng nghề
Muốn được như vậy, thì Học viện phải sớm có kế hoạch chuẩn bị một đội ngũ giảng viên thật chất lượng thông qua các phương án như: bên cạnh việc chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan để tạo điều kiện cho giảng viên cơ hữu được bồi bổ kinh nghiệm thực tiễn, Học viên Tư pháp cần nghiên cứu nhiều cách thức để thu hút và giữ chân được các giảng viên kiêm chức giàu kinh nghiệm, năng nổ, các cán bộ trên 60 tuổi nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn đã từng hoạt động trong các lĩnh vực tư pháp…
Nhưng, để làm được những mục tiêu này, thì yêu cầu trên nhất là lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo Học viện phải tăng cường chú trọng đến chính sách, đãi ngộ cán bộ. Bên cạnh đó, sớm đẩy nhanh quá trình xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất để xứng với uy tín cũng như đảm bảo tính uy nghiêm của Học viện - Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh (hiện Học viện Tư pháp đang xây dựng trụ sở mới tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, HN với tổng diện tích sàn là 28.370m2 bao gồm đủ các khối nhà phục vụ việc học tập, nghiên cứu và nghỉ ngơi của giảng viên, học viên. Đoàn công tác của Chủ tịch nước đã ghé thăm công trình trong sáng qua).
Đáp từ lời căn dặn của Chủ tịch nước và ý kiến đóng góp của đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định trong thời gian tới đây, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nỗ lực cùng Học viện nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục các tồn tại nhằm đưa hoạt động của Học viện vào quỹ đạo theo đúng tinh thần và yêu cầu cải cách tư pháp trong hai Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị.
Xuân Hoa