Hồi đáp tiếng vọng từ quá khứ

(PLVN) -Năm 2022 trôi qua với nhiều ấn tượng đọng lại và một trong số đó là câu chuyện đưa cổ vật văn hóa - những mảnh hồn của cha ông, tiếng vọng từ quá khứ - trở về quê hương, mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Bởi, vẫn còn đó nỗi niềm đau đáu trước tình trạng "chảy máu' cổ vật, những băn khoăn về vấn đề pháp lý để di sản có thể hồi hương…
Các chuyên gia của Việt Nam nghiên cứu, đánh giá tính xác thực của ấn vàng Hoàng đế chi bảo tại hãng đấu giá Millon. Ảnh Cục DSVH

Nỗ lực đưa ấn vàng hồi hương

Ngày 14/11/2022, tin vui bay về làm nức lòng người dân trong nước quan tâm đến câu chuyện cổ vật văn hóa lưu lạc, khi Bộ VHTTDL thông tin cho biết kết quả đàm phán hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã ghi nhận thành công và các bên đang xúc tiến những bước tiếp theo.

Theo Bộ VHTTDL, việc đàm phán giữa hai bên về việc hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đảm bảo đúng các bước trong lộ trình thực hiện phương án hồi hương cổ vật đã được Bộ VHTTDL xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ. Bộ VHTTDL nỗ lực cùng với các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan phối hợp với hãng đấu giá Millon để thực hiện lộ trình thủ tục hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” về Việt Nam trong thời gian sớm nhất, bảo đảm quy định pháp luật của hai nước.

Trước đó, ngày 19/10/2022, website của Hãng đấu giá Millon, Paris, Cộng hòa Pháp đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) (lô số 101) thuộc sưu tập “Nghệ thuật Việt Nam” vào 11 giờ ngày 31/10/2022 (giờ Paris).

Ấn vàng được đấu giá. Ảnh VTV

Cần nói thêm rằng, thông qua các minh chứng thu thập được, xác minh bằng phương pháp chuyên gia đối sánh với các cổ vật là ấn vàng triều Nguyễn đang được lưu giữ, phát huy giá trị tại một số bảo tàng, di tích trên cả nước, có thể khẳng định chiếc ấn vàng (lô số 101) chính là ấn “Hoàng đế chi bảo” được đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng (1820-1841).

Theo Đại Nam thực lục của Quốc Sử quán triều Nguyễn, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được đúc vào ngày Giáp Thìn, mùng 4 tháng Hai năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15/3/1823). Ấn có nuốm (quai) làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng (chính xác là 280 lạng) 9 đồng 2 phân.

Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, vào năm Minh Mệnh thứ 9 (năm 1828), dụ rằng: Ấn báu của nhà nước là để làm việc tuyên bố mệnh lệnh, chỉ bảo rõ ràng những việc phải làm, về khí cụ thì cực kỳ quan trọng, về điển lệ thì cực kỳ to lớn. Gặp có khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ, cùng là các cáo dụ các thân huân, đi tuần thú để xem xét các địa phương, mọi điển lệ long trọng ấy và ban sắc, thư cho ngoại quốc, đều dùng ấn Hoàng đế chi bảo.

Như vậy, có thể thấy “Hoàng đế chi bảo” là ấn vàng lớn nhất, đẹp nhất, quý nhất và quan trọng nhất của vương triều Nguyễn. Ấn này được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn vào dịp lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, cùng với sắc thư ban cho nước ngoài..., phản ánh một giai đoạn trong tiến trình lịch sử của quốc gia - dân tộc, là di sản văn hóa quý báu của Nhà nước Việt Nam.

Theo dòng lịch sử, trong 143 năm tồn tại với 13 đời vua, triều Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc (gọi là kim bảo), chế tác từ ngọc quý (gọi là ngọc tỷ). Hiện nay, trong sưu tập “Kim Ngọc Bảo Tỷ” của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ, bảo quản được 85 kim ngọc bảo tỷ, trong đổ có hai kim bảo đời Quốc chúa Nguyễn Phúc, còn lại là kim ngọc bảo tỷ của 9 đời vua và vương hậu triều Nguyễn.

Đây là sưu tập ấn nằm trong sưu tập bảo vật hoàng cung triều Nguyễn, được triều đình nhà Nguyễn giao lại cho chính quyền cách mạng năm 1945. Sưu tập được Liên khu IV lưu giữ sau đó bàn giao cho Bộ Tài chính, Bộ Tài chính tiếp tục chuyển giao cho Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) để Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) tiếp nhận năm 1959. Bộ sưu tập được gửi lưu giữ tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến năm 2017 mới được bàn giao trở lại cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ và phát huy giá trị cho đến nay.

Kim ấn Hoàng đế chi bảo của vua Minh Mạng được hãng Millon dự kiến đưa ra đấu giá ngày 10.11/2022. Ảnh TTXVN

Do đó, việc sưu tầm, đưa ấn “Hoàng đế chi bảo” về Việt Nam, bổ sung vào bộ sưu tập “Kim Ngọc Bảo Tỷ” và hoàn thiện nội dung trưng bày về triều Nguyễn trong tiến trình lịch sử Việt Nam của Bảo tàng Lịch sử quốc gia là hết sức ý nghĩa và cấp thiết.

Những “hành trình trở về” đầy xúc cảm

Câu chuyện trở về của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” không phải là cá biệt, trước đó không ít cổ vật văn hóa quý hiếm mang trong mình cả một giai đoạn lịch sử của dân tộc cũng đã hồi hương với nhiều hành trình khác nhau.

Đó là chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo, Nhật Bản về Bắc Ninh năm 1978; xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được đưa về Huế năm 2015, cổ vật mũ quan đại thần và áo Nhật Bình triều Nguyễn cho Huế năm 2022; 18 cổ vật nhận từ Đức năm 2018, một số cổ vật Đông Sơn nhận từ Hoa Kỳ năm 2022…

Mỗi cổ vật đều có một “hành trình hồi hương” đầy cảm xúc như câu chuyện của quả chuông thời Nguyễn trở về từ Nhật Bản. Đây là chuông chùa Ngũ Hộ (xã Kim Chân, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) bằng chất liệu đồng, niên đại thời Nguyễn, đường kính 42 cm, cao 1 m, trọng lượng 120 kg. Biến cố xảy ra với chuông chùa Ngũ Hộ được hồ sơ Bảo tàng Bắc Ninh ghi nhận: “Vào năm 1945, phát xít Nhật vào Bắc Ninh, chiếm chùa làm nơi đóng quân, thấy quả chuông có giá trị nên đã mang về Nhật, bán lại vào tiệm cầm đồ. Sau này quả chuông được vị luật sư người Nhật kêu gọi quyên góp chuộc lại và gửi về Việt Nam vào tháng 6/1978”.

Chuông chùa Ngũ Hộ khi còn ở Nhật Bản. Nguồn ảnh Trang web của Bảo tàng Bắc Ninh

Vị luật sư người Nhật được hồ sơ nhắc tới là ông Watanabe Takuro, một người yêu thích và sưu tầm đồ cổ. Ông Watanabe đã thấy chiếc chuông đồng này tại cửa hàng đồ cổ tại Ginza, Tokyo, Nhật Bản. Theo minh văn trên chuông, ông biết xuất xứ của chuông. Chủ cửa hàng đồ cổ cũng cho ông biết một viên sĩ quan Nhật đã mang chuông tới bán. Ông chủ cửa hàng phát giá 9 triệu yên Nhật cho quả chuông này, sau đó rút xuống 5 triệu do cảm động trước sự “đắm đuối” của ông Watanabe với món cổ vật.

Tuy nhiên 5 triệu yên Nhật vẫn là một số tiền lớn, vì thế một hội có tên “Hội hồi hương chuông cổ” đã được lập ra để quyên góp tiền, gồm nhiều nhà tu hành, nhà văn và bạn bè ông Watanabe. Số tiền quyên góp sau đó đã đủ để mua và vận chuyển chuông về Việt Nam. Nhiều buổi cầu nguyện cho quả chuông cũng được thực hiện tại Nhật. Cuối cùng, tháng 6/1978, quả chuông đã về tới chùa Quán Sứ, trao lại cho Việt Nam.

Cổ vật mũ quan triều Nguyễn được hồi hương sau các cuộc đấu giá tại nước ngoài

Năm 2021, mũ quan triều Nguyễn đã được một đơn vị tư nhân trong nước tặng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi đấu giá thành công tại một nhà đấu giá ở Tây Ban Nha với số tiền gần 16 tỷ đồng (chưa kể thuế, phí). Năm 2015, chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh thân mẫu vua Thành Thái (1855-1906) có giá khoảng 45.000 euro (tương đương 1,5 tỷ đồng, theo thời giá lúc đó) được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đấu giá thành công tại Pháp để đưa về nước, trưng bày ở tại Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế. Theo Giám đốc Trung tâm khi đó - TS Phan Thanh Hải khi đó, do thiếu quy định pháp lý liên quan, chiếc xe bị “giam” tại hải quan sân bay Nội Bài cả tháng trời, cuối cùng, lãnh đạo Thừa Thiên - Huế phải ứng tiền ngân sách để giải cứu.

Chiếc xe kéo vua Thành Thái tặng mẹ được hồi hương sau các cuộc đấu giá tại nước ngoài

Ngày 18/11/2022, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận cổ vật bao gồm: 1 rìu đá hậu Kỳ Đá mới; 4 hiện vật (3 rìu đồng, 1 nồi gốm) văn hóa Đông Sơn; 3 tượng cá sấu đá thế kỷ 1-2 sau công nguyên và 2 tẩu đồng thế kỷ 17-18 do Hoa Kỳ trao trả.

Câu chuyện phía sau những cổ vật này cũng khá ly kỳ khi vào năm 2013, trong cuộc điều tra tại bang Indianna, Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) đã phát hiện công dân Donald Miller hiện đã qua đời tự xưng là nhà từ thiện, nhà khảo cổ nghiệp dư, lưu giữ trái phép bộ sưu tập lớn cổ vật và hài cốt. Năm 2014, FBI đã thu hồi hơn 7.000 đồ vật, hiện vật mà Donald Miller từ bỏ quyền sở hữu, hợp tác với FBI, mong muốn trao trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã gửi Bộ VHTTDL thông báo về việc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đề nghị trao trả một số cổ vật được xác định là có nguồn gốc Việt Nam…

Các món đồ cổ được FBI bàn giao cho Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ

Chuẩn bị gì để “đón” món quà từ quá khứ?

Qua câu chuyện về “hành trình hồi hương” của các cổ vật văn hóa, có thể thấy, trên thực tế, Việt Nam đã nhận một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam “hồi hương” về nước theo ba hình thức.

Đó là cá nhân, tổ chức vận động quyên góp, mua cổ vật và hiến tặng về nước như trường chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo, Nhật Bản về Bắc Ninh năm 1978; là cá nhân, tổ chức đấu giá từ nước ngoài và hiến tặng về nước như trường hợp xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được đưa về Huế năm 2015, cổ vật mũ quan đại thần và áo Nhật Bình triều Nguyễn cho Huế năm 2022; là Chính phủ các nước tự nguyện trả cổ vật của Việt Nam thu được từ các cuộc điều tra buôn bán trái phép cổ vật như trường hợp 18 cổ vật nhận từ Đức năm 2018, một số cổ vật Đông Sơn nhận từ Hoa Kỳ năm 2022…

Tuy vậy, “hồi hương cổ vật bằng cách nào” vẫn là câu hỏi đau đáu. Quay lại với câu chuyện hồi hương của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, trong tiến trình nỗ lực đưa cổ vật trở về và bối cảnh việc bố trí ngân sách Nhà nước để mua lại ấn là việc khó khả thi, tháng 11/2022, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép xã hội hóa để hồi hương ấn theo hai phương thức: huy động nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ bảo tồn di sản Huế và sử dụng nguồn lực từ quỹ này để thương lượng với hãng đấu giá Millon nhằm kịp thời mua lại và hồi hương chiếc ấn vàng; và vận động mạnh thường quân là tổ chức, cá nhân yêu quý di sản thương lượng, mua lại ấn “Hoàng đế chi bảo” để đưa về nước, góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản quốc gia.

Ấn vàng được cho là đúc năm 1823 triều Minh Mạng năm 1820-1841. Ảnh VTV

Nhưng dù vậy thì theo nhiều chuyên gia cơ hội đưa cổ vật hồi hương lại vẫn đang nằm trong “chiếc áo chật chội” của quy định, của cơ chế. Chẳng hạn như chưa có câu trả lời rõ ràng cho những câu hỏi như nếu huy động xã hội hóa thì doanh nghiệp tham gia đấu giá sẽ được hưởng ưu đãi hay hỗ trợ gì hoặc nếu đấu giá thành công thì khi mang ấn về có được miễn thuế hay không.

Sau ấn “Hoàng đế chi bảo”, nhiều khả năng sẽ lại có những bảo vật Việt xuất hiện trên thị trường đấu giá quốc tế. Rất có thể, lại một cuộc “giải cứu khẩn cấp” khác được tiến hành. Và do khẩn cấp, chúng ta khó lòng chuẩn bị tốt cho công tác đấu giá, thương lượng mua trực tiếp hoặc thậm chí là yêu cầu hoàn trả…

Vì thế, ở góc độ pháp lý, để giải quyết vấn đề này thì việc nghiên cứu, tìm kiếm thông tin cổ vật ở nước ngoài, quy định chi tiết để huy động tài chính, thủ tục pháp lý là những điều cần được bổ sung trong pháp luật về di sản và các luật liên quan.

Luật Di sản văn hóa hiện hành vẫn đang thiếu vắng những điều luật hoặc một văn bản dưới luật quy định và hướng dẫn cụ thể việc đưa cổ vật, di sản văn hóa vật thể của Việt Nam trở về nước. Chính vì vậy, với các cá nhân, đơn vị tư nhân, để đưa cổ vật hồi hương, họ thường phải đối diện với nhiều thủ tục hành chính, nhiều khi là sự quản lý chồng chéo của các ngành hải quan, thuế, quản lý văn hóa...

Theo định nghĩa về tài sản văn hóa của UNESCO tại Công ước 1970, các tài sản văn hóa bao gồm rất nhiều loại. Đó có thể là các bộ sưu tập hiếm về động thực vật, khoáng sản, cổ sinh học; các hiện vật liên quan đến đời sống nguyên thủ, các nhà tư tưởng, nghệ sĩ và các sự kiện quan trọng tầm quốc gia, hiện vật khảo cổ học, tranh ảnh, bản vẽ thủ công, tượng và tác phẩm điêu khắc, sách và ấn bản có tầm quan trọng đặc biệt, đồ gỗ, nhạc cụ cổ…

Theo PGS-TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam, cần có cơ chế hiệu quả để việc xã hội hóa đưa tài sản văn hóa Việt hồi hương và có những ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc này. Cũng có thể xem xét lập các quỹ văn hóa hướng tới việc đưa cổ vật Việt hồi hương. Những điều đó cần được luật hóa rõ ràng.

Phong bì hình bộ tem về bảo vật Quốc gia đúc vàng. Ảnh Công ty Tem Việt Nam

Thông tin từ Bộ VHTTDL, Luật Di sản văn hóa sửa đổi bổ sung tới đây sẽ bổ sung một điều về việc đấu giá cổ vật ở nước ngoài. Cụ thể, theo đề cương dự thảo luật Di sản văn hóa sửa đổi bổ sung sẽ có điều luật quy định về việc đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước.

Theo dự kiến, điều luật này sẽ bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước như mua, hiến tặng, trao trả. Theo Bộ VHTTDL, đây là điều luật cần được bổ sung do một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Nếu điều luật này được thông qua, việc xây dựng Nghị định, Thông tư sẽ chi tiết hóa nhiều điều để trình tự, thủ tục, hồ sơ đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước được rõ ràng, cụ thể hơn.

Trước mắt, trong khi chờ đợi luật bổ sung hoàn thiện, theo các chuyên gia di sản, dù chưa có hành lang pháp lý cho đấu giá cổ vật để hồi hương thì vẫn nên quan tâm đến các phiên đấu giá quốc tế đối với cổ vật có xuất xứ Việt Nam. Việc chủ động tìm kiếm cổ vật Việt ở nước ngoài cũng sẽ thúc đẩy việc đưa hiện vật hồi hương theo Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa mà Việt Nam là quốc gia thành viên tham gia.

Việc đàm phán thành công việc hồi hương kim ấn “Hoàng đế chi bảo” được Bộ VHTTDL bình chọn là 1 trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch nổi bật trong năm 2022.