Nhiều kết quả tích cực
Cuối năm 2023, Chính phủ đã có các Báo cáo Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP Hà Nội và thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 và Nghị quyết số 160/2021/QH14 của (QH); Kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của QH về tổ chức CQĐT tại TP Hồ Chí Minh và Sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình CQĐT và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Theo các báo cáo, tại Đà Nẵng, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình CQĐT, cơ quan hành chính quận, phường đổi mới cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của QH và Nghị định số 34/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã phát huy tính chủ động, tăng thẩm quyền và chế độ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu quận, phường và được đánh giá là hợp lý. Kết quả khảo sát cho thấy 62,6% cán bộ, công chức, viên chức các cấp đánh giá tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành từ UBND TP đến UBND quận và UBND phường là tốt hơn.
Đối với TP Hồ Chí Minh, trong gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 và Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14, kinh tế TP tăng trưởng khá ổn định, cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế đạt kết quả bước đầu tích cực, các nguồn lực xã hội được phát huy; các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đặc biệt là thông tin truyền thông và y tế ngày càng phát triển, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe cho Nhân dân; thực hiện tốt phát triển nguồn lực, giải quyết việc làm, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, chăm lo cho gia đình chính sách, việc chỉnh trang và phát triển đô thị đạt nhiều chuyển biến tích cực.
Đối với Hà Nội, khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình CQĐT đã góp phần tăng tính chủ động cho các quận, thị xã có năng lực tổ chức triển khai, có nguồn lực tốt. Qua theo dõi, đánh giá, chính quyền các cấp, trong đó có các quận và thị xã Sơn Tây đã thực hiện có hiệu quả hơn công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn theo phân cấp, ủy quyền của TP, cũng như quan tâm, bảo đảm các dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của dân cư đô thị.
Kể từ khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình CQĐT, chính quyền các cấp của TP Hà Nội vẫn bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong tổ chức bộ máy cũng như trong hoạt động quản lý nhà nước, hệ thống chính trị hoạt động tốt góp phần bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thực hiện nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của TP Hà Nội. Năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên. Cải cách tổ chức bộ máy được thực hiện bài bản…
Kinh nghiệm quý từ HĐND các địa phương
Trong tổ chức của chính quyền địa phương nói chung và trong điều kiện thực hiện thí điểm mô hình CQĐT nói riêng, HĐND là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, do Nhân dân địa phương bầu ra, đã thực hiện tốt chức năng quan trọng của mình là giám sát.
Cụ thể, HĐND TP Hà Nội đã tham mưu, xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội, qua đó thực hiện tốt vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; đã ban hành nhiều nghị quyết làm cơ sở pháp lý quan trọng để HĐND TP thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực và giám sát triển khai thực hiện, tạo tính hệ thống, thống nhất trong công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp; đã chỉ đạo thực hiện nhiều đổi mới trong công tác giám sát nhằm tăng cường, mở rộng hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND TP và xuống cơ sở, nhất là ở các địa bàn không tổ chức HĐND phường…
Còn tại Đà Nẵng, thời điểm TP thực hiện thí điểm mô hình CQĐT theo Nghị quyết số 119 của QH đồng thời với nhiệm kỳ HĐND TP khóa X (2021 - 2026). Do đó, các hoạt động của HĐND TP tập trung đổi mới phương thức hoạt động theo hướng mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng để phù hợp với mô hình CQĐT, nhất là nâng cao chất lượng, phát huy trách nhiệm, vai trò của đại biểu HĐND TP trong điều kiện không tổ chức HĐND quận, phường đã đạt được những kết quả nổi bật.
Riêng năm 2023, Đà Nẵng đã chú trọng phát huy chức năng giám sát của đại biểu HĐND TP trong điều kiện không tổ chức HĐND cấp quận, phường; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24/NQ-HĐND của HĐND TP quy định một số hoạt động giám sát khi thực hiện thí điểm mô hình CQĐT trên địa bàn TP Đà Nẵng; đổi mới phương thức hoạt động của HĐND TP theo hướng dành nhiều thời gian tại các kỳ họp cho việc thảo luận, chất vấn, tập trung vào những vấn đề phát sinh ở cơ sở, vấn đề cử tri quan tâm và tăng cường hơn việc tổ chức các kỳ họp chuyên đề nhằm kịp thời giải quyết công việc phát sinh của TP…
Từ thực tiễn hoạt động của HĐND TP Hà Nội thời gian qua, để tiếp tục bảo đảm và phát huy vai trò của HĐND TP trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước đối với bộ máy chính quyền các cấp, HĐND TP rút ra một số bài học kinh nghiệm quý. Đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc, định hướng cho công tác hoạt động của HĐND đạt hiệu quả; tập trung đôn đốc, chỉ đạo giải quyết triệt để, có hiệu quả những kiến nghị chính đáng của cử tri, thẳng thắn đối thoại về những vấn đề còn bất cập, chưa được giải quyết…
Tại TP Hồ Chí Minh, Thường trực HĐND TP tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND TP Hồ Chí Minh trong điều kiện thực hiện CQĐT nhiệm kỳ 2021 - 2026”; tập trung các nội dung giám sát theo chương trình công tác năm 2023 với 2 giám sát chuyên đề của HĐND TP; 5 giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND TP và 13 chuyên đề giám sát của các Ban của HĐND TP đã đề ra.
Xác định thực hiện hiệu quả mô hình CQĐT trên địa bàn TP là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, HĐND TP Đà Nẵng sẽ tích cực, chủ động cùng Thành ủy, UBND TP trong đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ, QH sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 theo hướng để TP Đà Nẵng chính thức thực hiện mô hình CQĐT (không còn làm thí điểm), nhất là việc xem xét tăng số lượng ủy viên chuyên trách cho các Ban của HĐND TP; có cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện hiệu quả mô hình CQĐT và định hướng phát triển TP Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế chất lượng cao của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND TP Đà Nẵng cũng tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 24/NQ-HĐND của HĐND TP trong hoạt động giám sát; chú trọng đổi mới cả về nội dung và hình thức giám sát trên cơ sở lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm hoặc những vấn đề còn nhiều vướng mắc mà cử tri quan tâm. Tích cực kiểm tra theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát để kịp thời khắc phục những tồn tại, yếu kém. Chú trọng việc tiếp xúc cử tri chuyên đề trong điều kiện tổ chức CQĐT. Đặc biệt, chuẩn bị và tổ chức hiệu quả Chương trình “HĐND với cử tri” bảo đảm ít nhất tổ chức 2 lần trong năm, là diễn đàn để đại biểu HĐND TP phát huy vai trò, trách nhiệm, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương…
Sớm hoàn thành hướng dẫn về Quy chế mẫu hoạt động của HĐND các tỉnh, TP
Để HĐND thực hiện tốt hơn nữa việc kiểm soát quyền lực nhà nước đối với bộ máy chính quyền các cấp, HĐND TP Hà Nội kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH, QH khi xem xét ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ thông qua quy định về tăng cường các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, đặc biệt là Thường trực HĐND TP Hà Nội.
Theo đó, ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì trong thời gian HĐND TP không họp, HĐND TP giao Thường trực HĐND TP thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến quyết định các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp, quyết định chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công và quyết định việc hỗ trợ cụ thể căn cứ vào dự toán ngân sách hằng năm…
HĐND TP Hà Nội cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ QH chỉ đạo sớm hoàn thành hướng dẫn về Quy chế mẫu hoạt động của HĐND các tỉnh, TP, tiếp tục cụ thể hóa các hoạt động trong thực tiễn của các tỉnh, TP, trong đó có hướng dẫn cụ thể hoặc giao HĐND các TP đang thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình CQĐT xây dựng các quy chế, quy trình cụ thể và được hướng dẫn HĐND các quận, thị xã trong hoạt động để bảo đảm tính liên thông cũng như bảo đảm việc giám sát, kiểm soát quyền lực đối với chính quyền các cấp trong chấp hành pháp luật, trong công tác quản lý nhà nước.