Hội nghị đánh giá giữa kỳ dự án " Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam"

(PLVN) -Hội nghị Đánh giá giữa kỳ dự án ''Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam'' (EU JULE) diễn ra vào ngày 24-25 tháng 02 năm 2022 với hai hình thức trực tuyến và trực tiếp tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, cùng Đại diện phái đoàn liên minh Châu Âu tại Việt Nam và Quyền Đại diện thường trú Liên hợp Quốc tại Việt Nam cùng chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, cùng Đại diện phái đoàn liên minh Châu Âu tại Việt Nam và Quyền Đại diện thường trú Liên hợp Quốc tại Việt Nam cùng chủ trì hội nghị.

Hội nghị Đánh giá giữa kỳ dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) diễn ra vào ngày 24-25 tháng 02 năm 2022 với hai hình thức trực tuyến và trực tiếp, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư Pháp; ông Giorgio Aliberti, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; Bà Rana Flowers, Quyền Đại diện thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện UNICEF; ông Nguyễn Hữu Huyên - Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Tư Pháp.

EU JULE là dự án do Liên minh châu Âu hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường các dịch vụ tư pháp cho người dân. Các cơ quan liên quan của Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã đàm phán dự án này từ năm 2013 và đã ký Thoả thuận về dự án vào ngày 02/12/2015. Tài liệu về dự án đã được thoả thuận và bắt đầu triển khai sau khi phê duyệt vào tháng 8/2017.

Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ có mục tiêu tăng cường xây dựng pháp quyền xã hội chủ nghĩa thông qua hệ thống tư pháp tin cậy, dễ dàng tiếp cận hơn. Dự án hướng tới các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo, nhằm hỗ trợ họ giải quyết những khó khăn trong việc sử dụng các dịch vụ công trong hệ thống tư pháp để thực hiện các quyền hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan tham gia thực hiện Dự án gồm: Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam và một số bộ, ngành, địa phương.

Dự án sẽ tăng cường tiếp cận các hình thức tư vấn, hỗ trợ pháp lý và đại diện bào chữa đối với các vụ việc dân sự và hình sự; Hoàn thiện khung pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành về tăng cường khả năng thực hiện quyền và tiếp cận công lý, phù hợp với Hiến pháp 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Tăng cường liêm chính, minh bạch trong ngành tư pháp. Đồng thời, nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về quyền và cách thức thực hiện các quyền phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Theo Kế hoạch hoạt động năm 2021 của Dự án EU JULE và thỏa thuận với EU, UNDP, việc đánh giá giữa kỳ Dự án EU JULE nhằm mục đích đánh giá tiến độ đạt được của Dự án, rút ra bài học kinh nghiệm nhằm thực hiện và quản lý tốt hơn Dự án trong thời gian tới. Bộ Tư pháp và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc đánh giá từ đầu năm 2021.

Trên cơ sở lựa chọn của EU, Nhóm chuyên gia độc lập đánh giá giữa kỳ đã thực hiện việc đánh giá trong thời gian từ tháng 10/2021 đến nay. Để bảo đảm việc đánh giá đạt chất lượng, đúng mục đích, các cơ quan, tổ chức đối tác Việt Nam cũng đã phối hợp hết sức tích cực theo chương trình làm việc của chuyên gia. Các hoạt động phỏng vấn, khảo sát được tổ chức linh hoạt theo hình thức trực tiếp và trực tuyến để bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 tại từng thời điểm nhưng vẫn bảo đảm chất lượng theo yêu cầu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, khởi động thực hiện từ tháng 8/2018 đến nay, Dự án đã được triển khai qua 04 năm với gần 250 đầu hoạt động hướng đến cả 4 kết quả chính của Dự án. Các hoạt động của Dự án đã được triển khai với những kết quả, sản phẩm cụ thể trong việc nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về quyền và cách thức thực hiện các quyền phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam; nâng cao năng lực và tăng cường trách nhiệm, chuẩn mực ứng xử và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ các chức danh tư pháp và thi hành pháp luật; tăng cường tiếp cận với các thông tin pháp luật, kinh nghiệm, thực tiễn tốt của quốc tế để hỗ trợ cho quá trình hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật và thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Mặc dù có nhiều khó khăn về khách quan và chủ quan, Dự án cũng đã triển khai được 03 đợt kêu gọi tài trợ dành cho các tổ chức đủ điều kiện tham gia thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp luật và tư pháp theo các chủ đề. Trong bối cảnh đại dịch Covid diễn biến phức tạp, nhưng theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc tất cả các cơ quan, tổ chức và các cán bộ tham gia quản lý, thực hiện Dự án đã có nhiều nỗ lực thực hiện được một số lượng lớn các hoạt động theo kế hoạch dự án đã được Ban chỉ đạo thông qua, trong đó nhiều mô hình mới cho triển khai hoạt động đã được đề xuất, thực hiện và sẽ là những kinh nghiệm tốt trong giai đoạn sau này như các hoạt động theo hình thức trực tuyến, sử dụng các kênh truyền thông, kỹ thuật số... Những kết quả này đã cho phép Dự án tập trung vào các nhóm đối tượng yếu thế nhằm hỗ trợ họ giải quyết những khó khăn trong việc sử dụng các dịch vụ công trong hệ thống tư pháp để thực hiện các quyền hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Việc tổ chức Hội thảo là cơ hội quan trọng đối với tất cả các cơ quan, tổ chức tham gia quản lý và thực hiện Dự án cùng thảo luận, chia sẻ những đánh giá của mình về 4 năm thực hiện dự án, những đánh giá, đề xuất và kết luận của chuyên gia. Đây sẽ là những chất liệu tốt trong phối hợp tổ chức thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn Dự án trong thời gian tới, cũng như đưa ra được những ý tưởng hợp tác trong thời gian tới nói chung theo mong muốn của Chính phủ Việt Nam và EU, kể cả sau khi Dự án EU kết thúc và bảo đảm tính bền vững của Dự án.

Một số hình ảnh tại hội nghị:

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc hội nghị

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc hội nghị

Giới thiệu các đại biểu tham dự hội nghị

Giới thiệu các đại biểu tham dự hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Đọc thêm