Chủ trì hội nghị có đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TW, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW; ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình; Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng khu vực Bắc Trung Bộ còn những hạn chế, vướng mắc cần khắc phục.
Vì vậy, các đại biểu cần tập trung thảo luận làm rõ các nội dung như: Trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương trong công tác này; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, kiện toàn, củng cố cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp tại địa phương; bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về lâm nghiệp, khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi; rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội có tác động đến diện tích, chất lượng rừng; giải quyết tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng...
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Trần Thắng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn đạt được nhiều kết quả quan trọng; diện tích, chất lượng rừng ngày càng được nâng cao, độ che phủ rừng toàn tỉnh từ 67,50% (năm 2016) tăng lên 68,69% (năm 2022).
Lợi ích kinh tế từ rừng được khẳng định, đời sống của nhân dân nói chung và vùng nông thôn miền núi từng bước được cải thiện; an sinh xã hội được giải quyết cơ bản; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội - môi trường tại địa phương.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Theo Tổ Biên tập, các báo cáo và phát biểu tại hội nghị được chắt lọc, tiếp thu phục vụ công tác sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét quyết định, để ban hành các quyết sách mới thiết thực hơn, có hiệu quả hơn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.
Tuy nhiên cũng tồn tại một số hạn chế như: Cơ chế chính sách bảo vệ phát triển rừng bền vững chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh để tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất lâm nghiệp đặc biệt là trồng mới rừng gỗ lớn... Chưa kịp thời điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, thuế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư lớn vào lĩnh vực lâm nghiệp...