Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng tốc phát triển

(PLVN) -Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) diễn ra sáng nay - 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Hội nghị lần này phải thể hiện cho được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho DN để tăng tốc phát triển…

Với chủ đề “: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN lần đầu tiên tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp. 800.000 DN trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi Hội nghị lần này.

Khởi động lại nền kinh tế với mục tiêu GDP trên 5%

Hội nghị diễn ra trong “trạng thái bình thường mới” khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh đã đi qua, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường. Thủ tướng đã ví nền kinh tế đã như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra. 

Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4 %. 

  Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Muốn như vậy chúng ta phải tập trung vào “5 mũi giáp công”. Một là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân. Hai là thu hút FDI. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu. Bốn là thúc đẩy đầu tư công. Năm là khuyến khích tiêu dùng nội địa với số dân gần 100 triệu người.

“Việt Nam chúng ta, DN của chúng ta cần đóng góp vào phát triển hình chữ V chứ không phải là chữ U mà càng không thể là chữ W” - Thủ tướng đề nghị.

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, với những thành công đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao.

“Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam. Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế...” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới, xuất hiện các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới và phát triển bứt phá. 

“Đây thực sự là cơ hội giúp các DN Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi chiến lược…” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

 Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. 

Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA… chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế lớn cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của DN Việt Nam.   

“Nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín trong và ngoài nước đã nhận định đây là thời cơ quý báu, không dễ gì có được khi Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ…” - Bộ trưởng cho hay.

 Doanh nghiệp cần được hỗ trợ để chớp lấy “thời cơ vàng”

“Chúng ta thừa nhận rằng Việt Nam còn nhiều nút thắt. Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng luôn lo nghĩ đến điều này. Tuy nhiên, hội nghị này không phải là dịp để bàn lùi, than nghèo, kể khổ; không phải kể lể, than vãn về những khó khăn của DN mà phải nêu được những trở ngại lớn đối với các ngành. Chính phủ không thể trực tiếp giúp DN tăng lợi nhuận, nhưng Chính phủ sẽ tìm cách thức thúc đẩy DN tăng năng suất, chỉ có tăng năng suất mới là nguồn gốc bền vững của lợi nhuận” -  Thủ tướng khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ cùng cho rằng chúng ta đã có gói “đùm bọc” hay “san sẻ” 62.000 tỷ đồng, chưa kể hàng chục nghìn tỷ đồng từ giảm giá điện, nước, viễn thông. Bây giờ là lúc bàn đến chính sách tăng tốc hay chính sách đòn bẩy. “Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, giờ đây tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy….” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Hội nghị lần này bắt buộc bằng mọi giá phải có kết quả cụ thể, không nói suông, không nói rồi để đó, thể hiện cho được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho DN để tăng tốc phát triển. 

Đối với bộ, ngành, phải xắn tay áo vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho DN. Đặc biệt, cần lưu ý trong những công việc không phải “quyền anh, quyền tôi”, lúc này mà phải là vì đất nước, vì dân tộc, vì gần 100 triệu người dân Việt Nam. 

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó dịch COVID-19 tại điểm cầu Bạc Liêu, có sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Minh Chiến cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành và các doanh nghiệp trong tỉnh. Ảnh:Trọng Nghĩa

Thủ tướng cũng yêu cầu phát biểu của các bộ, ngành phải rõ ràng, chất lượng, trọng tâm, đặc biệt là phải nêu rõ được những hỗ trợ, chính sách nào, giải pháp nào mới mẻ đối với DN thay vì chỉ nói toàn chuyện biết rồi và đặc biệt là cán bộ, công chức phải được quản lý để cán bộ, công chức chống lại sự vô cảm, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân và DN.

Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng khẩn thiết: “Ngay lúc này chúng ta cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ DN chớp lấy thời cơ “vàng”, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng!”

Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, trong bối cảnh đất nước đang đứng trước triển vọng lớn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề xuất: Cần quán triệt quan điểm hỗ trợ tối đa cho DN phát triển; coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển DN và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị như đã áp dụng đối với công cuộc phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua. 

“Trong trạng thái mới của nền kinh tế, điều quan trọng nhất đối với các DN chính là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hợp lý, không quá cực đoan, qua đó tạo điều kiện cho các DN dần thích nghi với điều kiện vừa phục hồi dần các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an toàn cho người lao động, tìm kiếm và tận dụng những cơ hội mới để phát triển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia…” - Bộ trưởng đề nghị.

Tại Hội nghị, có 23 lượt ý kiến phát biểu của các hiệp hội, DN, doanh nhân, các bộ, cơ quan; 81 kiến nghị trực tiếp của 4 hiệp hội DN nước ngoài, 9 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và 437 kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, 180 kiến nghị đã gửi đến VCCI. 

Theo VCCI, sau Hội nghị Thủ tướng với DN lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2016, tỷ lệ trả lời kiến nghị của DN do VCCI chuyển đến các bộ, ngành đã đạt 45%. Sau 4 năm (2016-2019), tỷ lệ trả lời kiến nghị DN của các bộ, ngành đã đạt khoảng 80%.

Đọc thêm