Đối tác tin cậy..
Phát biểu tại sự kiện, ông Adam Sitkoft - Giám đốc điều hành Amcham - khẳng định: “Mặc dù thặng dư thương mại của Việt Nam (VN) với Hoa Kỳ (HK) không ổn định, tôi tự tin rằng xu hướng tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia sẽ duy trì và ngày đi lên!”
Nhìn lại 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao VN – HK, 6 năm thiết lập và triển khai quan hệ Đối tác Toàn diện, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc khẳng định, quan hệ của hai nước đã có bước phát triển tích cực, thực chất trên tất cả các lĩnh vực và trên cả bình diện song phương và đa phương. “Đặc biệt, trong mỗi bước phát triển của quan hệ hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, cộng đồng DN VN – HK đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng!” - Chủ tịch VCCI khẳng định.
Ông dẫn chứng: Với sự năng động của mình, cộng đồng DN hai nước đã đưa kim ngạch thương mại hai chiều tăng gần 170 lần kể từ năm 1994 đến nay (450 triệu USD năm 1994, lên đến gần 76 tỷ USD trong năm 2019. Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian gần đây đã giúp VN có bước nhảy vọt từ vị trí thứ 12 lên thứ 9 trong các nước xuất khẩu lớn nhất vào HK.
“Nền kinh tế VN và HK ngày càng gia tăng tính bổ trợ lẫn nhau. Trong khi VN có các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu sang HK như thủy sản, hạt điều, dệt may, da giày… thì HK là nguồn cung dồi dào cho các mặt hàng VN có nhu cầu nhập khẩu cao như máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông, năng lượng, khí hóa lỏng hay nông sản nguyên liệu… VN đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của HK…” - TS Vũ Tiến Lộc phát biểu.
Khẳng định vai trò quan trọng của các DN HK, Thứ trường Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, các DN HK đã có mặt ở VN từ rất sớm ngay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao và đang đầu tư kinh doanh thành công tại VN, tiêu biểu là các dự án của Cargill, Coca - Cola, Pepsico, Caterpillar, Intel… Hiện HK đứng thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 1.000 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 9,4 tỷ USD; tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực kinh doanh khách sạn và ăn uống, công nghiệp chế biến - chế tạo…
Bên cạnh đó, HK hiện là TOP 10 trong số 81 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư. VN có gần 200 dự án đầu tư còn hiệu lực tại HK với tổng vốn đầu tư gần 750 triệu USD. Các dự án tiêu biểu có thể kể đến là đầu tư của Viettel, Vingroup, Vinamilk, FPT, VCB…
“VN là đối tác tin cậy của Chính phủ và các nhà đầu tư HK. Thông qua HN này chúng tôi muốn tăng cường sự kết nối các nhà đầu tư, khuyến khích các tập đoàn lớn của HK tiếp tục mở rộng đầu tư, đầu tư mới tại VN, hợp tác và tạo cơ hội để DN VN được tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực có lợi thế phát triển trong điều kiện “bình thường mới” như kinh tế số, giao dịch thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, dược phẩm, thiết bị y tế… Hỗ trợ và đồng hành cùng VN xây dựng các trung tâm, cơ sở chuyên biệt để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới như: Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Trung tâm Tài chính quốc tế..” - Thứ trưởng Trần Duy Đông bày tỏ.
Triển vọng hợp tác nhiều lĩnh vực
Không phải tự nhiên câu chuyện bánh Trung thu của VN được làm bằng nguyên liệu của 2 nước được nhắc tại Hội nghị.
Từ bên kia bán cầu, Đại sứ VN tại HK Hà Kim Ngọc xúc động chia sẻ, ông rất ấn tượng khi được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp HK tặng bánh Trung thu làm bằng yến mạch, phomat kem và quả thanh long của VN. Một clip ngắn do đích thân Đại sứ HK tại VN Daniel Kritenbrink là nhân vật chính chia sẻ cách làm bánh Trung thu với các nguyên liệu từ 2 nước được chiếu tại Hội nghị đã nhận được tiếng vỗ tay tán dương của cả hội trường.
Hình ảnh chiếc bánh Trung thu do Đại sứ HK tại VN Daniel Kritenbrink làm bằng yến mạch, phomat kem và quả thanh long được gắn cờ VN và HK được chiếu tại Hội nghị. |
Với những thế mạnh sẵn có mỗi bên, mà câu chuyên bánh Trung thu chỉ là một ẩn ý, các ý kiến tại Hội nghị đều đánh giá triển vọng hợp tác giữa 2 bên là rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực: năng lượng, cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số …
Trong phát biểu của mình, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dẫn chứng: VN có thủy điện, có nắng, có gió… Điều này cho thấy Việt Nam có thể là nước đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, theo ông, rào cản trong thúc đẩy quan hệ hợp tác hai bên không phải là công nghệ hay kỹ thuật mà là ý thức chính trị, là thể chế, cơ chế chính sách… Đây là vấn đề cần khơi thông để phát huy tiềm năng hợp tác.
“Những tiến bộ trong các vấn đề then chốt được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh ngày hôm nay sẽ giúp cải thiện các điều kiện kinh doanh nhằm tăng cường sức mạnh của khối tư nhân, đảm bảo sự phát triển kinh tế và xã hội thu hút thêm nguồn đầu tư và thúc đẩy sự thị vượng tại VN” - Giám đốc điều hành Amcham Adam Sitkoft nhấn mạnh.