Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương của 189 nước thành viên IMF và WB, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, đông đảo các tập đoàn, các tổ chức xã hội, giới nghiên cứu và truyền thông quốc tế.
Với chủ đề “Tranh thủ sự đột phá của công nghệ để định hình các nền kinh tế bao trùm trong tương lai”, Hội nghị thường niên IMF-WB thảo luận nhiều vấn đề trong kinh tế toàn cầu như tác động của chiến tranh thương mại đến triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới và khu vực, phối hợp chính sách tài chính- tiền tệ, tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến tăng trưởng kinh tế, ổn định tài chính, việc làm, công bằng và tiến bộ xã hội…
Tại Hội nghị, IMF đã công bố Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới năm 2018, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018-2019 là 3,7% do tăng trưởng chậm lại ở một số nền kinh tế chủ chốt dưới tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ ở Mỹ, căng thẳng thương mại leo thang, giá dầu tăng…
Phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể Hội nghị thường niên IMF-WB, Tổng Giám đốc IMF và Chủ tịch WB nhấn mạnh các nước cần nâng cao năng lực tự cường, sức kháng chịu của nền kinh tế, thúc đẩy cải cách cơ cấu, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, chống chủ nghĩa bảo hộ, tăng cường hợp tác toàn cầu, giảm mất cân đối toàn cầu, nỗ lực tranh thủ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phục vụ phát triển bền vững, cân bằng và bao trùm.
Chiều 12/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chương trình tham dự Cuộc gặp các nhà Lãnh đạo ASEAN nhân dịp Hội nghị thường niên IMF - WB.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Hội đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Hai nhà lãnh đạo trao đổi ý kiến sâu rộng về những phương hướng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước, đưa hợp tác lên tầm cao mới và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần tạo đột phá, đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính của đối tác chiến lược; phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỷ USD với việc tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa thuộc thế mạnh của mỗi nước tiếp cận thị trường, hạn chế áp dụng rào cản kỹ thuật, đơn giản hóa thủ tục hải quan, hợp tác chặt chẽ trong kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và kiểm dịch.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần tăng cường hơn nữa hợp tác biển, nhất trí giao cơ quan chức năng của hai nước nghiên cứu sớm thành lập cơ chế hợp tác biển để thảo luận về các nội dung hợp tác liên quan, đặc biệt là hợp tác nghề cá, chế biến thủy sản và xây dựng một khuôn khổ thuận lợi cho ngư dân hai nước hoạt động đánh bắt hải sản an toàn, bền vững và hợp pháp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và cảm ơn Chính phủ Indonesia đã cho hồi hương 177 ngư dân Việt Nam; đề nghị hai bên thường xuyên trao đổi thông tin và xử lý ngư dân, tàu cá trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
Hai bên nhất trí thúc đẩy thiết lập đường dây nóng về đánh bắt cá và các vấn đề trên biển, giao Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan phối hợp triển khai, đồng thời tích cực phối hợp triển khai Thông cáo chung về hợp tác quốc tế tình nguyện chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không giấy phép và không khai báo (IUU) vừa ký kết tháng 9/2018.
Hai lãnh đạo hoan nghênh tiến triển trong tiến trình phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) sau 11 vòng đàm phán, nhất trí thúc đẩy sớm đạt được giải pháp phù hợp với cả hai nước và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Hai bên khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phối hợp chặt chẽ với nhau và với các bên liên quan khác đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý. Tổng thống Widodo cam kết hợp tác chặt chẽ và ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020.