“Hồi sinh” di sản, di tích Nho học

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -   Nhiều di tích Nho học đã bị hủy hoại, chỉ còn lại tên gọi như hệ thống trường học, trường thi, bảng môn đình. Ở nhiều nơi hiện nay, những người được giao trông nom trực tiếp di tích, di vật cũng không biết chữ Nho, không hiểu giá trị của các di vật.
Bia ghi danh tiến sĩ đỗ đạt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng chữ Nho.
Bia ghi danh tiến sĩ đỗ đạt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng chữ Nho.

Di sản gần 2.000 tuổi

Di sản văn hóa Nho học ở nước ta có nguồn gốc lâu đời. Theo sử sách ghi lại, ngay từ đầu công nguyên, Nho học đã được du nhập vào nước ta. Hiện nay, tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) vẫn còn ngôi đền thờ Nam giao học từ năm 187 đến năm 226 sau Công nguyên. Sau khi đất nước giành được độc lập, nhà Lý (thế kỷ XI) lấy Nho học làm nền tảng giáo dục, khoa sử.

Đến thời Vua Lê Hồng Đức, triều đình bắt đầu cho dựng bia ghi danh tiến sĩ đỗ đạt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám tại kinh đô Thăng Long. Trải qua hai thiên niên kỷ tồn tại và phát triển, Nho học đã góp phần tạo dựng một nền giáo dục mang bản sắc riêng của dân tộc ta, đào tạo ra rất nhiều thế hệ danh nhân nổi tiếng góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đến khi văn hóa phương Tây vào nước ta, khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chữ quốc ngữ thay thế chữ Nho. Sau kỳ thi cuối cùng năm 1919, Nho học đã bị thay thế hoàn toàn bằng nền giáo dục dùng chữ quốc ngữ.

Với bề dày gần hai mươi thế kỷ gắn bó với người Việt Nam, Nho học đã để lại cho hậu thế một kho tàng tri thức phong phú về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Gần một thế kỷ qua, do chưa được quan tâm, nhiều di tích Nho học đã bị hủy hoại, chỉ còn lại tên gọi, ngoại trừ Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội, Văn Thánh Miếu Huế là còn được bảo tồn khá tốt. Một vài nơi còn dấu vết như Văn Miếu Sơn Tây, Văn Miếu Nghệ An… Hệ thống Văn chỉ, Từ chỉ tại các huyện, xã có truyền thống khoa cử đã bị hư hại phần lớn.

Hầu hết các di tích Nho học đều được xây dựng bằng bộ khung gỗ truyền thống rất dễ bị hư hại trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ở nước ta. Các hiện vật liên quan đến Nho học như hệ thống bia đá thường không được bảo quản tốt, bị phơi ngoài mưa nắng, nhiều tấm bia đã bị hư hại nghiêm trọng.

Có những tấm bia được công nhận là Bảo vật quốc gia nhưng đã bị nứt, vỡ, nhiều chữ bị mòn. Nhiều di vật bằng giấy, mộc bản bao gồm các thần phả, sắc phong bị mối, mọt do điều kiện bảo quản không tốt, không có phương diện bảo quản, không có kinh phí để phục hồi.

Ở nhiều nơi hiện nay, những người được giao trông nom trực tiếp di tích, di vật không biết chữ Nho, không hiểu giá trị của các di vật mà họ đang được giao trông nom. Không ít di vật bị hủy hoại một cách đáng tiếc. Việc phát huy giá trị các di sản văn hóa Nho học lại bị lãng quên, những người am hiểu chữ Nho dần khuất núi.

“Hồi sinh” di sản

Để các di sản Nho học “hồi sinh” trong thời đại 4.0, các nhà nghiên cứu văn hóa đưa ra nhiều ý kiến: Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh bảo tồn và phát huy giá trị di tích; thực hiện sưu tầm bổ sung các tư liệu hiện vật liên quan đến di tích Nho học như: văn bia, sắc phong, sắc chỉ, lệnh chỉ, gia phả, sách cổ; khuyến khích các địa phương vận động xã hội hóa tu bổ, tôn tạo các di tích xuống cấp, hoặc phục dựng các di tích trên cơ sở có đủ căn cứ khoa học và căn cứ pháp lý; tổ chức tuyên truyền nội dung giá trị các di tích bằng nhiều hình thức: viết sách giới thiệu, tờ gấp, dựng phim tư liệu…

Hơn nữa, cần nghiên cứu tư liệu, thám sát khảo cổ để thấy rõ hình ảnh ban đầu của di tích, sự biến đổi của di tích qua từng thời kỳ; đề xuất phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích phù hợp với quan điểm bảo tồn hài hòa với phát triển bền vững; nghiên cứu kỹ tình trạng kỹ thuật của các hạng mục ở di tích: cách lựa chọn vị trí xây dựng, quy hoạch mặt bằng tổng thể di tích, kiểu thức thiết kế các hạng mục, các loại vật liệu, màu sắc sử dụng cho di tích... từ đó xác định mức độ cần can thiệp để bảo tồn, tôn tạo di tích.

Ngoài ra, các đơn vị quản lý di tích Nho học nên chủ động phối hợp với ngành du lịch đưa di tích Nho học lên bản đồ du lịch; ứng dụng thành tựu quốc tế về bảo quản, phục hồi di tích, di vật, nghiên cứu, sưu tầm thông tin, tư liệu; đồng thời mở rộng liên kết, hợp tác với các cơ quan trong nước, quốc tế có liên quan để chia sẻ kinh nghiệm, thông tin…

Việc bảo tồn, phát huy giá trị của hệ thống di tích Nho học ở các địa phương sẽ giúp các di tích “sống” được trong đời sống đương đại, phát triển du lịch nói riêng và đời sống kinh tế - xã hội nói chung, đồng thời góp phần tăng cường giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc đối với thế hệ trẻ ngày nay.

Đọc thêm