Hồi sinh những dòng sông chết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có quy hoạch quốc gia về nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nói với báo chí, Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho hay, một nhiệm vụ quan trọng của quy hoạch là cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; phục hồi, bảo vệ các khu vực, tầng chứa nước dưới đất bị suy giảm mực nước, ô nhiễm, nhiễm mặn.

Trước mắt từ nay đến năm 2025, Bộ TN&MT nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm xã hội hóa phục hồi sông Nhuệ, sông Đáy, sông Bắc Hưng Hải và Ngũ Huyện Khê trình Chính phủ xem xét, phê duyệt làm căn cứ triển khai.

Nói một cách khác, những dòng sông bị suy thoái cạn kiệt như Tô Lịch, Nhuệ, Đáy, Bắc Hưng Hải ở miền Bắc… hiện ở tình trạng không còn là dòng sông theo đúng nghĩa mà đã trở thành kênh dẫn nước thải, sẽ được hồi sinh sống lại trong xanh hiền hòa.

Tuyên bố của vị Cục trưởng có thể nhận được một số băn khoăn từ một số người dân. Vì tình trạng ô nhiễm ở một số dòng sông đã trở nên vô cùng trầm trọng. Có những con “sông” ngay giữa lòng Hà Nội đã trở thành nơi chứa nước thải tù đọng hôi hám ruồi muỗi, người người đi qua sáng trưa chiều tối phải bịt mũi nín thở. Hà Nội cũng đã từng thử nghiệm một số công nghệ để “làm sạch dòng nước”, nhưng kết quả không thực sự mỹ mãn, thậm chí là cơ hội để một số cán bộ có thẩm quyền trục lợi từ công việc làm sạch sông hồ; sự việc đã thành bản án.

Tuy nhiên, nhìn vào một số đô thị lớn ở phía Nam như TP HCM, thì chúng ta tin tưởng công việc này có thể làm được, nếu cả chính quyền địa phương và người dân đều quyết tâm. Như kênh Nhiêu Lộc hàng chục năm từng bị bủa vây hai bên bởi những khu nhà “ổ chuột”, dòng nước từng đen đúa bốc mùi, người dân sống hai bên bờ khổ cực; nhưng sau những cuộc chỉnh trang đô thị, nay đã thực sự là con kênh xanh xanh, bờ kênh là nơi người dân đi dạo hóng mát vui chơi giải trí tận hưởng cuộc sống. Không cần “công nghệ” cao siêu hay cách làm tiên tiến nào từ nước ngoài, mà kinh nghiệm chỉnh trang hồi sinh kênh Nhiêu Lộc tại TP HCM chính là tấm gương các địa phương có thể học theo.

Và để làm sống lại các dòng sông chết, còn cần những giải pháp tổng hợp khác; như công tác thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường; xây dựng điều hành các công trình điều tiết nước như cống thủy lợi có chế độ vận hành hợp lý, thực hiện tốt chức năng cung cấp nước, điều tiết dòng chảy. Còn một yếu tố vô cùng quan trọng khác, là ý thức người dân không xả rác bừa bãi, hạn chế tối đa sử dụng túi nilon; về phía các doanh nghiệp thì phải không xả thải bừa bãi vào môi trường.

Ở tầm vĩ mô, các vấn đề mang tính liên ngành, liên tỉnh như quy hoạch, phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy, bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản cũng phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý tài nguyên nước với các cơ quan, bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh.

Các nguồn nước, các dòng sông phải được bảo vệ theo đúng ý nghĩa coi nước là tài sản quốc gia, thân thuộc liên quan mật thiết đến đời sống mỗi cá nhân; thì nhất định ngày hồi sinh của những dòng sông chết, sẽ không còn xa.

Đọc thêm