Xu hướng in lại sách xưa
Mới đây, nhân kỷ niệm 60 năm ấn phẩm bằng tiếng Việt “Đại Nam thực lục – 10 tập” ra mắt đầu tiên (1962 – 2022), nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo độc giả, các thư viện ở trong và ngoài nước, Viện Sử học phối hợp với Nhà xuất bản (NXB) Hà Nội và Công ty Cổ phần Tri thức Văn hóa sách Việt Nam tổ chức tái bản lần hai bộ sách lịch sử này.
Bộ sách “Đại Nam thực lục” tiền biên và chính biên do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn có 560 quyển, là bộ Sử đồ sộ nhất của Việt Nam đã được ấn hành. Đây là bộ Sử được thực hiện trong gần 90 năm (1821 - 1909) từ triều Minh Mạng đến triều Duy Tân, tập trung các đại thần và chuyên gia hàng đầu của triều đình Huế, cũng là một kỷ lục về thời gian và kỳ công tổ chức biên soạn.
Đây là nguồn sử liệu hàng đầu giúp cho các nhà nghiên cứu cũng như bạn đọc quan tâm đến lịch sử Việt Nam nói chung và triều Nguyễn nói riêng trong 330 năm (1558 - 1888) đầy biến động của đất nước. Từ năm 2002 đến 2007, Viện Sử học đã liên kết với NXB Giáo dục cho ra mắt 10 tập sách Đại Nam thực lục (tái bản lần thứ nhất). Tuy nhiên, vì số lượng in ấn không nhiều, không đáp ứng đủ nhu cầu nên nhân kỷ niệm 60 năm lần xuất bản “Đại Nam thực lục” đầu tiên bằng quốc ngữ, bộ sách tái bản lần hai đã được ra mắt.
Trở lại với bạn đọc cả nước lần này, “Đại Nam thực lục” giữ nguyên cấu trúc 10 tập, khổ 16x24 cm của lần tái bản trước và đã cho rà soát, sửa lỗi kỹ thuật của các ấn bản công bố trước đây. Việc tái bản bộ sách này sẽ góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử thời Nguyễn, đồng thời qua đó nâng cao và lan tỏa hơn nữa niềm yêu thích về lịch sử văn hóa Việt Nam.
Bên cạnh ấn phẩm “Đại Nam thực lục – 10 tập”, vài năm trở lại đây hàng loạt đầu sách xưa cũng được hồi sinh bởi nhiều cơ sở phát hành, xuất bản. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, tái bản sách xưa đã và đang là xu hướng. Trên thực tế, nếu so số lượng đầu sách tên tuổi được tái bản với sách mới, sách ngoại lai thì “không thấm vào đâu”, nhưng việc vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược tái bản sách xưa cũng cho thấy tín hiệu đáng mừng của thị trường sách, khi đang dần quan tâm trở lại với giá trị trường tồn của văn học nước nhà.
Để cuốn sách xưa đến được với tay người đọc trong một “diện mạo mới”, các cơ sở phát hành, xuất bản không chỉ đóng vai trò cầu nối giữa độc giả và những tác phẩm kinh điển mà còn cần phải chú trọng đến vẻ ngoài, nội dung của từng trang sách. Bởi biên tập sách tái bản là việc khó và cần sự kiên nhẫn, cùng với đó là thái độ, cách hiểu văn bản, cách xử lý và ứng xử với văn bản, sự hiểu biết về bối cảnh lịch sử và lịch sử xuất bản liên quan.Việc khó là vậy nhưng ít ai quản ngại bởi những giá trị cốt lõi mà những bộ sách xưa kinh điển mang lại.
Học sử qua từng trang sách quý
“Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, đó là hai câu đầu của bài thơ lục bát “Lịch sử nước ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác vào năm 1942. Đây không đơn thuần chỉ là lời kêu gọi mà còn là chân lý, là khoa học, là mỹ học: Phải biết lịch sử một cách tường tận, rõ ràng, cụ thể. Không dạy cho thế hệ tương lai biết tường tận về lịch sử là có lỗi với lịch sử.
Nhưng có một sự thật là hiện nay không có nhiều người trẻ quan tâm tới lịch sử nước nhà. Đây là một thực trạng đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh thông tin bùng nổ, mạng xã hội ảnh hưởng xấu đến người trẻ thì việc được tiếp cận với những cuốn sách xưa giàu giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại là vô cùng cần thiết.
Một phần nguyên nhân có lẽ bởi người trẻ chưa tìm được nguồn thông tin phù hợp để tiếp nhận giá trị lịch sử. Mặc dù chúng ta không thiếu các bộ sách về lịch sử dân tộc được biên soạn công phu nhưng rất ít người trẻ tiếp cận được với chúng. Bởi những cuốn sách xưa đều vắng bóng trong các nhà sách, thư viện và khó có thể tìm đọc được. Do vậy, việc tái bản sách xưa có vai trò quan trọng trong việc giáo dục và mang giá trị lịch sử đến gần hơn với người đọc trẻ.
Giờ đây bạn đọc trẻ có thể dễ dàng đọc và tìm hiểu về lịch sử Việt Nam qua từng bộ sách tái bản với diện mạo sách xưa nhưng không cũ. Những trang sách quý mang giá trị cốt lõi bền bỉ theo thời gian được viết ra bởi những con người ưu tú của dân tộc, với những câu chuyện chân thực qua từng trang sách. Nhiều cuốn sách không đơn thuần chỉ là in lại, mà còn được dày công biên tập, tỉ mẩn chọn lọc để ra mắt những “bổn cũ soạn lại” vẫn giữ được trọn vẹn phong vị của ngày xưa lại vừa được thổi hồn hơi thở hiện đại. Đây chính là cơ hội để giới thiệu người đọc trẻ tìm hiểu lịch sử nước nhà và thưởng thức những giá trị tri thức xưa – điều từng nâng đỡ tâm hồn các thế hệ trước.
Và càng đáng mừng hơn khi sự hồi sinh này được công chúng hào hứng đón nhận. Tuy tái xuất cùng độc giả thế kỷ 21 hiện đại với phong khí, bối cảnh xã hội, văn phong của giai đoạn thế kỷ trước nhưng những cuốn sách trên không hề “lạc quẻ” mà còn thu hút sự chú ý của độc giả, nhất là những bạn trẻ. Bạn trẻ Hà Thu (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Giữa cơn bão sách bát nháo, sách ngoại lai ồ ạt tấn công thị trường như hiện nay, việc tìm một tác phẩm có giá trị như “mò kim đáy bể”. Vì vậy mình lựa chọn những tác phẩm kinh điển được tái bản để đọc và giới thiệu với bạn bè, vừa để ủng hộ cho nền văn học truyền thống vừa để tiếp thu giá trị của ông cha ta để lại”.
Có thể thấy, trong hệ thống sách mới đồ sộ và đa dạng như hiện nay nhưng dòng sách xưa vẫn thu hút được sự chú ý của độc giả. Việc hồi sinh sách xưa không chỉ giúp gìn giữ, duy trì giá trị lịch sử mà còn có ý nghĩa trong việc khơi gợi niềm say mê với lịch sử của người trẻ.