Năm 2020, WHO lựa chọn là năm quốc tế về điều dưỡng và hộ sinh nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của điều dưỡng và hộ sinh vào việc đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ. Đồng thời phát động “Chiến dịch Điều dưỡng ngày nay - Nursing Now Campaign” nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo quốc gia và thế giới về thiên chức và vai trò thiết yếu của điều dưỡng, hộ sinh trong việc duy trì một thế giới khỏe mạnh.
TS Kidong Park, Trưởng Đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam cho biết, WHO đang kêu gọi các nước thành viên tăng cường đầu tư vào đào tạo điều dưỡng và hộ sinh; tăng cường đầu tư để tạo ra nhiều cơ hội việc làm tốt cho điều dưỡng và hộ sinh; tăng cường đầu tư để đẩy mạnh vai trò lãnh đạo cho điều dưỡng và hộ sinh.
Với gần 28 triệu điều dưỡng, hộ sinh toàn cầu nói chung và gần 140.000 điều dưỡng, hộ sinh của Việt Nam, điều dưỡng, hộ sinh chiếm gần 50% nguồn nhân lực y tế, cung cấp dịch vụ nhiều nhất, thường xuyên nhất và liên tục nhất. Vì vậy, sẽ không có một chương trình y tế quốc gia hiệu quả nếu không phát huy tối đa tiềm năng của điều dưỡng, hộ sinh.
Trong năm 2020, năm quốc tế về điều dưỡng, hộ sinh, WHO khuyến cáo các nhà lãnh đạo đầu tư cho 3 lĩnh vực của điều dưỡng, hộ sinh là: Đào tạo, sử dụng và tăng cường sự tham gia của họ vào việc hoạch định chính sách y tế.
Tại Việt Nam, mạng lưới điều dưỡng và nữ hộ sinh đã được thiết lập rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Điều đó cho thấy, nhu cầu và vai trò rất to lớn của đội ngũ điều dưỡng và nữ hộ sinh trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc cho bà mẹ và trẻ em ngày càng cao.
Theo ThS Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, đại dịch Covid-19 giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn và thuyết phục hơn về sự đóng góp của điều dưỡng, hộ sinh, với vai trò là những chiến sĩ tuyến đầu. Họ đã vượt lên những nguy cơ của dịch bệnh, phối hợp với các thầy thuốc, thực hiện hàng loạt hoạt động y tế như: Sàng lọc người bệnh, tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, theo dõi, chăm sóc và là chỗ dựa về tinh thần cho người bệnh Covid-19.
Sự thành công trong phòng chống Covid-19 tại Việt Nam là thành tựu chung của toàn bộ hệ thống chính trị, của ngành Y tế Việt Nam, trong đó không thể không nói tới sự đóng góp to lớn và thầm lặng của điều dưỡng, hộ sinh.
Đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam cho biết, công bố báo cáo về Điều dưỡng thế giới 2020 cho thấy, Việt Nam cần phải tạo thêm nhiều việc phù hợp cho điều dưỡng. Tỉ lệ trung bình điều dưỡng trên một vạn dân của Việt Nam là 11,4, chưa bằng một nửa so với tỉ lệ trung bình toàn cầu.
Báo cáo cũng cho thấy rằng Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng, vì có nhiều khả năng đến năm 2030 nguồn nhân lực điều dưỡng tại Việt Nam sẽ thiếu khoảng 40.000 đến 50.000 người.