Khó có thể cao hơn 15 điểm?
Đề cập việc Bộ GD-ĐT sẽ xác định ngưỡng điểm sàn cho các trường ĐH, CĐ trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, từ năm 2018 trở đi, điểm sàn sẽ do các trường ĐH, CĐ quy định. Tuy nhiên, trong đề án tuyển sinh các trường phải cung cấp thông tin về tỉ suất đầu tư cho một sinh viên, tỉ lệ việc làm của sinh viên... Khi các trường đã cung cấp cho xã hội, thí sinh các điều kiện lựa chọn trường học, ngành nghề thì khi đó Bộ có thể không cần quy định mức điểm sàn mà việc đó sẽ do các trường tự quyết định. Các quy định từ năm thứ 3 trở đi bắt đầu ổn định, không có nhiều thay đổi trong những năm tiếp theo.
Do đó, dù điểm thi cao, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ nhiều hơn năm 2016, nhưng với quy định không giới hạn số nguyện vọng đăng ký xét tuyển thì điểm sàn năm 2017 sẽ khó có thể cao hơn mức 15 điểm. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, điểm thi năm nay nhích hơn một chút so với năm ngoái, điều này sẽ tác động chung đến toàn hệ thống các trường ĐH, CĐ hay các trường trung cấp chuyên nghiệp. Và thực tế, điểm sàn không có ý nghĩa với các trường tốp đầu khi mà điểm chuẩn luôn vượt xa, thậm chí 27,28 thí sinh điểm cao vẫn lo trượt ngành yêu thích. Điểm sàn chỉ có ảnh hưởng với các trường ngoài công lập và tốp dưới, các trường khó tuyển…
Điểm chuẩn có biến động?
Năm nay, lần đầu tiên cả nước thành lập hai nhóm xét tuyển lớn ở hai miền Nam và Bắc. Dù đều thành lập để xét tuyển trên tinh thần làm sao để lọc “ảo” hiệu quả nhất, nhưng hai nhóm lại có quy trình xét tuyển và lọc “ảo” của riêng mình. Đối với nhóm xét tuyển phía Bắc, nhóm xây dựng quy trình xét tuyển theo phương thức điều chỉnh điểm chuẩn. Khi một trường thành viên trong nhóm điều chỉnh trực tuyến điểm chuẩn của mình, cả nhóm sẽ có nhận được thông tin và có thể điều chỉnh theo nếu thấy nó có tác động lớn đến chỉ tiêu của trường mình.
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng quy trình như vậy sẽ khiến điểm chuẩn 2017 biến động mạnh mẽ vì khi một trường điều chỉnh điểm chuẩn, các trường khác có thể buộc phải điều chỉnh lại điểm chuẩn trường mình để đảm bảo nguyên tắc 1 thí sinh chỉ có thể trúng tuyển 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể. Quy trình lọc “ảo” như vậy rất phức tạp, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường để cho ra danh sách thí sinh trúng tuyển tối ưu nhất. Vì thế, nhiều khả năng các trường ĐH có thể nâng điểm chuẩn 2017 cao hơn so với mọi năm để lọc “ảo” tối ưu. Đặc biệt là lọc “ảo” cả với thí sinh thực chất đăng ký vào trường mình.
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ cũng cho biết các trường ở tốp đầu như: ĐH Y, Dược, Ngoại thương sẽ vất vả hơn trong việc sàng lọc các thí sinh có điểm cao nhưng chất lượng thì cần phải xét lại một lần nữa. Đến nay, có thể dễ dàng thấy được điểm số của các thí sinh khá cao so với các năm trước đây, nên việc các trường rục rịch tăng điểm chuẩn là điều có thể dễ dàng thấy được.
Còn PGS-TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, với những điểm thi vừa được công bố thì kỳ thi THPT 2017 được đánh giá là thành công và có sự phân biệt điểm số rất rõ ràng. Sự tách bạch về các trường tốp đầu thể hiện việc đưa điểm lên cao sẽ khiến các thí sinh chú ý hơn, còn các trường tốp dưới có thể lựa chọn học sinh theo phân khúc điểm thấp hơn. Đa số các em học sinh thi điểm rơi vào từ 16-22 điểm sẽ phù hợp với các trường ĐH có phân khúc trung bình. Việc này đảm bảo phân loại học sinh ngay ở kỳ thi. Nhà trường hiện nay cũng sẽ có sự tăng nhẹ về điểm số để công bằng cho các thí sinh đăng ký dự thi vào trường, ông Triệu nói.
Ở góc độ khác, TS Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng Khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết, nhiều thí sinh gửi câu hỏi đến ban tư vấn xét tuyển hỏi điểm chuẩn. Phần lớn các em quan tâm với số điểm nào thì đỗ đại học. Đây là những câu hỏi khó có câu trả lời, bởi không ai có thể dự đoán được chính xác con số này. Tuy nhiên, thí sinh có một căn cứ để dự đoán số điểm. Nhìn vào phổ điểm năm nay có thể thấy điểm trung bình khối D cao hơn năm ngoái 3 điểm, khối C cao hơn 2 điểm, khối A về cơ bản được giữ nguyên, khối A1 tăng 1,5-2 điểm. Thí sinh hãy căn cứ điểm chuẩn năm ngoái để cộng thêm 1,5-2 điểm. Thí sinh cũng có thể cộng thêm 0,5-1 điểm để có phương án trung bình. Lúc đó, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội đỗ hơn. Tất nhiên, đây chỉ là phương án tham khảo chứ không ai có thể khẳng định điểm chuẩn có đúng công thức đó không.
TS Phạm Mạnh Hà cũng lưu ý thêm, nếu thí sinh chỉ căn cứ điểm các em đạt so với điểm năm ngoái thì rất khó có cơ hội chắc chắn. Năm nay, trường tốp trên như ĐH Y dược, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân có thể điểm chuẩn tăng nhưng không nhiều. Vì với mức điểm 26-28 khó có thể tăng nhiều hơn, điểm chuẩn có thể giữ nguyên hoặc tăng thêm 0,25-0,5 điểm. Những trường tốp giữa có phổ điểm 18-22 sẽ biến động. Vì thế, phụ huynh và học sinh cần tính toán để có lựa chọn chính xác.
- Ngày 12/7: Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu.
- Trước ngày 15/7: Các trường công bố điểm nhận hồ sơ.
- 8h ngày 15/7 – 17h ngày 21/7: TS điều chỉnh NV trực tuyến.
- Từ ngày 15/7 đến 17h ngày 23/7: TS điều chỉnh NV bằng phiếu tại điểm thu nhận.
- Trước 17h ngày 25/7: TS kiểm tra kết quả điều chỉnh NV.
- Trước 17h ngày 1/8: Các trường công bố kết quả.