Hôm nay, Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

0:00 / 0:00
0:00
Sáng nay, 14/4, tại Quảng Ninh, Bộ Y tế phát động chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và hưởng ứng "Tuần lễ tiêm chủng năm 2022".
Ảnh minh họa:.
Ảnh minh họa:.

Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi sẽ thực hiện trước đối với nhóm trẻ lớp 6, sau đó sẽ hạ dần độ tuổi. Vaccine tiêm cho trẻ hôm nay là vaccine Moderna. Bộ Y tế đã tập huấn và hướng dẫn chi tiết việc tiêm vaccine này. Theo đó, vaccine Moderna tiêm cho trẻ từ 6 - dưới 12 tuổi với liều 0,25ml, bằng 1/2 liều cơ bản của người lớn, giống tiêm vaccine cho người lớn liều nhắc lại.

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên sẽ triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ ở độ tuổi này. Dự kiến, trong tuần tới, việc tiêm chủng cho nhóm trẻ này sẽ đồng loạt được thực hiện tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Việc tiêm vaccine sẽ được triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng. Với mỗi lô vaccine và từng nhóm trẻ, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Hai loại vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là vaccine Pfizer và vaccine Moderna. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 4 tuần. Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.

Đến nay có hơn 53 quốc gia đã có kế hoạch/triển khai tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi. Việc tiêm chủng ở các quốc gia triển khai khác nhau: một số quốc gia triển khai cho nhóm trẻ có bệnh nền; một số quốc gia triển khai tiêm 1 mũi cho trẻ; nhiều quốc gia trong đó có các nước thuộc liên minh châu Âu, Mỹ tiêm cho toàn bộ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng khuyến cáo, trước khi đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng COVID-19 gia đình cần theo dõi sát sức khỏe của trẻ, đánh giá việc ăn, ngủ, sinh hoạt có bất thường hay không, đặc biệt với nhóm 5-6 tuổi. Với các trường hợp lớn hơn, cha mẹ nên lưu ý các bất thường liên quan sức khỏe đường hô hấp.

Với những trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp, nghi ngờ mắc COVID-19 thì không đến điểm tiêm đến tránh lây lan mầm bệnh, phụ huynh tạm thời dừng tiêm cho trẻ đến khi trẻ thật sự khỏe mạnh.

Khi tới các điểm tiêm chủng, cha mẹ cần chia sẻ cụ thể với cán bộ y tế khám sàng lọc về tiền sử bệnh tật, dị ứng, bệnh mãn tính của trẻ (nếu có) để có chỉ định và hướng dẫn cụ thể, cần thiết chuyển trẻ đến tiêm tại bệnh viện.

Các phụ huynh nên tuân thủ khuyến cáo ở lại điểm tiêm để theo dõi sau 30 phút nhằm xử lý kịp thời tình huống phản ứng phản vệ, đồng thời báo lại cho cán bộ y tế tình trạng của trẻ trước khi về. Khi về cần chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ trong ít nhất 3 ngày sau tiêm.

Cả nước hiện có khoảng 11,8 triệu trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19 , trong số đó ước tính đến nay có khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19. Việc tiêm đủ 2 mũi cho trẻ đủ điều kiện sẽ được ngành y tế thực hiện từ nay cho đến cuối quý II/2022.

Uớc tính có khoảng 3,6 triệu trẻ ở trong độ tuổi trên đã mắc COVID-19. Để đảm bảo an toàn khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ nhất là khi trẻ đã mắc COVID-19 trước đó, căn cứ vào các bằng chứng khoa học cũng như kinh nghiệm công bố của các quốc gia đã triển khai tiêm cho trẻ em, Hội đồng chuyên môn tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã đồng thuận quy định thời gian tối thiểu để tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã mắc sau 3 tháng.

Vì vậy, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho số trẻ đã mắc được thực hiện sau 3 tháng khỏi COVID-19 sẽ triển khai tiêm vào tháng 7-8/2022.

Đọc thêm