Hơn 800 ngàn lao động rút bảo hiểm xã hội một lần

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết ngày 24/1, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá đây là thực tế đáng lo ngại sau hai năm liên tiếp chịu tác động của đại dịch.
Người lao động làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần tại Bảo hiểm xã hội Quận 12, TP HCM.
Người lao động làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần tại Bảo hiểm xã hội Quận 12, TP HCM.

Để hạn chế tình trạng trên, cơ quan này sẽ tích cực tuyên truyền, đề xuất chính sách trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sắp tới để giữ chân lao động lại hệ thống an sinh.

Cơ quan soạn thảo Luật sửa đổi tính toán không “siết” điều kiện hưởng, mà thiết kế chế độ hưu trí đa tầng để thu hút lao động tham gia; sửa điều kiện hưởng lương hưu, giảm dần số năm đóng BHXH từ 20 xuống còn 15 năm, tiến tới 10 năm để nhiều người tiếp cận hưu trí; bổ sung các nhóm đóng bắt buộc, như các hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp. Một số giải pháp khác cũng được tính tới, như thay đổi chính sách trợ cấp thất nghiệp, khôi phục thị trường lao động, duy trì việc làm.

Thống kê từ năm 2016 đến 2020 có trên 3,7 triệu người chọn hưởng chính sách BHXH một lần; mỗi năm trung bình gần 750.000 người rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia. Cứ hai người mới tham gia vào hệ thống BHXH thì một người rời đi và xu thế này chưa có dấu hiệu dừng lại. Riêng năm 2020 lần đầu tiên chịu ảnh hưởng của dịch, có 860.741 người chọn hưởng BHXH một lần, tăng trên 6,6% so với năm 2019.

Tính đến hết năm 2021, gần 16,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc (tăng gần 2,6%), khu vực tự nguyện đạt 1,3 triệu người (tăng 19%). Song số người tham gia chưa xứng với tiềm năng, mới chiếm trên 33% lực lượng lao động.

Theo ông Mạnh, mức đóng tăng ở khu vực BHXH tự nguyện (thấp nhất là 330.000 đồng) trong bối cảnh lao động phi chính thức mất việc làm, giảm sút thu nhập trở thành “bài toán khó” với ngành trong năm 2022. Cơ quan này tính toán đề xuất tăng hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước, cao hơn mức 20 – 30% cho các nhóm hộ nghèo, cận nghèo như hiện nay. Ông cũng đề nghị các địa phương trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người dân.

Ngoài ra, ông Mạnh cho biết BHXH Việt Nam đã hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ 38.000 tỷ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong vòng ba tháng, tính từ 1/10/2021. Gần 13 triệu lao động thụ hưởng chính sách với tổng kinh phí hơn 30,7 nghìn tỷ đồng.

Lãnh đạo BHXH Việt Nam nhấn mạnh đây là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ khi lượng lao động lớn, giải ngân gấp nên cực kỳ áp lực với toàn ngành. Để kịp tiến độ, “nhân viên bảo hiểm xã hội các tỉnh thành làm ngày làm đêm, thậm chí không có ngày cuối tuần”. Cơ quan này đã lập 5 đoàn kiểm tra để đốc thúc, tháo gỡ khó khăn cho cấp cơ sở.

Lợi thế là cơ quan bảo hiểm có đầy đủ dữ liệu lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp nên xác minh và chi trả hỗ trợ nhanh. Trong 5 ngày, toàn ngành đã hoàn thành thông báo giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 363.000 doanh nghiệp. Điều đó cho thấy hệ thống thông tin, dữ liệu của người lao động, doanh nghiệp cực kỳ quan trọng để thực hiện nhanh, chính xác các gói hỗ trợ trong dịch.

Đọc thêm