Từ Quốc lộ 1A, xuôi theo hướng Đà Nẵng-TP.Hồ Chí Minh, đến trung tâm thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành rồi quẹo trái vượt qua một đoạn đường nhựa đi chừng 15 phút là đến với bến phà xã Tam Quang. Chờ tầm 10 phút, con phà nhỏ bồng bềnh đưa chúng tôi vượt dòng sông Trường Giang sang bên kia làng chài của miền sông nước “ốc đảo” Tam Hải huyền bí với những câu chuyện chỉ có trong truyện cổ tích. Một trong số đó có sự tích ly kỳ về hai “lu nước trời” có ngàn năm tuổi.
Mơ hồ về lai lịch “xuất thân”
Theo chân của những người dân nơi đây, chúng tôi tìm về với hai giếng cổ kỳ lạ này. Những câu chuyện mới nghe tưởng chừng huyễn hoặc nhưng lại là sự thực hiển nhiên trên đảo. Người dân trên đảo, bất kỳ già trẻ cũng đều biết. Bởi, với họ, hai ngôi giếng này như là một phần của cuộc sống.
Lân la cũng những bậc cao niên trên đảo, chúng tôi khám phá thêm những điều huyền bí về hai giếng cổ thiêng này. Theo những ghi chép lại về lai lịch xuất thân, hai ngôi giếng này có từ thời Chiêm Thành, đến nay đã “thọ” ngót ngàn năm tuổi có dư. Qua thời gian, những ai am hiểu cũng không còn. Dần dần, thế hệ già mất đi, thế hệ trẻ sinh ra cũng không còn ai biết rõ về sự tích 2 ngôi giếng cổ này thực hư là đã “thọ” chính xác được bao nhiêu năm tuổi.
Dấu tích về lịch sử 2 giếng cổ này được ghi lại trên tấm bia đá cẩm thạch đặt kề đó. Nội dung trên tấm văn bia đã khắc in dấu ấn lịch sử của lớp tiền nhân đầu tiên đi khai khẩn vùng đất này. Tuy nhiên, trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, những dòng chữ trên đã nhạt nhòa theo thời gian và không nhìn thầy rõ. Do đó, không có còn một ai trong làng có thể dịch hay hiểu tường tận ý nghĩa trên tấm văn bia đó viết gì, nói gì.
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, cả xứ đảo bị bom mìn cầyy xé, oanh tạc tan nát, có khi thành bình địa nhưng duy chỉ có 2 giếng cổ này vẫn còn nguyên vẹn. Kỳ lạ hơn, những năm quân Mỹ đến chiếm đóng khu vực này vì muốn có nguồn nước uống cung cấp đủ cho binh lính nên đã đào thêm giếng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Nhưng lạ thay, tất cả các giếng mà lính Mỹ đào đều không tìm được nguồn nước ngọt thanh mát. “Có thể sự linh thiêng, bảo trợ của “chủ xứ đất” (người Chiêm Thành-PV) đã linh ứng để bảo hộ cho 2 giếng này nên mới còn tồn tại nguyên vẹn giữa mưa bom lửa đạn cho đến hôm nay”, một bậc cao niên trong xã đã nói thế.
Người dân nơi đây xem như là “bầu sữa mẹ”. |
Hai “bầu sữa mẹ” nuôi sống cả đảo
Đã nhiều lần chúng tôi về xã đảo, khung cảnh tươi vui, nhộn nhịp của từng chuyến xe đạp, xe máy thồ những can nước, thùng nước ngọt trong tiếng nói cười giòn tan không còn mấy xa lạ. Đó là hình ảnh thường nhật vẫn thường thấy nơi đây. Hàng trăm năm nay, người trong xã ngày ngày vẫn đến 2giếng này để lấy nước về sử dụng. Nắng hay mưa, hè hay đông, hai giếng này vẫn “lặng lẽ” đem “ sữa mẹ” ngọt lành nuôi sống cả đảo.
Ngạc nhiên hơn khi đứng từ trên thành giếng nhìn xuống, nước giếng luôn trong veo, sáng như gương, đáy giếng hiện ra rõ mồn mọt. Uống vài ngụm sẽ cảm giác có vị ngọt mát ở đầu môi. Trong khi đó, giếng chỉ có độ sâu không quá 10m, bán kính tầm 1m nhưng xưa nay rất hiếm khi cạn nước. Nguồn nước rỉ ra từ mạch nước ngầm dưới chân vách núi Bàn Than xứ đảo.
Có những năm mùa khô hạn đỉnh điểm mực nước của giếng vẫn giữ nguyên, không bao giờ hạ xuống mực nước chết. Do vậy, người dân trên đảo không bao giờ phải sống trong nỗi thấp thỏm lo sợ sẽ thiếu nước uống.
Chính vì thế mà gười dân Tam Hải xem hai giếng này như là nước thiêng nên không bao giờ sử dụng vô tội vạ. Nước chỉ được dùng để nấu ăn, đun nước uống chứ tuyệt đối không được tắm giặt, rửa chân tay vì như thế sẽ làm “vẩn đục nguồn nước thiêng”.
Dãy can, thùng đựng xếp hàng chờ lấy nước. |
Những người dân xứ đảo xem hai giếng này như là “báu vật” miền biển. Bởi thế, dù là giếng làng nhưng họ cũng đề ra nội quy sử dụng nước hẳn hoi. Nội quy trước cổng vào giếng quy định rõ quyền hạn và nghĩa vụ của những người dân xã đảo khi đến lấy nước về sử dụng. Đây là những quy tắc xử sự đối với giếng cổ được người dân tuân thủ nghiêm chỉnh.
Để bảo quản tốt hai giếng cổ này, nhân dân thôn đã cử bà Nguyễn Thị Hồng (65 tuổi đứng ra trông coi, thu gom, quét dọn giếng, thu tiền phí chở nước. Theo đó, mỗi đôi nước giá 2.000 đồng. Từ đó, mỗi tháng bà Hồng chi lại cho địa phương một khoản để làm nguồn kinh phí tu bổ, sửa chữa.
Dù là giếng làng tốn tiền nhưng nhiều người dân vẫn vui vẻ đón nhận như thể là góp một phần nhỏ bé để nâng niu “bầu sữa mẹ” mát lành đã nuôi họ khôn lớn, trưởng thành. Bởi với họ, 2.000 đồng đổi một hai thùng nước “mẹ” thì quá giá trị. “Thu chừng đó chẳng là bao như là ý thức dặn mọi người mà thôi. Có vậy họ mới thấy giá trị!”, cô Nguyễn Thị Thu (một người dân sống trên đảo) hồ hởi cho biết.
Cô Hồng - người quản lý, quét dọn giếng. |
Theo lời người phụ nữ này, chúng tôi đi vào trong thì mới hiểu ra cặn kẽ vấn đề. 4 người phụ nữ đứng quay quần bên giếng nước vừa nói vừa cười rất vui vẻ. Như cô Hoa phải đứng đợi cả 1 tiếng đồng hồ mới múc được 2 can nước chở về uống. Cô mừng rỡ cho biết: “Thế cũng có nước rồi, thôi nhường lại mấy chị hỷ, em về đây.”
Bà Nguyễn Thị Hồng, người có trách nhiệm được nhân dân giao chuyện trông coi hai giếng cổ, bộc bạch: “Nói là nhiệm vụ trông coi chứ người dân cũng rất ý thức. Hai giếng ở cách nhau cả gần cây số nên ai lấy nước đều tự giác nộp tiền. Không những thế còn rất nghiêm túc, chưa từng có chuyện lớn tiếng chỉ vì mấy xô nước. Người dân nơi đây luôn có một sự tôn kính và giữ gìn hai giếng nước này, không chỉ cho bây giờ, mà cả cho con cháu sau này nữa...”.