Huawei, thương hiệu smartphone lớn thứ nhì thế giới sau Samsung, vốn là một trong số ít những đối tác phần cứng toàn cầu của Alphabet được quyền tiếp cận sớm với các phiên bản mới nhất của phần mềm Android và các tính năng cập nhật từ Google.
Ở thị trường ngoài Trung Quốc, những mối quan hệ này giữ vai trò rất quan trọng trong việc giúp Google đưa các ứng dụng đến người dùng và thúc đẩy mảng kinh doanh quảng cáo trên di động.
Mới đây, nhằm tuân thủ lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Huawei, Alphabet, công ty mẹ của công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn nhất thế giới Google, sẽ cắt cung cấp phần cứng và một số dịch vụ phần mềm cho Huawei.
Theo đó, Huawei sẽ chỉ còn tiếp cận được với phiên bản công cộng của hệ điều hành di động Android, phần mềm điện thoại thông minh (smartphone) phổ cập nhất thế giới. Điều này có nghĩa là Huawei sẽ không thể tiếp tục sử dụng các ứng dụng và các dịch vụ thuộc quyền sở hữu của Google, từ ứng dụng bản đồ Maps, công cụ tìm kiếm Google, cho tới dịch vụ thư điện tử Gmail.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh điều hành nhằm cấm hoàn toàn thiết bị Huawei tại Mỹ, đồng thời Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào một "danh sách đen" nhằm khiến công ty này không thể mua được thiết bị từ các nhà cung cấp Mỹ.
Việc cấm Huawei mua hàng từ các nhà cung cấp Mỹ có thể đặt ra trở ngại lớn đối với công ty này, nhưng cũng đồng thời tạo sức ép không nhỏ lên các nhà sản xuất con chip của Mỹ như Qualcomm và Micron, đồng thời ảnh hưởng đến quá trình triển khai mạng viễn thông thế hệ tiếp theo 5G trên toàn cầu.
Huawei hiện nay hầu như không bán được gì ở thị trường Mỹ, nhưng mua mỗi năm 11-12 tỷ USD công nghệ và linh kiện từ các nhà cung cấp Mỹ. Huawei được cho là đã dự trữ được lượng con chip và các linh kiện quan trọng khác để đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty duy trì bình thường được ít nhất 3 tháng nữa. Huawei đã chuẩn bị cho tình huống này từ ít nhất giữa năm 2018, bằng cách tích trữ các linh kiện cần thiết và đẩy mạnh những nỗ lực thiết kế con chip riêng, nguồn tin cho hay.
Theo một nguồn tin, lãnh đạo của Huawei tin công ty đã trở thành một "công cụ mặc cả" trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung, và họ có thể quay trở lại mua hàng Mỹ bình thường một khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại.
Cũng theo nguồn tin này, Huawei vẫn sẽ được tiếp cận với các cập nhật ứng dụng và an ninh đi kèm phần mềm mã nguồn mở Android. "Chúng tôi tuân thủ yêu cầu của Chính phủ Mỹ và sẽ rà soát ảnh hưởng của việc này", một phát ngôn viên của Google nói và từ chối cho biết cụ thể hơn.